Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Cú chuyển mình của startup nuôi giấc mộng vì người khuyết tật

Từ ý tưởng khởi nghiệp bị cho là không tưởng, Vulcan Augmetics đã góp mặt trong cuộc thi quốc tế, truyền cảm hứng cho cộng đồng startup Việt.

Từ ý tưởng khởi nghiệp bị cho là không tưởng, Vulcan Augmetics đã góp mặt trong cuộc thi quốc tế, truyền cảm hứng cho cộng đồng startup Việt.

Đến với giải thưởng Doanh nhân cộng đồng - Blue Venture Award mùa 1 rồi giành giải quán quân để trở thành startup đầu tiên của Việt Nam và là đại diện duy nhất của Đông Nam Á được tham dự vào vòng chung kết cuộc thi The Venture 2019, đội ngũ đại diện Vulcan Augmetics - công ty cung cấp các module chân tay giả cho người khuyết tật, vẫn chưa thể tin cuộc thi mang đến cho doanh nghiệp cộng đồng của mình nhiều giá trị đến vậy. Đó là cơ hội kết nối với cộng đồng startup từ nhiều nơi trên thế giới; là bài học kinh nghiệm, kỹ năng từ đội ngũ cố vấn có nhiều năm “chinh chiến” trên thương trường...

Nói về hành trình chinh phục mục tiêu hỗ trợ 38 triệu người khuyết tật trên thế giới, cô gái trẻ Trịnh Khánh Hạ - đồng sáng lập, Tổng quản lý Vulcan Augmestic và Rafael Masters - đồng sáng lập, Giám đốc Vulcan Augmestic, không ngừng nhắc đến hai chữ “niềm tin”. Đó là niềm tin vào sứ mệnh vì cộng đồng mà công ty đang theo đuổi.

- Cơ duyên nào đã đưa Vulcan đến với cuộc thi Giải thưởng Doanh nhân cộng đồng - Blue Venture Award mùa 1?

- Năm ngoái, chúng tôi tham gia một cuộc thi do Bộ Khoa học công nghệ tổ chức và vào top 10. Cùng lúc đó, Vulcan được chọn là một trong 3 startup đi thẳng vào top 10 của Giải thưởng Doanh nhân cộng đồng - Blue Venture Award mùa 1. Vì là mùa đầu tiên nên thời điểm ấy, chúng tôi chưa thực sự biết về quy mô quốc tế của cuộc thi nhưng rất mừng về vị trí đã đạt được.

Cơ duyên đến, cả đội ráo riết chuẩn bị sản phẩm mới để giới thiệu tại cuộc thi. Và rồi, Vulcan giành ngôi vị Quán quân Giải thưởng Doanh nhân cộng đồng - Blue Venture Award mùa 1, trở thành đại diện duy nhất của châu Á tham dự cuộc thi The Venture 2019 toàn cầu. Đặc biệt hơn, chúng tôi nhận được giải “Doanh nhân cộng đồng được yêu thích nhất” tại đây.

- Điều gì giúp Vulcan Augmetics tự tin tạo dấu ấn trước một cuộc thi quốc tế như vậy?

- Tôi tin tưởng vào mục tiêu, sứ mệnh cũng như giải pháp mình có. Nó đủ lớn để mọi người cố gắng, nỗ lực cùng chung tay biến giấc mơ thành hiện thực. Khi có niềm tin mãnh liệt thì dù cuộc thi lớn cỡ nào, áp lực ra sao, tôi cũng sẵn sàng đối mặt.

Không ít lần đối mặt với thử thách, tôi tự vấn: Vì sao mình phải chịu áp lực này, vì sao phải cố gắng? Mỗi lần như vậy, tôi nhớ đến câu nói của một bạn khuyết tật - hiện là thành viên của Vulcan Augmetics: “Mình đánh mất cánh tay, nhưng chưa bao giờ đánh mất ước mơ”. Câu nói đó truyền cho tôi động lực mỗi ngày.

Tôi cảm thấy mình và Vulcan đang từng bước biến ước mơ của các bạn trở thành hiện thực. Tôi muốn mang câu chuyện này ra thế giới và để nhiều người biết Việt Nam cũng có công nghệ, kỹ sư giỏi không thua kém các nước phát triển. Chúng tôi đã ở đây, với nguồn lực rất hạn chế, làm ra sản phẩm với tính năng, công nghệ hiện đại. Tôi rất tự tin và tự hào khi “mang chuông đi đánh xứ người”.

- Trở thành startup giành giải nhất giải thưởng Doanh nhân cộng đồng - Blue Venture Award mùa 1 tại Việt Nam, và đại diện Đông Nam Á tham dự vòng chung kết The Venture 2019 giúp gì cho Vulcan Augmetics trong hành trình chinh phục mục tiêu giúp 38 triệu người khuyết tật trở thành lao động chính?

- Khi chưa được đầu tư, Vulcan “đốt” khoảng 20.000 USD để sống trong hơn một năm. Nói chung, chúng tôi cực kỳ tiết kiệm. Công ty may mắn bởi từ những ngày “chân ướt chân ráo” gia nhập thị trường này đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều bên.

TVHub anh 1

Lúc trước, chúng tôi chỉ có 10 bạn làm bán thời gian, không có văn phòng và phải đi “ở ké”. Giải thưởng Doanh nhân cộng đồng - Blue Venture Award đã đến và làm nên bước ngoặt, tạo sức bật cho Vulcan Augmetics. Hiện tại, đội kỹ sư chính đang nghiên cứu và phát triển hầu hết làm toàn thời gian, quy mô gần như gấp đôi thời điểm khởi nghiệp.

Giải thưởng có được cũng giúp Vulcan Augmetics đủ ngân sách thuê văn phòng, có nơi làm việc, xưởng sản xuất và tuyển thêm nguồn lực hỗ trợ công ty. Nhờ vậy, uy tín của Vulcan Augmetics tăng lên, nhiều nhà đầu tư tìm đến chúng tôi hơn.

Sức lan toả về mặt thương hiệu mà cuộc thi mang lại là không thể nói hết. Dù chỉ vào top 5, Vulcan Augmetics được nhiều người trong nước và cộng đồng startup quốc tế biết tên. Đó là những lợi ích lớn mà một startup trẻ như chúng tôi rất khó có được nếu không tham gia Giải thưởng Doanh nhân cộng đồng - Blue Venture Award.

- Nếu được thay đổi một điều để dành kết quả cao hơn tại The Venture 2019, chị muốn thay đổi điều gì?

- Tôi và cả nhóm đã thi hết sức nên không hối tiếc điều gì. Đội ngũ Vulcan Augmetics làm việc ngày đêm để có sản phẩm mẫu cầm đi thi. Tôi cũng dành trọn tâm huyết và trái tim để giới thiệu đến mọi người. Dù không trở thành quán quân, tôi thấy người giành giải rất xứng đáng. Họ đã bỏ ra 4 năm làm sản phẩm thay thế đường, giúp đỡ hàng trăm nghìn người.

- Có vẻ Giải thưởng Doanh nhân cộng đồng - Blue Venture Award đã mang lại cho chị và Vulcan rất nhiều. Chị có lời khuyên nào cho thế hệ kế tiếp tham gia cuộc thi?

- Các bạn nên tìm cách kết nối với những đội còn lại trong cuộc thi, vì giải thưởng chỉ dành cho một vài người, nhưng cơ hội tiếp xúc với startup và ban cố vấn thì luôn rộng mở. Các bạn nên tận dụng hết mức có thể kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng mà ban cố vấn truyền lại.

Đặc biệt, các bạn cần kết nối càng sâu càng tốt với những đội thi tại Việt Nam. Biết đâu đó, họ có thể trở thành đối tác, khách hàng mới của mình trong tương lai, hoặc giới thiệu bạn với nhà đầu tư, nguồn nhân tài đang tìm kiếm.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là sự tự tin về màu cờ sắc áo Việt Nam. Rất nhiều bạn tự ti khi đứng trong cuộc đấu quốc tế. Các bạn lo sợ không ai biết đến mình, đến quốc gia của mình và luôn nghĩ mình kém cỏi hơn. Nhưng ngược lại, tinh thần tự hào sẽ giúp bạn toát lên sự tự tin. Người Việt Nam rất thông minh, lanh lẹ, chỉ thiếu tự tin mà thôi.

- Sản phẩm của Vulcan Augmetics có gì khác biệt để tạo dấu ấn trên thị trường không ngừng vận động?

- Trên thế giới chưa có sản phẩm nào tập trung vào thị trường các quốc gia đang phát triển. Đa phần hướng tới người có thu nhập khá, được hỗ trợ từ bảo hiểm, nhà nước, hệ thống y tế để an toàn hơn cho nhà đầu tư. Danh sách đó vắng bóng Việt Nam cũng như nước đang phát triển vì mặc định người dùng không có khả năng chi trả.

Vulcan lại lội ngược dòng, hướng đến sản phẩm giá rẻ hơn cho thị trường Việt Nam. Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề sâu hơn về việc làm. Nếu sản xuất nhưng người khuyết tật không có kinh phí mua hoặc không tìm kiếm được việc làm thì chỉ giải quyết được một nửa vấn đề. Vì vậy, ngoài công nghệ, chúng tôi còn xây dựng hệ sinh thái để người dùng có thể tiếp cận sản phẩm.

TVHub anh 2

Ví dụ, một người bị tai nạn lao động vừa mất tay, vừa mất việc thì chúng tôi sẽ kết hợp với doanh nghiệp, phát triển ra module giúp họ làm việc tại cơ sở của đối tác. Cùng lúc đó, người khuyết tật vừa có việc làm lẫn sản phẩm tay, doanh nghiệp có thêm người lao động trung thành hơn và chúng tôi hỗ trợ thêm một người khuyết tật, mở rộng tệp người dùng. Tất cả đều có lợi.

- Nhưng giá rẻ thường không đồng hành cùng chất lượng?

- Thứ nhất, dù là startup rất nhỏ, dây chuyền sản xuất chưa lớn, Vulcan Augmetics đã bắt đầu áp dụng ISO 9000 và 5S cho quy trình quản lý chất lượng của mình. Chúng tôi không chờ đến khi lớn mạnh mới chú trọng chất lượng, mà làm ngay từ khi còn nhỏ.

Thứ 2, đa phần sản phẩm được sản xuất tại công ty, hạn chế đưa ra ngoài để kiểm soát chất lượng tốt hơn. Khi chọn đối tác bảo trì, chúng tôi cũng ưu tiên tên tuổi uy tín, quy trình kiểm soát chặt chẽ.

Cuối cùng, cả quá trình từ khâu chọn thiết bị, chi tiết đều được kiểm tra, thử nghiệm kỹ càng. Sản phẩm của Vulcan Augmetics không chỉ được thử nghiệm về lực, mà cả độ tương thích trên người dùng thực tế. Vì vậy, sản phẩm giá rẻ nhưng chắc chắn chất lượng cao.

- Một doanh nghiệp hoạt động vì cộng đồng nhưng vẫn cần doanh thu, lợi nhuận để duy trì và phát triển, chị nhìn thấy tiềm năng gì ở thị trường?

- Có đến 40 triệu người khuyết tật tại các quốc gia đang phát triển bị bỏ quên. Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng rất lớn từ thị trường này.

Với Vulcan Augmetics, giá rẻ khác lợi nhuận. Chúng tôi muốn giá rẻ nhưng không có nghĩa hy sinh lợi nhuận. Công ty đặt mục tiêu sản phẩm khi bán ra có ít nhất 65% biên lợi nhuận. Ví dụ một tay giả có giá hợp lý so với trên thế giới, ở mức giá 1.000 USD thì chi phí sản xuất sẽ giới hạn trong 400 USD.

Những dự án lắp tay miễn phí không phải chúng tôi cho người khuyết tật tay giả, mà đối tác sẽ chi trả số tiền đó. Tuy nhiên, trong tương lai khi đã có giấy phép đầy đủ, chúng tôi sẽ phân phối nhiều kênh khác nhau. Khách hàng cũng có thể mua online hoặc đến trực tiếp cửa hàng.

- Với người kém may mắn, suy nghĩ tích cực vẫn đóng vai trò quan trọng nhất, trước khi nhận sự hỗ trợ từ người khác. Vulcan Augmetics nghĩ gì về điều này và làm cách nào để khuyến khích họ hòa nhập xã hội?

- Tâm lý rất quan trọng. Chúng tôi không chỉ tiếp xúc với người khuyết tật khi đã phục hồi mà cả giai đoạn họ bị chấn động tâm lý. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng nền tảng hỗ trợ, để người dùng vừa được lựa chọn sản phẩm, vừa được hỗ trợ để hòa nhập cộng đồng.

Người khuyết tật cần cảm hứng, nhìn thấy những người giống mình vượt qua khó khăn. Họ cần động lực từ người khuyết tật khác thành công, để thấy khiếm khuyết cơ thể không phải kết thúc mà chỉ là thay đổi của cuộc sống. Chúng tôi muốn Vulcan Augmetics cung cấp giải pháp về tâm lý, công nghệ lẫn công ăn việc làm.

Thay vì mời những người nổi tiếng để quảng bá thương hiệu, chúng tôi đang xây dựng hình tượng “hero” (anh hùng) từ con số 0. Họ bình thường nhưng làm được điều phi thường. Cuối cùng, Vulcan Augmetics không muốn tạo ra thiết bị để chữa điểm khiếm khuyết. Ngược lại, chúng tôi xây dựng nên thiết bị mà khi mang trên người sẽ cảm thấy rất “ngầu”, đeo để khoe chứ không phải giấu.

TVHub anh 3

- Viễn cảnh của Vulcan Augmetics trong 5 năm tới sẽ như thế nào?

- Chúng tôi muốn dẫn đầu thị trường bộ phận thay thế cơ thể con người tại Đông Nam Á. Vulcan Augmetics cũng nghiên cứu, đi mạnh mảng cảm biến để phục vụ nhiều người tiêu dùng hơn, không chỉ giới hạn trong cộng đồng người khuyết tật.

5 năm tới, chúng tôi muốn cạnh tranh thẳng với những thương hiệu ở châu Mỹ và châu Âu. Khi đó, sản phẩm của Vulcan Augmetics vừa mạnh, vừa rẻ.

- Tham vọng này liệu có quá viển vông khi Vulcan Augmetics mới thành lập 2 năm và chưa đưa sản phẩm ra thị trường?

- Thông thường, một doanh nghiệp startup chỉ mất 6-12 tháng để ra mắt thị trường, vì họ làm về phần mềm, không cần quá cẩn trọng khi tung sản phẩm. Trong khi đó, sản phẩm của Vulcan Augmetics là công nghệ liên quan đến y tế nên phải cực kỳ kỹ lưỡng. Thiết bị phải được thử nghiệm lâm sàn, đảm bảo tốt và an toàn khi ra mắt. Vì vậy, chúng tôi không ngại trong việc đi hơi chậm trong quá trình thương mại hóa sản phẩm.

Tuy nhiên, 2 năm không phải quá lâu cho sản phẩm mang tính chất đột phá công nghệ. Trong khi nhiều công ty khác phải mất 4-5 năm cho thiết bị như Vulcan Augmetics sản xuất. Sản phẩm của chúng tôi hoàn toàn có khả năng chinh phục thị trường thời gian tới.

Nếu gặp vào đầu năm sau, Vulcan Augmetics đã gia nhập cuộc chơi rồi. Chúng tôi thấy được tiềm năng rất lớn từ thị trường, dù chưa ra mắt sản phẩm đã có rất nhiều cuộc gọi từ nhiều đối tượng người dùng khác nhau để được tư vấn.

TVHub anh 4

TVHub anh 5

Giải thưởng Doanh nhân cộng đồng - Blue Venture Award được tổ chức nhằm tìm kiếm và kết nối các tổ chức kinh doanh khởi nghiệp có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, do Công ty Pernod Ricard Việt Nam phối hợp cùng Công ty TV Hub tổ chức, thuộc khuôn khổ giải thưởng The Venture toàn cầu. Mùa 1, Trịnh Khánh Hạ - VulcanAugmestic, đại diện duy nhất của Đông Nam Á vào top 10 tại The Venture toàn cầu và top 5 Doanh nhân cộng đồng được yêu thích nhất toàn cầu. Tiếp đó, Nguyễn Hồng Ngọc Bích - Cricket One đã trở thành quán quân Blue Venture Award mùa 2, là đại diện tiếp theo của Việt Nam tranh tài tại giải thưởng Doanh Nhân Cộng Đồng toàn cầu The Venture diễn ra vào tháng 6 năm 2020 tại Canada.

Giang Di Linh

Đồ họa: Phương Thảo
Ảnh: Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm