Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cú đòn' mạnh với tướng Mark Milley

Giữa lúc nhiều câu hỏi lớn đang nhằm vào uy tín của tướng Mark Milley, ông lại bị giáng đòn mạnh khi Lầu Năm Góc thừa nhận vụ không kích nhầm ở Kabul.

Ba ngày sau khi máy bay không người lái của Mỹ không khích trúng chiếc ôtô trên đường phố Kabul hôm 29/8, tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân - đã bác bỏ các báo cáo thương vong dân sự và khẳng định đây là một “cuộc tấn công chính nghĩa”.

Đến ngày 17/9, Lầu Năm Góc thừa nhận rằng máy bay đã tấn công nhầm chiếc xe hơi trắng hiệu Toyota Corolla. Cả 10 nạn nhân thiệt mạng đều là dân thường, trong đó có 7 trẻ em người Afghanistan.

Uy tin cua tuong My Mark Milley bi de doa nghiem trong anh 1

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Ảnh: Reuters.

Giới chức Lầu Năm Góc lật người tuyên bố trước đó, gọi đây là "sai lầm thảm khốc". Ông Milley thay đổi thái độ, gọi đây là một “thảm kịch kinh hoàng của chiến tranh”. Vụ việc đã góp phần phá hủy uy tín của ông Mark Milley, với tư cách là chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân.

"Cú đòn" này được cho là xảy đến không đúng lúc chút nào khi truyền thông Mỹ tuần qua vừa tiết lộ nhiều bước đi gây tranh cãi của tướng Milley dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Tiền lệ khủng khiếp

Trong cuốn sách Peril của hai nhà báo Bob Woodward và Robert Acosta từ Washington Post, tướng Milley kể rằng ông có ý định cảnh báo cho người đồng cấp tại Trung Quốc, nếu cựu Tổng thống Donald Trump ra lệnh tấn công vào những ngày cuối nhiệm kỳ.

Ông cũng không phủ nhận việc yêu cầu các sĩ quan cấp dưới hỏi ý kiến mình, nếu ông Trump ra lệnh phóng vũ khí hạt nhân. Trên thực tế, mệnh lệnh này đi ngược lại quy trình chỉ huy chính thống.

Sự việc khiến các đảng viên Cộng hòa nổi giận, yêu cầu ông Milley phải từ chức. Ngay cả những người ủng hộ cũng bất bình, cho rằng vị tướng đã vượt quyền và làm suy yếu quyền lực của một tổng thống được người dân bầu chọn.

Ông Tom Collina, giám đốc chính sách tại tổ chức Plowshares Fund, nhận xét: “Tôi nghĩ ông ấy đã làm điều đúng đắn trong hoàn cảnh bắt buộc. Nhưng hành động này lại tạo ra một tiền lệ khủng khiếp”.

“Chúng tôi thấy hành động của tướng Milley rất đáng lo ngại. Nó vi phạm ranh giới giữa chính quyền dân sự và quân sự”, ông Collina cho biết. “Quyết định phóng vũ khí hạt nhân nên là một quyết định dân sự. Chúng tôi đã thống nhất như vậy vào năm 1945. Quân đội không phải là bên quyết định việc sử dụng hạt nhân”.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã giao chức vụ chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân cho ông Milley vào tháng 12/2018. Quyết định này đi ngược lại đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng thời đó là ông James Mattis.

Uy tin cua tuong My Mark Milley bi de doa nghiem trong anh 2

Cựu Tổng thống Donald Trump và tướng Mark Milley. Ảnh: AP.

Dường như ông Milley đã thu hút vị tổng thống có tính khí khó lường bằng kinh nghiệm chiến đấu, phong thái đĩnh đạc và mối quan tâm chung về việc cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Khi đã giành được sự tôn trọng, ông Milley giữ chắc vị trí của mình và thậm chí có nhiều ảnh hưởng đối với cựu Tổng thống Trump.

Song mối quan hệ bắt đầu rạn nứt từ khi phong trào biểu tình chống phân biệt chủng tộc Black Lives Matter xuất hiện vào mùa hè năm 2020. Khi ấy, ông Milley kiên quyết phản đối việc ông Trump triển khai quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình.

Quyết định gây tranh cãi

“Ông ấy hài hước, thông minh, bất cần và thẳng thắn”, một trong những người bạn của ông Milley nói. “Nhưng ông ấy cũng là một người bị ám ảnh vì hiến pháp. Ông ấy nghiên cứu lịch sử và thông thạo chức năng của chính phủ”.

Theo nhiều nhà sử học và lập pháp, ông Milley rất lo lắng khi nghĩ đến việc ông Trump không chấp nhận thất bại vào tháng 11/2020. Trên thực tế, nỗi sợ hãi lớn nhất của ông Milley là ông Trump phát động chiến tranh sau khi thất bại.

Tướng Milley sau đó đã xác nhận ông gọi điện cho phía Trung Quốc để trấn an rằng ông Trump sẽ không bất ngờ tấn công. Ông Milley cũng nói “đảm bảo sự ổn định chiến lược nằm trong nhiệm vụ và trách nhiệm” của mình.

Thông tin sau đó cho biết cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã ủy quyền cho cuộc gọi của ông Milley.

Theo cuốn Peril, ông Milley còn triệu tập các sĩ quan cấp cao từ Trung tâm Chỉ huy Quân sự Quốc gia (NMCC) tại Lầu Năm Góc. Trong cuộc họp, ông yêu cầu cấp dưới phải hỏi ý kiến mình, nếu tổng thống ra lệnh tấn công hạt nhân.

Mệnh lệnh này của ông Milley hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân là cố vấn cho tổng thống, song không phải là người chỉ huy trong trường hợp này.

Theo luật lệ Mỹ, khi tổng thống đã cung cấp mã xác minh cho NMCC thì ông ấy có thể ra lệnh phóng tên lửa hạt nhân và không ai, kể cả bộ trưởng Quốc phòng, được phép ngăn cản hành động này.

Thành viên cấp cao tại NMCC, bà Katherine Kuzminski, nói: “Mệnh lệnh của ông Milley bị coi là vi phạm cả quy chế và tiêu chuẩn liên quan đến hệ thống an ninh Mỹ và chức danh chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân”.

Ông Milley đã nói ông sẽ giải thích đầy đủ mọi quyết định của mình trước Quốc hội Mỹ vào cuối tháng này. Những người ủng hộ cho rằng diễn biến bất thường hồi cuối nhiệm kỳ Tổng thống Trump đòi hỏi ông Milley phải linh hoạt để duy trì hiến pháp và bảo vệ người dân.

Mỹ bác tin tướng cấp cao qua mặt ông Trump để gọi cho Trung Quốc

Phát ngôn viên của tướng Mark Milley bác bỏ thông tin trong một cuốn sách, vốn cho rằng ông Milley qua mặt cựu Tổng thống Donald Trump để gọi cho người đồng cấp Trung Quốc.

Tướng Mỹ từng lo sợ ông Trump sẽ phát động chiến tranh hạt nhân

Tướng cấp cao của Mỹ Mark Milley từng lo lắng về “điểm kích động” ông Trump sau cuộc bầu cử, theo sát nhà lãnh đạo nhằm ngăn chặn cuộc tấn công quân sự thảm khốc có thể xảy ra.

Uyên Uyên

Theo Guardian

Bạn có thể quan tâm