Trưa 18/1, tại hẻm 791 đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng), bà Thu Phương (62 tuổi) tận dụng nắng to phơi mẹt củ quả làm đồ chua ở trước nhà chuẩn bị cho món Tết. Bà cùng hai chị gái chuyển về sống ở hẻm này khoảng 10 năm nay. “Từ khi về đây tôi đã thấy hẻm lát bê tông, sau nhiều năm ngày càng nhiều đoạn nứt vỡ”, bà Phương kể lại.
Nay hẻm vừa được thay “áo mới” bằng con đường thơm mùi nhựa. Đoạn hẻm dài 300 m, được nâng cao khoảng 20 cm.
Mặt đường trước nhà bà Thu Phương đang cư ngụ là một trong số các hẻm rộng dưới 3 m cần mở rộng theo quy hoạch của quận 7. Địa phương đặt chỉ tiêu mỗi năm sẽ mở rộng tối thiểu một hẻm ở một phường.
Kỳ vọng bớt cảnh ngập lụt
Từ khi hẻm 791 đường Trần Xuân Soạn được nâng cấp, người dân đi lại thoải mái hơn, không còn cảnh các xe ngược hay cùng chiều phải tránh nhau vì ổ voi, ổ gà.
“Những năm trước đường bê tông thì bụi bặm, nay sạch sẽ. Mừng nhất là ống cống được làm lại cao và có thể thoát nước nhanh hơn. Hy vọng mùa mưa hay mỗi đợt triều cường, cả nhà sẽ không phải bì bõm lội nước trong nhà”, bà Thu Phương bày tỏ.
Hẻm 791 đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng) vừa thông xe sau nâng cấp hôm 14/1. Cư dân nơi đây cho biết quá trình thi công chỉ diễn ra trong ngày, không gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống thường nhật. Ảnh: Ngọc An. |
Hẻm 791 nối thẳng ra đường Trần Xuân Soạn được coi là “rốn ngập” của quận 7. Đường được nâng cấp cao và bằng phẳng sẽ hạn chế mực nước ngập và tránh tai nạn như sập bánh xe, ngã xe.
Còn tại hẻm số 22 đường Võ Thị Nhờ (phường Tân Thuận Đông), đi thẳng vào là đến nhà của anh Lê Thanh Hòa (39 tuổi). Gia đình anh đã sinh sống ở đây khoảng 40 năm, chứng kiến con đường từ những ngày “sơ khai” đất đá gồ ghề cho đến giờ được nâng lên bằng chất liệu bê tông.
Gờ trước cửa nhà trọ chị Thanh Trầm được trét xi măng lại, cao hơn nền nhà, nên gia đình phải kê ván gỗ để dắt xe lên xuống. Ảnh: Ý Linh. |
Mặt đường sau khi nâng cấp thì cao hơn mặt bằng nhà anh một chút. Đối với dãy nhà trọ phía trước nhà anh Hòa thì độ cao chênh lệch xấp xỉ 10 cm.
Tuy nhà mình trọ thấp hơn mặt đường, chị Thanh Trầm (40 tuổi) thấy yên tâm hơn. “Vị trí cống được làm mới cao hơn có lẽ sẽ bớt ngập đường, ngập nhà”, chị bày tỏ.
Từ khi con hẻm được mở rộng, nâng cấp, người dân dừng đỗ, quay đầu và dắt xe dễ dàng hơn. Mặt đường rộng, sạch và ít bụi đất tạo không gian vui chơi an toàn hơn cho trẻ con.
Theo lời anh Hòa kể, hẻm này ban đầu rộng chưa đầy 3 m, đủ một xe máy quay đầu, ôtô hầu như không thể vào. Phía trước nhà anh Hòa có 2 dãy nhà trọ. Hiện một dãy đã thụt lùi vào, mở rộng mặt đường ra khoảng 4 m.
“Chủ nhà đó đồng ý ‘hiến đất’ mở đường. Họ cũng tranh thủ đập nhà cũ để xây lại công trình mới”, anh Hòa cho hay.
Tuy nhiên trong tổng độ dài hẻm khoảng 50 m mới có hơn nửa được mở rộng cùng vị trí dãy nhà trọ kể trên. Độ rộng đoạn đầu hẻm vẫn như cũ.
Anh Lê Thanh Hòa tại cổng nhà, phía trước nhà anh là toàn bộ chiều dài hẻm 22 đường Võ Thị Nhờ (phường Tân Thuận Đông). Chủ dãy nhà cửa vàng đã "hiến đất" mở rộng hẻm. Ảnh: Ý Linh. |
Cư dân hiến đất mở hẻm
Theo kế hoạch của UBND quận 7, trong giai đoạn 2020-2025, địa phương sẽ đầu tư vào ít nhất 50 hẻm, trong đó ưu tiên nâng cấp và mở rộng các tuyến hẻm chính có chiều rộng nhỏ hơn 3 m, đảm bảo chiều rộng sau khi nâng cấp đạt tối thiểu 4 m.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Đức Trí, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 7, cho biết việc người dân đồng thuận và đóng góp kinh phí là yếu tố then chốt trong kế hoạch đầu tư nâng cấp được thuận lợi, hiệu quả. Quá trình vận động người dân hiến đất ban đầu gặp nhiều khó khăn vì giá trị đất.
Các cơ quan chức năng địa phương đã kiên trì giải thích với cư dân về hiệu quả khi mở rộng hẻm. Việc đầu tư hoàn thành các tuyến hẻm, cầu sẽ góp phần cải thiện lưu thông, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, nâng cao đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các khu dân cư.
Cư dân hẻm 803 đường Huỳnh Tấn Phát (phường Tân Thuận Đông) hưởng ứng hiến đất. Ảnh: Ngọc An. |
Trong năm 2021, 11 tuyến hẻm chính ở quận 7 đã được mở rộng đạt tối thiểu 4 m, phục vụ nhu cầu đi lại thuận lợi của trên 700 hộ dân. Trong đó có 175 hộ hiến đất với diện tích trên 2.200 m2, ước giá trị đất khoảng trên 74 tỷ đồng.
Ngoài các tuyến hẻm chính, toàn quận đã đầu tư nâng cấp theo hiện trạng 22 tuyến hẻm kết nối nhau, với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng, do người dân tự đóng góp.
Hộ kinh doanh trong hẻm 803 đường Huỳnh Tấn Phát đồng ý cắt vào phần đất có độ rộng bằng khoảng đoạn nắng chiếu trên bậc thềm (hơn 0,5 m). Ảnh: Ý Linh. |
Chị T.T., chủ tiệm tạp hóa trong hẻm 803 đường Huỳnh Tấn Phát (phường Phú Thuận), cho hay nhiều người dân trong hẻm vui lòng hiến đất, đa số là những hộ có mảnh sân trước.
Đối với hộ bán tạp hóa này, việc mở rộng đường hẻm sẽ thuận lợi hơn cho việc kinh doanh.
“Việc cắt đất không ảnh hưởng đến diện tích bày hàng hóa; ngược lại còn tạo thêm chỗ cho người mua dừng xe vào mua”, chủ tiệm vui vẻ nói.
Trong năm 2022, chỉ tiêu đặt ra trên địa bàn quận là đầu tư tối thiểu 10 tuyến hẻm chính; mở rộng và nâng cấp các tuyến hẻm nhánh theo hiện trạng đảm bảo kết nối hẻm chính; đầu tư xã hội hóa ít nhất 2 cây cầu.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.