Hiệp hội Môi trường và Động vật Đài Loan (EAST) cho biết một số địa phương khuyến khích người dân tham gia kiểm soát số lượng cự đà du nhập, nhưng lại không đưa ra hướng dẫn cụ thể, khiến tình trạng săn bắn diễn ra tràn lan ở những nơi này, theo Guardian.
Một số nơi còn thưởng thực phẩm và tiền cho những ai giết được cự đà xanh và cự đà nâu. EAST cho biết một chương trình thưởng tiền mặt năm 2017 được đăng ký kín chỗ trong vòng 1 ngày và hoàn toàn không có quy trình thẩm tra cụ thể. Việc này dấy lên lo ngại một số người nuôi các loài động vật này để kiếm tiền thưởng.
Số lượng cự đà tăng mất kiểm soát ở Đài Loan. Ảnh: Taiwan News. |
Một số bài đăng trên mạng xã hội cho thấy hàng loạt con cự đà bị bắn bằng cung tên, bị xẻ thịt sống, buộc chân và bị bắt ngậm pháo nổ. Thịt cự đà cũng được rao bán trên các trang thương mại điện tử.
“Nhiều người không biết gì về tập quán động vật và không thể phân biệt được loài nào bản địa, loài nào du nhập vì chúng trông khá giống nhau... Các biện pháp họ sử dụng hoàn toàn mất nhân tính và không đếm xỉa đến quyền của các loài động vật”, Hsin-Yuan Chang, một nhà nghiên cứu của tổ chức EAST, cho biết.
Cự đà xanh là loài động vật du nhập phát triển mạnh ở Đài Loan. Chúng bị cho là gây hại mùa màng, dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài vật bản địa và gây hư hại kênh đào do những đường hầm do chúng tạo ra.
Năm 2020, Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan cho biết số lượng loài cự đà tăng 27 lần trong vòng 5 năm qua. Nguyên nhân là chính quyền Đài Loan hợp pháp hoá việc nhập khẩu cự đà cũng như việc người dân ở đây xem chúng là vật nuôi. Mãi đến năm 2015, việc nhập khẩu loài vật này mới bị cấm.
Chuyên gia Hsin-Yuan Chang đề xuất chính quyền sử dụng các nghiên cứu chính thức về những loài vật này và đào tạo thêm cho nhân sự.
"Ngoài ra, chúng tôi đề xuất cấm bán các sản phẩm liên quan như thịt, da của các loài vật này, vì nó có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây dịch bệnh trong cộng đồng”, Hsin-Yuan Chang nói thêm.
Lo Yu-chuan, Cục trưởng Cục Bảo tồn Rừng, chia sẽ rằng hiện đã có các quy tắc về biện pháp giảm số lượng loài xâm lấn một cách nhân đạo, nhưng chúng chưa được công bố rộng rãi.
Một số nhà chức trách cho biết họ sẽ điều tra các hành vi tàn ác với động vật và một số trường hợp có thể phải chịu án tù.