'Cứ bị Forbes xếp hạng tỷ phú là gặp tai ương'
Forbes vừa công bố danh sách các tỷ phú toàn cầu. Thế giới trong năm qua có tới 1.426 tỷ phú, đặc biệt một người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách này. Tuy nhiên, đằng sau danh sách cũng lắm chuyện bi hài.
Hoàng tử Alwaleed Bin Talal trong “ngai vàng” trên chuyên cơ riêng. |
"Lời nguyền của Forbes"
Đó là tên một cuốn sách của tác giả Wang Gang, xuất bản năm 2009. Trong đó, ông đã miêu tả những rắc rối có thể giáng xuống đầu bất kỳ người Trung Quốc nào có tên trên bảng xếp hạng các triệu phú, tỷ phú thế giới của tạp chí Forbes.
Và đó là lý do khiến giới nhà giàu TQ cực kỳ ghét “bị” xếp vào danh sách người giàu của tạp chí này, cũng như của tạp chí Hồ Nhuận ở trong nước. Trong xếp hạng năm nay của Forbes, Trung Hoa đại lục là nước có số tỷ phú nhiều thứ hai thế giới, với 122 người, chỉ xếp sau Mỹ với 442 tỷ phú.
Theo ông Wang, rắc rối đến với những người giàu bị “điểm mặt” ở TQ thường bao gồm sự “dò xét” kỹ lưỡng hơn không chỉ từ cơ quan thuế mà còn từ cả cơ quan chống tham nhũng và công chúng nói chung. “Nếu bạn có tên trong danh sách của Forbes, bạn sẽ sớm mang họa vào thân”, bài viết của ông Wang dự đoán.
Tương tự, một nghiên cứu năm 2012 của các học giả Oliver Rui, Xianjie He và Xiao Tusheng mang tên “Cái giá của việc trở thành tỷ phú tại Trung Quốc: Bằng chứng dựa trên danh sách người giàu có của Hồ Nhuận” chỉ ra rằng trong số các công ty niêm yết có chủ là người được Hồ Nhuận xếp hạng, giá cổ phiếu của họ đã sụt giảm đáng kể 3 năm trở lại đây.
Dựa trên phân tích các bảng xếp hạng của Hồ Nhuận từ năm 1999 - 2007, các tác giả cho biết cả những cá nhân lẫn các doanh nghiệp mà những người được xếp hạng sở hữu đều bị chính phủ “soi” kỹ hơn. Những khoản trợ cấp, trợ giá của chính phủ cho các công ty liên quan đến các “đại gia” được Hồ Nhuận xếp hạng cũng sụt giảm.
Các công ty này cũng có xu hướng che giấu nhiều hơn đối với lợi nhuận của mình. “Nhà đầu tư tại TQ xem việc các chủ doanh nghiệp bị đưa vào danh sách người giàu của tạp chí Hồ Nhuận là tin xấu”, các tác giả kết luận.
Nhưng còn có tin xấu hơn cho các “đại gia” này đó là theo các học giả trên, tỷ lệ người bị kết tội, điều tra hoặc bắt giữ sau khi có tên trong bảng xếp hạng mức độ giàu có lên tới 16,95%, cao gấp 3 lần mức 6,84% của những chủ doanh nghiệp khác không có tên trong bảng xếp hạng trong cùng thời kỳ.
Từng là người giàu thứ 11 của Trung Quốc vào năm 2002, Zhou Zhengyi đã bị bắt giữ hai lần và hiện đang thụ án tù 16 năm. |
Tôi nhiều tiền hơn!
Trong khi những người giàu TQ sợ bị điểm mặt chỉ tên trên các bảng xếp hạng triệu phú, tỷ phú, hoàng tử tỷ phú Ả Rập Alwaleed bin Talal đã “nổi trận lôi đình” sau khi hay tin tạp chí Forbes xếp mình ở hạng 26 trong số các tỷ phú giàu nhất thế giới 2013, vì cho rằng tạp chí này đánh giá sai mức độ giàu có của mình. Ông Alwaleed nghi ngờ việc này "dường như để gây bất lợi cho các nhà đầu tư và tổ chức ở Trung Đông".
Theo Forbes, hoàng tử Alwaleed sở hữu khối tài sản trị giá 20 tỷ USD, xếp thứ 26, sau 2 nhà sáng lập của Google là Larry Page và Sergey Brin. Tuy nhiên, Alwaleed khẳng định mình có trong tay 29,6 tỷ USD, thừa sức lọt vào top 10 người giàu nhất hành tinh và chỉ xếp sau người thừa kế Liliane Bettencourt của hãng mỹ phẩm cao cấp L’Oreal (Pháp).
Trong một bức thư gửi tới tổng biên tập của Forbes là Steve Forbes, ông hoàng tuyên bố sẽ không tiếp tục cung cấp cho tạp chí này các thông tin về tình hình tài chính của mình. Thậm chí, thông tin từ Kingdom Holding Company - tập đoàn đầu tư nơi tỷ phú Alwaleed nắm 95% cổ phần - cho biết hoàng tử đã “lôi” các luật sư của mình vào vụ việc này.
Đổi lại, tỷ phú Alwaleed tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác với Hãng tin Bloomberg, đơn vị từ năm ngoái đã bắt đầu cạnh tranh với Forbes trong việc xếp hạng các tỷ phú thế giới. Sở dĩ có sự “thiên vị” này vì Bloomberg đánh giá vị hoàng tử Ả Rập “cao giá” hơn nhiều so với xếp hạng của Forbes, ở mức 28 tỷ USD và đứng thứ 16 thế giới.
Nguyên nhân chính dẫn đến tranh cãi giữa vị hoàng tử Ả Rập và tạp chí của Mỹ được cho vì Forbes không chấp nhận giá cổ phiếu của Kingdom như được niêm yết trên thị trường chứng khoán Saudi Arabia, trong khi chấp nhận giá cổ phiếu tại các thị trường mới nổi như Mexico.
Trong tuyên bố của mình, Kingdom khẳng định đã tìm thấy những điểm không nhất quán trong bản báo cáo của Forbes, bao gồm “cả những cáo buộc sai lệch và không có căn cứ, dựa trên những tin đồn rằng việc thao túng giá cổ phiếu là “môn thể thao quốc gia” tại Saudi Arabia”.
Đây không phải lần đầu tiên tỷ phú Alwaleed phản đối cách định giá tài sản của Forbes. Theo giám đốc tài chính của Kingdom, Shadi Sanbar, họ đã nhiều lần phản đối phương pháp định giá của Forbes những năm trước nhưng không được đoái hoài.
Thậm chí năm 2008, vị hoàng tử Ả Rập còn mời phóng viên Forbes tới tham quan đất nước mình cả một tuần để có thời gian nhìn ngắm các tài sản của ông như: cung điện rộng tới 420 phòng, những vườn thú mini, tàu ngựa, trang trại gồm sở thú và 5 hồ nhân tạo, các bộ sưu tập đá quý được cho là trị giá tới 700 triệu USD, nhiều khu chung cư và cả chiếc máy bay riêng Boeing 747 với nội thất xa xỉ… Nhưng lần này có vẻ vị tỷ phú Ả Rập đã hết kiên nhẫn với Forbes.
Putin và những người bạn
Bảng xếp hạng của Forbes năm nay cũng cho biết tài sản của những người thân cận hoặc có quan hệ với TT Nga Vladimir Putin đã nhảy vọt. Theo đó, tài sản của Gennady Timchenko, ông chủ công ty mua bán dầu mỏ Gunvor và là cổ đông lớn của nhà sản xuất khí đốt Novatek, đã tăng thêm 5 tỷ USD trong năm ngoái.
Hiện ông Timchenko nắm khối tài sản lên đến 14,1 tỷ USD, trong khi 3 năm trước ông chỉ có 400 triệu USD. Ông được cho là người nổi bật nhất trong những người được hưởng lợi từ mối quan hệ với Putin, và là đại diện cho làn sóng mới của những tỷ phú thay thế cho các đại gia trước đây.
Theo lời người phát ngôn của ông Timchenko, Anton Kurevin, đánh giá về tài sản của Forbes là “sát với thực tế”. Ông Timchenko từng thừa nhận có quen biết ông Putin lâu năm, nhưng bác bỏ tin đồn nói ông làm giàu từ mối quan hệ đó. Trong xếp hạng năm 2012, ông Timchenko là người giàu thứ 12 nước Nga, nay ông xếp thứ 9.
Tương tự, Leonid Mikhelson - một đối tác kinh doanh của Timchenko và đồng sở hữu Novatek, cũng thăng hạng nhanh chóng. Từ vị trí thứ 10 nước Nga năm ngoái, nay ông là người giàu thứ ba ở xứ bạch dương, với tài sản 15,4 tỷ USD. Trong năm 2012, tài sản của ông là 11,9 tỷ USD, và năm 2010 là 4,4 tỷ USD.
Một người quen khác của ông Putin, Arkady Rotenberg, cũng giàu lên nhanh chóng. Ông Rotenberg là một bạn đồng môn võ Judo của ông Putin ngày xưa. Tài sản của ông tăng gấp 3 trong năm ngoái, giúp ông nhảy vọt từ vị trí 61 lên vị trí người giàu thứ 31 ở Nga với tài sản 3,3 tỷ USD.
Theo nhà phân tích chính trị Pavel Salin, dù mối quan hệ gần gũi với TT Putin không mang lại một lợi thế chính thức cho doanh nhân, nhưng nó cung cấp cho công ty của họ một lợi thế cạnh tranh sắc bén vì thói quen sợ hãi lãnh đạo ở Nga. Lợi thế này cực kỳ đắc lực cho những doanh nhân và các công ty hoạt động ở một nền kinh tế nhiều tham nhũng như ở Nga, ông Salin nói thêm.
Theo Thế giới & Hội nhập