Đó là cuộc sống mưu sinh đầy vất vả, đắng cay suốt mấy chục năm qua của cụ bà Nguyễn Thị Thuỷ (95 tuổi) ở làng chài Thành Công, phường Đông Thọ, TP.Thanh Hoá mà chúng tôi ghi lại tại ven chân cầu Sâng, TP.Thanh Hoá trong một sáng mưa lạnh đầu năm.
Thương đau đè gánh
Nhờ sự giúp đỡ của người dân xóm vạn chài, chúng tôi tìm tới thuyền của cụ bà Nguyễn Thị Thuỷ. Luồn qua ô cửa nhỏ với tấm ri đô bằng bao bì ẩm ướt, cụ bà nở nụ ấm áp chào chúng tôi. Dù tuổi cao, song cụ vẫn còn khá minh mẫn khi tiếp chuyện: “Các chú thông cảm, tau ở một mềnh nên thế thôi. Lâu rồi nên bừa bộn!”.
Tự tìm cho mình được một chỗ để ngồi, chúng tôi đánh mắt quan sát căn thuyền cũ kỹ, chật hẹp đến độ nếu duỗi chân ngang hay dọc cũng đều chạm phải mạn thuyền; có muốn đứng thẳng lên cũng không được vì đầu sẽ chạm nóc thuyền.
Ngoài chiếc chăn cũ, chiếc mùng dồn một góc, hai chiếc nồi nhỏ đen thui, cái vại đựng gạo từ những năm kháng chiến bé tẹo, bức ảnh của người chồng quá cố được bà chăm chút treo ở vị trí nổi bật nhất.
Cụ Thuỷ (95 tuổi) trên chiếc thuyền mộc. |
Dáng hao gầy, tóc bạc trắng, bộ quần áo đã phai cũ, bà rưng lệ kể lại cuộc đời đầy nước mắt. Là con út trong một gia đình có 5 anh chị em, bà Thuỷ được cha mẹ cho theo nghề sông nước. Các anh chị khác của bà, người thì mất trong kháng chiến, người thì đổ bệnh nan y rồi qua đời.
Bà Thuỷ lớn lên trở thành một thiếu nữ xinh đẹp của xóm vạn (bấy giờ gia đình bà ở xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân). Với biệt tài “sát cá”, có thể xác định được nơi nào nhiều cá, thời tiết nào thì cá lên,… nên bà Thuỷ nức tiếng trong xóm vạn.
Đến năm 22 tuổi, cái tuổi mà người vạn chài thường đã lập gia đình từ lâu thì bà Thuỷ mới chịu tìm cho mình ý trung nhân. Đó là anh Nguyễn Văn Sáng (cùng làng vạn). Tình yêu kết trái và rồi 2 đứa con trai Nguyễn Văn Tùng và Nguyễn Văn Teng lần lượt ra đời trong niềm vui sướng của gia đình.
“Với người dân vạn chài chúng tôi, sinh được con trai là đại phú quý, bởi con trai là trụ cột trong nghề sông nước, có sức khoẻ làm việc để nuôi gia đình, nhưng vợ chồng tôi không quan niệm như vậy, con nào cũng là con và mong muốn có một đứa con gái cho có nếp có tẻ”, bà Thuỷ cho biết. Cũng xuất phát từ mong mỏi đó, cô con gái nuôi là Nguyễn Thị Chung được hai vợ chồng đón nhận, yêu quý.
Một mái ấm mà gia đình vạn chài nào cũng phải ganh tị, thèm mong. Nhưng nào ai có thể ngờ, câu nói cửa miệng của người dân vạn “phận đời sông nước vốn nghèo - bạc” lại không ngoại trừ mái ấm nhỏ của bà Thuỷ. Tai hoạ liên tiếp ập xuống, “đứa thứ nhất thì ngã sông, đứa thứ hai bệnh ốm, chúng bỏ lại hai vợ chồng tôi mà đi… ”, bà Thuỷ gói gọn sự đau thương mất mát của mình về hai người con trai qua một câu gọn lỏn, nhói đau.
Mất con, buồn bã, người chồng đầu ấp tay gối cũng từ bỏ bà ra đi vì căn bệnh phong quái ác. Nỗi đau chồng chất, nhiều lần bà đã nghĩ tới sự giải thoát cho mình, nhưng rồi bừng tỉnh khi nhận ra mình vẫn còn một đứa con gái nuôi tội nghiệp. Động lực sống duy nhất của bà là đứa con gái cũng dần lớn khôn và kết hôn với một chàng thanh niên cùng xóm vạn.
“Coi như tôi đã thoả được cái tâm nguyện cuối cùng, không phải hối hận với bản thân, có lỗi với chồng con nơi chín suối”, lau giọt nước mắt trên khung ảnh chồng, bà thở dài.
Thân cò mưu sinh
Hơn 20 năm kể từ khi chồng mất, cô con gái nuôi cũng về nhà chồng, mình bà trên con thuyền mộc mạc, nhờ biệt tài “sát cá” trời phú mà mưu sinh tới tận bây giờ. Bà kể, chỉ vài năm trước bà còn thường xuyên xuôi ngược các khúc sông trong thành phố để mò ốc, bắt cá đem lên chợ Sâng bán lại.
Khi đó, bà vẫn còn sức khoẻ và làm ra được đồng tiền nên bữa ăn thường xuyên có rau, có thịt, còn bây giờ già yếu, bà chỉ neo thuyền một chỗ, nhờ vào chút phụ cấp của Nhà nước, nên phải chắt chiu để sống qua ngày. Cô con gái kể, từ khi lấy chồng cũng gặp bất hạnh, chồng mất sớm, một mình nuôi hai đứa con, hoàn cảnh cũng khó khăn.
Ông Đỗ Xuân Thuỷ - Chủ tịch UBMTTQ phường Đông Thọ cho biết: Hoàn cảnh bà Thuỷ hết sức khó khăn, hiện tại bà không có giấy tờ hay hộ khẩu gì ở phường cả nên chính sách hỗ trợ làm nhà với bà cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, do bà sinh sống từ lâu ở trên địa bàn nên chính quyền phường cũng thường xuyên có các chính sách quan tâm, ưu tiên giúp đỡ.
Ở cùng với nhà chồng nên chị không thường xuyên về thăm cụ được, bảo cụ lên ở cùng nhưng cụ không chịu, không muốn làm gánh nặng cho con. Anh Nguyễn Văn Hùng (32 tuổi) - người có thuyền neo đậu gần thuyền của cụ Thuỷ tâm sự: “Hoàn cảnh của cụ bà Thuỷ hết sức đáng thương, gia đình chúng tôi ở gần thuyền cụ tới nay cũng mười mấy năm rồi, lúc nào cũng thấy cụ buồn bã, lủi thủi một mình dọc sông bắt cá mò cua.
Vài năm trở lại đây, vì cụ tuổi cao nên thuyền chỉ neo đậu một chỗ, người dân vạn chúng tôi thỉnh thoảng lại biếu cụ bó rau, con cá để cụ lo bữa ăn hàng ngày”. Còn bà Nguyễn Thị Thơm (63 tuổi) - hàng xóm thì không khỏi lo lắng: “Bây giờ, cụ còn có chút sức khoẻ tự nấu bữa ăn cho mình, không biết khi ốm yếu, chẳng may phải nằm một chỗ, thì sẽ thế nào?”.