Tăng thu hơn 23.000 tỷ bù hụt ngân sách
Dự kiến từ 1/5, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng sẽ từ 1.000 đồng/lít tăng lên 3.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng thuế từ 500 đồng/lít hiện nay lên 1.500 đồng/lít. Dầu mazut cũng sẽ tăng từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít. Riêng dầu hoả, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ giữ nguyên như mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành là 300 đồng/lít.
Giá dầu thô đang xuống, xăng dầu Việt Nam lại chực tăng thuế, giá? |
Bộ Tài chính cho biết, lý do lớn nhất của việc điều chỉnh thuế trên là để ứng phó với vấn đề hụt thu ngân sách, do phải giảm thuế theo các cam kết hội nhập tới đây. Theo phương án ban đầu, dự kiến tăng thuế bảo vệ môi trường đối với cả dầu hoả, Bộ Tài chính đã ước tính năm 2015, nguồn thu từ sắc thuế này đối với xăng dầu sẽ đạt khoảng 35.579,8 tỷ đồng, tăng thu 23.719,8 tỷ đồng.
Trong đó, mặt hàng xăng dự kiến thu 20.911,8 tỷ đồng/năm, tăng 13.941,2 tỷ đồng/năm. Các mặt hàng dầu dự kiến thu được khoảng 13.228,9 tỷ đồng/năm thuế bảo vệ môi trường, tăng 8.819,2 tỷ đồng/năm.
Kéo theo đó, số thu thuế GTGT đối với xăng dầu cũng sẽ tăng lên khoảng 2.371,9 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách năm 2015 dự kiến tăng lên khoảng 26.091,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng thu trên cũng mới chỉ bằng 84% so với mức hụt thu ngân sách tới đây, khi giảm thuế thuế nhập.
Từ năm 2012, xăng dầu là một trong các mặt hàng phải áp dụng lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết của 3 Hiệp định, là Hiệp định thương mại tự do nội khối ASEAN (ATIGA), Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN- Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN- Hàn Quốc (AKFTA).
Song, thời gian qua, mức thuế nhập khẩu cho xăng dầu vẫn là thuế MFN theo cam kết WTO, nên chênh lệch so với thuế trong các cam kết trên hiện rất lớn, 5-35%. Đến nay, áp lực phải cắt giảm thuế đã cận kề. Bộ Tài chính tính toán, nếu giá dầu thô WTI là 70-75 USD/thùng, tổng mức giảm thu ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2015-2017 do giảm thuế lên tới khoảng 28.253 tỷ đồng/năm, bằng 30% tổng thu ngân sách từ xăng dầu hiện nay.
Trong đó, thuế nhập khẩu xăng dầu giảm thu khoảng 25.162 tỷ đồng, kéo theo, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm khoảng 525 tỷ đồng và thuế giá trị gia tăng giảm khoảng 2.566 tỷ đồng.
Trước viễn cảnh "thất thu" như vậy, Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu là cần thiết, có tính ổn định, phù hợp với xu hướng chung của các nước.
Dồn áp lực lên giá
Vấn đề được quan tâm nhiều nhất đối với người tiêu dùng đằng sau câu chuyện này là giá bán lẻ, liệu có "bị" tăng mạnh không?
Người tiêu dùng chịu thiệt khi không được hưởng lợi từ việc giảm thuế theo hội nhập. |
Theo công thức giá cơ sở xăng dầu hiện nay, nếu như tăng thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế nhập khẩu đúng như cam kết, không tính xả Quỹ, chỉ có duy nhất mặt hàng xăng sẽ còn âm tới 3.396 đồng/lít. Còn lại, các mặt hàng dầu sẽ có "lãi" lớn, như dầu diesel lãi 74,74 đồng/lít, dầu hoả lãi 1.647 đồng/lít và dầu mazut lãi tới 315,28 đồng/lít.
Việc điều chỉnh trên không tác động nhiều tới giá bán lẻ xăng dầu, bởi nó đã được cân đối với "kế hoạch" sẽ giảm mạnh thuế nhập khẩu tới đây.
Tuy nhiên, từ góc độ quyền lợi của người tiêu dùng, việc tăng thuế môi trường vẫn có nhiều ý kiến. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã băn khoăn tại cuộc họp hôm qua, khi giảm thuế nhập khẩu 15% thì người dân kỳ vọng được hưởng lợi từ đó. Giờ lấy một loại thuế để bù đắp một loại thuế khác với mặt hàng đó thì có nên không?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích rằng, nếu giảm thuế nhập khẩu mà không tăng thuế bảo vệ môi trường lên ngay, thì chính các nhà xuất khẩu trong khối ASEAN sẽ hưởng lợi, bởi họ sẽ nhân cơ hội này tăng giá bán cho Việt Nam.
Song, theo một chuyên gia kinh tế, hiện nay, nguồn cung xăng dầu trên thế giới đang dư thừa, giá còn được dự báo sẽ giảm sâu tới 40 USD/thùng, nên viễn cảnh sẽ bị siết giá nếu mua xăng dầu từ ASEAN là khó xảy ra.
Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam vừa qua cũng đã chịu khá nhiều thiệt thòi, khi Bộ Tài chính trì hoãn việc thực hiện cam kết giảm thuế xăng dầu. Ngoại từ năm 2012, thuế nhập khẩu thấp từ 0-5% thì kể từ năm 2013-2014, thuế nhập khẩu xăng dầu ở Việt Nam đều tăng mạnh, vượt xa mức thuế theo cam kết.
Ví dụ, thay vì giảm thuế xăng về 20% và dầu diesel về 5% từ năm 2012, thuế nhập khẩu xăng hiện đã lên tới 35% và dầu diesel lên 30%. Barem thuế theo giá dầu thô mà Bộ Tài chính ban hành đầu tháng 12/2014 đã không hề tính đến việc thực hiện cam kết ở các hiệp định trên.
Năm 2014, Việt Nam nhập khoảng 3,4 triệu tấn xăng dầu nhập từ ASEAN, 0,73 triệu tấn từ Trung Quốc và 0,47 triệu tấn từ Hàn Quốc. Tổng lượng xăng dầu nhập từ 3 thị trường trên là 4,6 triệu tấn, chiếm khoảng 64% tổng sản lượng nhập khẩu xăng dầu. Nếu như giảm thuế 64% sản lượng xăng dầu như cam kết, chắc hẳn thời gian qua, giá bán lẻ xăng dầu đã dễ chịu hơn nhiều.
Với cục diện này, nhiều doanh nghiệp lo ngại, Bộ Tài chính sẽ không giảm ngay thuế nhập khẩu từ 1/5/2015, đồng thời với tăng thuế bảo vệ môi trường như các mức cam kết trên mà có thể sẽ tiếp tục kéo dài lộ trình giảm.
Theo cam kết hội nhập trong ASEAN, ASEAN -Trung Quốc, ASEAN- Hàn Quốc: Giai đoạn 2015-2017, mặt hàng xăng nhập từ ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc phải giảm thuế nhập khẩu từ 35% hiện nay xuống mức 20%. Tới năm 2024, thuế nhập khẩu xăng ASEAN là 0%.
Năm 2015, dầu diesel, dầu hoả nhập từ ASEAN và Hàn Quốc giảm thuế tương ứng 30%, 35% hiện nay xuống 5%. Dầu mazut giảm từ 30% hiện nay về 0%. Nếu nhập từ Trung Quốc, madut chịu thuế 5%.
Năm 2016, dầu diesel và dầu hoả nhập từ ASEAN hưởng thuế 0%.
Năm 2018, dầu diesel và dầu hoả từ Hàn Quốc hưởng mức thuế 0%.