Nhiều năm trở lại đây, người dân vùng núi Nam Dương (Bắc Giang) vẫn thường rỉ tai nhau về cách điều trị bệnh chó dại cắn độc đáo bằng thuốc nam của cụ bà Phạm Thị Trinh (SN 1931) ở thôn Biềng, xã Nam Dương.
Dù năm nay đã bước qua cái tuổi xưa nay hiếm nhưng đôi mắt cụ vẫn rất tinh, hàm răng hạt bắp đen láy không giống hình ảnh chống gậy, lưng còng như các cụ cùng độ tuổi khác. Tự tay pha ấm trà vùng Nam Dương mời khách, cụ Trinh vừa kể về cơ duyên với phương thuốc đặc biệt này.
Cụ bảo mình sinh ra và lớn lên ở Quỳnh Thái (Quỳnh Phụ, Thái Bình) vào những năm 30 thế kỷ trước trong một gia đình đông anh em. Gia đình có truyền thống bốc thuốc chữa bệnh từ nhiều đời. Trong nhà có rất nhiều các loại thuốc khác nhau, hàng ngày có nhiều người tới khám bệnh.
“Trước đây, các anh chị tôi đi làm ăn và lập gia đình sớm chỉ còn tôi ở nhà hầu đèn nước cho thầy chữa bệnh. Thỉnh thoảng hết thuốc thầy lại đeo bị dẫn tôi đi hái thuốc về sao. Thầy tôi có kể lại, nghề bốc thuốc chữa bệnh được cụ nội truyền lại. Năm 9 tuổi, tôi cũng có xin thầy được học bốc thuốc chữa bệnh nhưng thầy mắng con gái học làm gì", cụ kể.
Thời đó, cứ vào mùa hè nắng nóng là bệnh chó dại lại tăng đột biến, trong vùng lại không ai chữa được bệnh nên hầu như ngày nào cũng có người tới xin thuốc. Bà thường được bố cho l đi chế biến thuốc theo hướng dẫn. Do phương thuốc đơn giản nên bà còn nhớ rõ.
Bà cụ Phạm Thị Trinh (84 tuổi) với phương thuốc đặc trị bệnh dại do chó cắn. |
Đến năm 14 tuổi, chiến tranh khiến cả gia đình bà Trinh phải sơ tán lên vùng Nam Dương, huyện Lục Nam để sinh sống và nhanh chóng hòa nhập với môi trường ở đây bằng nghề buôn các mặt hàng nông sản.
Vào mùa nắng nóng nhiều người dân ở trong vùng bị chó dại cắn. Chứng kiến cảnh người dân nghèo không có tiền điều trị nên phát dại không kiểm soát được hành vi và gây nguy hại cho những người xung quanh, bà Trinh bắt đầu điều chế liều thuốc chữa trị mà từng phụ thầy chữa bệnh trước đó.
Những viên thuốc đặc trị virus dại do chó cắn được điều chế, vê thành từng viên màu đen như hạt nhãn. |
Liều thuốc được lấy từ những nguyên liệu rất đơn giản và gần gũi gồm: nhọ nồi, nọc độc con cành cành, gạo nếp, cơm nhão. Trong đó, quan trọng nhất là nọc độc của con cành cành hay còn gọi là con văn liệu có đầu màu đỏ thường thấy ở ruộng rau muống.
Khi bắt được con cành cành chỉ cần lấy phần nọc độc ở đuôi đem phơi khô và tán nhuyễn thành bột. Gạo nếp được sao vàng và tán nhuyễn. Nhọ nồi chỉ được lấy từ chảo nấu bếp củi không được lấy từ các nồi khác.
Ba nguyên liệu trên cùng với cơm nhão kết hợp theo tỉ lệ 1:1:1:1. Sau đó dùng tay vê thành từng viên bằng đầu đũa rồi đem phơi khô là dùng được. Viên thuốc khi điều chế xong sẽ có màu xám đen giống như hạt nhãn.
Cứu người bị chó dại cắn
Cầm lọ thuốc trên tay, cụ Trinh cho biết mỗi lần chế thuốc đều làm sẵn một lọ dự phòng. Loại thuốc này không mùi, không vị, khi uống vào sẽ có cảm giác say, người nôn nao rất mệt mỏi. Tùy vào thể trạng của mỗi người sẽ sử dụng liều lượng phù hợp.
Người bình thường sẽ được dùng một liều 6-7 viên cùng một lúc. Nếu ai có thể trạng béo tốt sẽ dùng tới 10 viên hay người thể trạng yếu hơn sẽ chỉ dùng 4-5 viên sau bữa cơm. Thuốc sẽ cho tác dụng về cảm giác khắp cơ thể chỉ sau vài phút uống, người mệt mỏi, nôn nao khó chịu. Sau khi sử dụng liều thuốc, cần phải kiêng kỵ nhạc đám ma hai, ba tháng.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần phải ăn uống điều độ, bồi bổ sức khỏe mới nhanh hồi lại sức. Với loại thuốc này, người bình thường uống vào cũng sẽ có cảm giác mệt mỏi như người bệnh. Tuy nhiên, nếu không thực sự bị chó dại cắn thì không nên dùng thuốc bởi nó sẽ gây tình trạng mệt mỏi nhiều ngày.
Cụ Trinh chia sẻ, nghe thì phương thuốc khá đơn giản với những nguyên liệu sẵn có nhưng khi bắt tay vào làm không hề như vậy. Vì trong thành phần có nọc độc của côn trùng, nếu làm không đúng tỉ lệ và quy trình thì sẽ phản tác dụng.
Anh Nguyễn Thọ Ngát (phải ảnh), con trai út cụ Trinh kể về những kỷ niệm người bệnh tới điều trị tại nhà. |
Nhắc tới những bệnh nhân mình từng chữa trị, bà Trinh cho hay, cách đây vài năm có một người đàn ông ở cùng xã nhưng khác thôn bị chó dại cắn sau nhiều ngày mới đến xin thuốc. Lúc đó, số thuốc dự phòng không đủ liều chữa trị mà vào mùa khô, nguyên liệu gần như không có.
“Tôi khuyên người nhà đưa đi bệnh viện tiêm vắc-xin cho kịp. Tuy nhiên, gia đình khó khăn và biết tôi từng điều trị cứu nhiều người nên đã xin được tôi chữa trị. Lúc đó, thấy hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn, tôi đi khắp các ruộng rau nhưng cũng chỉ bắt được vài con cành cành về sao cùng các nguyên liệu khác làm thuốc. May mắn là cộng với số thuốc còn lại trong lọ vừa đủ một liều điều trị. Phải mất hai ngày sau người bệnh đó mới được uống thuốc và không có biểu hiện gì lạ.
Anh Nguyễn Thọ Ngát (42 tuổi), con trai út cụ Trinh chia sẻ: “Thuốc của mẹ tôi chỉ có tác dụng với những người mới bị chó dại cắn, nghĩa là chưa phát dại. Người nào có biểu hiện xùi bọt mép, không điều khiển được hành vi bản thân nữa thì thuốc vô tác dụng. Tính ra cũng hàng ngàn viên thuốc được điều chế và chữa cho hàng trăm người trong vùng. Mẹ tôi cũng từng thử thuốc cho một con chó mới bị cắn bởi con chó dại khác. Kết quả, con chó được cứu sống và khỏe mạnh.”
Còn ông Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Nam Dương cho biết: “Bà Phạm Thị Trinh đã sống ở đây nhiều năm và được người dân trong vùng biết đến với phương thuốc đặc trị virus dại. Rất nhiều người không chỉ trong xã mà các vùng lân cận cũng tới xin được điều trị. Bà Trinh thường cho thuốc miễn phí và chữa khỏi hoàn toàn cho họ”.