Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cụ bà 94 tuổi vẫn vẽ tranh, viết sách trên laptop

Người ta gọi nữ họa sĩ Lê Thi ở Xa La, Phúc La, Hà Đông (Hà Nội) là "nữ dị nhân".

Cụ bà 94 tuổi vẫn vẽ tranh, viết sách trên laptop

Người ta gọi nữ họa sĩ Lê Thi ở Xa La, Phúc La, Hà Đông (Hà Nội) là "nữ dị nhân".

Bởi có lẽ ở Việt Nam này, chỉ duy nhất cụ là người bắt đầu học vẽ ở tuổi 74. Đặc biệt, chỉ trong vòng 3 năm, người mới học vẽ như bà đã cho ra lò hơn 500 bức họa với đủ các thể dạng để tài. Để rồi khi đã quá ngưỡng "cửu thập niên", cụ vẫn miệt mài với những nét vẽ đầy duyên nợ và làm thiên hạ "lác mắt" với hơn 2.000 bức họa, trong đó có nhiều bức đoạt giải thưởng.

Đã 94 tuổi nhưng ngày nào cụ họa sĩ này cũng say mê với những bức vẽ của mình.

74 tuổi bắt đầu học vẽ

Nhà họa sĩ Lê Thi nằm nép mình cuối một ngõ nhỏ ở phố Xa La. Con phố mới với những dãy nhà cao tầng tiện nghi, sang trọng. Ấy thế mà con đường dẫn vào nhà lão họa sĩ lại san sát cây xanh và rất vắng lặng.

Lúc tôi đến, một cụ bà mặc chiếc áo bông dày cộm để lộ tấm lưng còng và mái tóc trắng phau... đang lúi húi quét bụi cho những bức tranh trước mái nhà sàn bằng gỗ. Phải mất một lúc cụ mới nhận ra sự hiện diện của vị khách lạ bởi quá chú tâm vào công việc đang làm. Biết khách là phóng viên, cụ nở nụ cười móm mém, để lộ cả hai hàm lợi bên trong.

Lão họa sĩ Lê Thi tên thật là Lê Thị Thi, sinh năm 1920, quê gốc ở Thanh Hóa. Mặc dù cha cụ là một ông cử có tiếng ở làng nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên hồi đó cả 8 anh chị em đều không ai được cha mẹ cho đi học. Thế nhưng vì mê cái nét chữ nguệch ngoạc và mê những tác phẩm văn chương của cha mà cả 8 anh chị em đã tự mày mò học chữ. Cũng nhờ đó mà cụ có cơ hội được tiếp cận với những tác phẩm văn học của các nhà văn nổi tiếng đầu thế kỷ XX như Tản Đà, Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam...

"Hồi đó cha tôi là ông cử rất mê văn chương nên nhà có nhiều sách lắm. Mỗi khi cha tôi không để ý là tôi lại lấy sách, báo đọc trộm. Vớ cái gì đọc cái nấy, từ Phong Hóa, Thời nay, Phụ nữ tân văn, Tiểu thuyết thứ Bảy... đến truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ của các tác giả Nguyễn Công Hoan, Thế Lữ..." - cụ Thi chia sẻ.

Đọc nhiều sách văn học nên trí tưởng tượng của cụ Thi ngày ấy mỗi lúc một dồi dào. Dồi dào đến độ lúc nào cụ cũng muốn vẽ ra những hình ảnh ám ảnh trong đầu mình. Thế là cứ có cơ hội, cụ lại lấy que vẽ xuống đất hoặc trộm than trong bếp rồi vẽ nguệch ngoạc lên tường. Vẽ nhiều đến nỗi, cha mẹ cụ phải nhiều lần đánh đòn con gái vì làm hỏng hết các bức tường trắng xóa.

Thế rồi, những năm tháng tuổi trẻ qua đi, tuổi già ập đến. Giấc mơ "vẽ" của cụ những tưởng đã ngủ yên sau những lo toan thường nhật của người mẹ, người vợ nếu như không có món quà mà con trai cụ đi nước ngoài gửi về cho con gái, tức cháu gái cụ ngày ấy.

"Năm 1982, người con trai duy nhất của tôi đi công tác nước ngoài gửi về cho con gái hộp màu vẽ và sách hướng dẫn vẽ tranh. Cầm những thứ đó trên tay, bao giấc mơ xưa cũ bỗng dưng lại hiện về. Cái cảm giác lúc đó thật khó tả làm sao".

Cũng từ hôm đấy hai bà cháu cùng vẽ, cùng học. Bà vừa dạy cháu vẽ những hình khối cơ bản vừa tìm hiểu về lĩnh vực hội họa bằng cách đọc say mê những sách hướng dẫn vẽ tranh của cháu. Mỗi khi dạy cháu học chữ cái nào cụ đều vẽ tranh minh họa, như chữ B vẽ "con bò", hay chữ Ê vẽ "con bê", rồi đến chữ G vẽ "con gà"... Những nét vẽ nguệch ngoạc ngày càng trở nên mềm mại, có hồn, khiến cụ càng thích thú. Cụ vẽ một cách cảm tính, không theo quy tắc nào cả. Trong cuốn sách tự học vẽ mà đứa cháu mua về, cụ bỏ qua tất cả việc chia khoảng cách, bố cục, màu sắc... sẵn có mà tự vẽ theo ý thích, ý tưởng của riêng mình. Giờ đây, cụ vẫn giữ được quyển sổ dạy cháu học từ cách đây hơn hai chục năm. Còn cô cháu gái ngày ấy giờ đã là bác sĩ Khoa Sản của Bệnh viện 103 và đã sinh chắt cho cụ.

Những bức họa của lão họa sĩ trong phòng riêng.

94 tuổi vẫn làm thơ, viết tiểu thuyết trên máy vi tính

Năm 1994, lão họa sĩ Lê Thi bắt đầu niềm đam mê vẽ tranh của mình bằng cách chép lại hơn 32 bức tranh của danh họa Lêvitan rồi đóng thành quyển để tham khảo. Thấy họa sĩ nào hợp với gu tranh của mình, cụ lại mày mò chép tranh của họ. "Tôi học ở những bức tranh chép ấy những nét vẽ, cách bố cục mà tôi chưa làm. Dựa vào đó, tôi có thể cho những nét mới lạ vào tranh của mình" - lão họa sĩ Lê Thi vui vẻ chia sẻ.

Sau đó, cụ lại vẽ tất cả những gì mình cảm nhận được trong những bước đời mình đã trải qua. Ban đầu là những bức vẽ về đề tài đứa cháu nội (cu Thanh) bi bô đánh vần, tiếp đến là những bức tranh tái hiện ký ức về làng quê nơi cụ từng sinh sống hoặc đi qua như đồng lúa, mái đình, cây đa, ao làng, mái tranh rơm rạ... Cụ thích vẽ những điều giản dị từ cuộc sống.

"Ở trường mỹ thuật, bao giờ người ta cũng dạy vẽ người trước, phong cảnh sau, nhưng bà thì ngược lại, gần hai chục năm vẽ phong cảnh rồi giờ mới tập vẽ người. Lại có điều mới để học, để mày mò, nghiền ngẫm cũng thú lắm cháu ạ". Tranh cụ vẽ chủ yếu là sơn dầu. Khắp nơi trong căn phòng nhỏ bé xinh xắn của cụ, đâu cũng là tranh: trên tường, nóc tủ, góc nhà... chất thành đống, chiếm 1/3 diện tích căn nhà. Đó là chưa kể đến những bức tranh bột màu chưa đóng khung, cụ cẩn thận xếp chúng ở trong hòm to, hòm nhỏ. Thong thả giã trầu trong cái cối nhỏ bằng đồng lên nước bóng loáng, cụ móm mém: "Tôi chẳng vẽ cái gì cao xa cả mà chỉ bôi, nguệch ngoạc mãi rồi nó cũng thành tranh".

Ba năm sau khi lão họa sĩ Lê Thi bắt đầu "nghiệp vẽ", năm 1997, thông tin về một cụ bà bỗng dưng "tài năng hội họa phát lộ" đã bay đến với Vụ Mỹ thuật - Bộ Văn hóa - Thông tin lúc bấy giờ.

Lãnh đạo vụ cử người đến tìm hiểu rồi ngay sau đó, đích thân ông Nguyễn Khoa Điềm khi đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin đã đến thăm, tặng bằng khen và quyết định tổ chức triển lãm tranh cho riêng cụ và đó cũng là triển lãm tranh đầu tiên trong cuộc đời họa sĩ của cụ. Hơn 70 bức tranh với đề tài giản dị về làng quê Việt... tại triển lãm đã khiến người xem phải sửng sốt trước những nét vẽ tài hoa, sinh động của một cụ bà chưa từng học qua một lớp hội họa nào.

 Sau đó, liên tục trong các năm 1998, 1999, 2000, cụ được mời tham dự các cuộc triển lãm như "Triển lãm mỹ thuật khu vực Đồng bằng Sông Hồng", "Triển lãm tranh phụ nữ quốc tế Việt - Pháp" do bà Điềm Phùng Thị tổ chức; Triển lãm Mỹ thuật người cao tuổi... Điều khiến cụ mãn nguyện nhất là vào năm 2000, cụ đã tổ chức được triển lãm tranh cá nhân với tên gọi "Quê" tại Thanh Hóa, với gần 80 bức tranh như là một cách để tri ân quê hương.

Cụ tâm sự: "Tôi vẽ rất nhanh, cứ như có gì bên trong thôi thúc, khi ngồi trước giá vẽ, bút màu, các nét vẽ cứ tự nhiên hình thành mà không cần vẽ nháp, không cần phác họa gì cả, cứ thế chấm màu lên luôn".

Chiếc laptop bao năm nay như một "người bạn" của lão họa sĩ.

Đến nay, tuy đã bước vào tuổi 94 nhưng lão họa sĩ Lê Thi vẫn còn rất tinh anh và minh mẫn. Cụ không chỉ đam mê hội họa mà còn sáng tác thơ văn trên máy vi tính. Cuốn tiểu thuyết "Ngược dòng" dày hơn 600 trang xuất bản năm 2009 do NXB Lao động phát hành, lấy bối cảnh lịch sử những biến động đổi thay của đất nước trên mảnh đất xứ Thanh từ trước Cách mạng tháng 8 đến năm 1954 hoàn toàn do một tay cụ đánh máy.

Cụ bảo, cuộc sống đôi khi cũng có những lúc thăng trầm nhưng tình yêu hội họa đã cho cụ niềm tin tiến về phía trước, giống như những sắc màu vui tươi lúc nào cũng ăm ắp giữa cuộc đời này.

Theo Gia Đình

Theo Gia Đình

Bạn có thể quan tâm