Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cụ 74 tuổi đột tử tại BV Hoàn Mỹ: Vì sao người nhà bức xúc?

10h sáng 2/12/2014, trước khi bước vào phòng mổ, ông Nhi vẫn lạc quan, vẫy tay chào tạm biệt người thân. Nhưng không ngờ, đó lại là giây phút gặp gỡ sau cùng của cha con.

Cam kết không được chuyển viện?

Trong đơn khiếu nại gửi Báo Công an TP.HCM vào đầu tháng 1/2015, ông Nguyễn Trí Dũng (SN 1966, ấp Tân Hưng, X.Tân Hạnh, H.Long Hồ, TP.Vĩnh Long) trình bày, ngày 14/11/2014, ông đưa cha đến khám và điều trị bệnh tại Bệnh viện Hoàn Mỹ. Sau khi khám bệnh, bác sĩ bảo cụ Nguyễn Văn Nhi (74 tuổi) bị hở van tim hai lá, hẹp động mạch vành, động mạch chủ nên phải nhập viện ngay để được theo dõi, làm phẫu thuật và điều trị.

Theo bệnh viện, cụ Nhi phải làm phẫu thuật mổ tim với số tiền 450 triệu đồng, bao gồm hai giai đoạn: giai đoạn 1 là phẫu thuật tim mạch vành; giai đoạn 2 là phẫu thuật động mạch. Khi trao đổi với bác sĩ Phan Thế Việt - Trưởng khoa Phẫu thuật, phía gia đình nêu thắc mắc là: “Nếu không làm phẫu thuật mà chỉ uống thuốc điều trị bệnh được không?”, thì bác sĩ bảo: “Để điều trị ổn định xong rồi sẽ làm phẫu thuật thì mới hết bệnh được”. 

Để có đủ tiền làm phẫu thuật cho cha, 5 người con phải chạy vay mượn tiền khắp nơi trong thân tộc với hy vọng duy nhất là sau phẫu thuật, sức khỏe của ông Nhi sẽ dần được hồi phục như trước đây. 

Sau đó, mặc dù lịch mổ lần 1 vào ngày 26/11/2014 được bệnh viện dời lại, làm cho gia đình thêm lo lắng, nhưng khi được bác sĩ tư vấn và khẳng định chắc chắn là sẽ giải quyết được tình trạng bệnh của ông, cũng như đảm bảo kỹ thuật chuyên môn an toàn khi phẫu thuật, các con đã tin tưởng mà động viên cha mình an tâm, điều trị tại đây.

10h sáng 2/12/2014, trước khi bước vào phòng mổ, ông Nhi vẫn lạc quan, vui vẻ, yêu đời. Ông vẫy tay chào tạm biệt người thân. Nhưng không ngờ, đó lại là giây phút gặp gỡ sau cùng của cha con. Đến 21h cùng ngày, bác sĩ Khoa Hồi sức mời đại diện gia đình vào thông báo cho biết tình trạng sức khỏe của ông Nhi rất yếu, căn bệnh diễn biến phức tạp nên đã hồi sức cấp cứu, nhưng vẫn không qua khỏi, đồng thời yêu cầu gia đình làm thủ tục để đưa xác bệnh nhân rời khỏi bệnh viện.

"Giải đáp cho cái chết đột ngột của cha chúng tôi, các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ nêu đủ lý do, nào là sức khỏe cha tôi yếu, bệnh tình nặng... Qua vụ việc này, gia đình chúng tôi rất bức xúc trước cách cư xử, phục vụ sức khỏe của bệnh nhân ở bệnh viện này. Cụ thể là ngay khi cha tôi mới vừa nhập viện, bệnh viện buộc chúng tôi phải viết cam kết là không được chuyển viện, mặc dù biết rằng đây là ca mổ khó...", đơn khiếu nại của gia đình có đoạn.

Theo người thân, khi mọi người được mời vào gặp cha lần cuối tại phòng Hồi sức cấp cứu, các bác sĩ hối thúc mau đưa xác ông Nhi rời khỏi bệnh viện. Bác sĩ Liên bảo: “Tôi chỉ là bác sĩ hồi sức cấp cứu, nên nếu gia đình muốn tìm hiểu nguyên nhân và hướng xử lý tình trạng bệnh thì tìm cách liên hệ với bác sĩ trực”. 

Tiếp đó, cả lãnh đạo khoa và lãnh đạo bệnh viện đều nói đây là trách nhiệm của bác sĩ phẫu thuật, nhưng cần phải làm rõ thêm... Bác sĩ trực đêm và lãnh đạo khoa đã không có mặt tại bệnh viện sau khi tình huống xấu xảy ra, cho thấy sự thiếu trách nhiệm.  

"Xét về mặt chủ quan, cha tôi nhập viện được các bác sĩ bệnh viện theo dõi và điều trị suốt 17 ngày  rồi mới tiến hành làm phẫu thuật, sau khi đã hội chẩn, kết luận “đủ điều kiện mổ thành công”", gia đình bệnh nhân bức xúc.  

Bệnh viện nói gì?

Tiếp xúc với phóng viên Báo Công an TP.HCM sáng 10/1, bác sĩ Nguyễn Hữu Trâm Em - Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ cho biết, ông Nhi nhập viện trong tình trạng bệnh xấu, khó thở do bị suy tim độ 3, thiếu máu cơ tim, thận mạn, phình động mạch chủ bụng. Trong thời gian điều trị 17 ngày, bệnh nhân có chuyển biến tốt. Trước khi làm phẫu thuật, bệnh viện đã xét nghiệm đầy đủ chẩn đoán và có kết luận lâm sàng về tình trạng bệnh của ông Nhi, để từ đó tư vấn cho gia đình bệnh nhân hướng điều trị phù hợp. 

Do thấy bệnh nhân bị hở van tim nặng và suy 3 nhánh mạch vành, nếu không phẫu thuật thì bệnh nhân có thể bị suy tim và đột tử vào bất kỳ lúc nào, nên việc phẫu thuật tim vừa để đả thông mạch máu, vừa chữa trị được chứng hở van tim. Theo hội chẩn thì việc làm phẫu thuật cho ông Nhi là rất cần thiết và cấp thiết. Trước khi hội chẩn, bệnh viện đã mời giáo sư đầu ngành có tiếng trong chuyên ngành phẫu thuật tim tại một bệnh viện lớn, để trao đổi kinh nghiệm và đưa ra một giải pháp logic. 

Bệnh viện đã giải thích tư vấn cho thân nhân người bệnh (cụ thể là ông Dũng) về tình trạng bệnh, phương pháp phẫu thuật và nguy cơ có thể gặp phải trong phẫu thuật mổ tim cho ông Nhi, với tỉ lệ xác suất cho phép là từ 5 - 10%. Sau khi phẫu thuật, bất ngờ bệnh tình ông Nhi diễn biến xấu, các bác sĩ đã làm mọi cách để cấp cứu, nhưng ông Nhi vẫn không qua khỏi. Khi việc cấp cứu hồi sức ở vào giai đoạn cuối cùng, các bác sĩ đã “buông tay đầu hàng”, thì gia đình bệnh nhân đến và ngộ nhận là bệnh viện không tận tình cấp cứu cho người bệnh”.

Ông Trâm Em nhấn mạnh: “Trong vụ này, bệnh viện làm đúng chuyên môn, đúng trách nhiệm, chứ không có sự cẩu thả hay sai sót nào”. Theo ông Trâm Em, để hỗ hợ khó khăn cho gia đình bệnh nhân, Ban giám đốc bệnh viện đồng ý hỗ trợ một phần chi phí phẫu thuật cho ông Nhi, do người nhà ông đã đóng trước đó...

Trao đổi cùng chúng tôi sáng 12/1, một chuyên gia đầu ngành phẫu thuật tim TP.HCM cho biết: “Thực tế khi được mời tham gia hội chẩn cho ông Nhi trước khi Bệnh viện Hoàn Mỹ tiến làm làm phẫu thuật, chúng tôi phát hiện bệnh ông Nhi rất nặng, nên nếu phải mổ thì nguy cơ rủi ro có thể gặp phải là rất cao (khoảng 50%). Nhưng do tính cấp thiết của căn bệnh thì cần phải làm phẫu thuật cho ông Nhi tức thời, để ngăn ngừa chứng suy tim. 

Trong chuyên môn, Bệnh viện Hoàn Mỹ đã không có sai sót. Tuy nhiên, khúc mắc ở đây chính là ở việc tư vấn cho gia đình bệnh nhân Nhi trước khi làm phẫu thuật mổ tim cho ông này, bệnh viện đã không giải thích đầy đủ về mức độ nặng của bệnh lý, cũng như xác suất thành công và rủi ro của ca phẫu thuật, để người bệnh và thân nhân được tự do lựa chọn hướng điều trị cho phù hợp. Từ đó vô hình trung đã làm cho thân nhân người bệnh quá tin tưởng vào bác sĩ. Và khi gặp phải sự cố rủi ro, bệnh viện cũng giải thích không rõ ràng dẫn đến gia đình người bệnh nghi ngờ, bức xúc khiếu nại”.

Đứng trước hoàn cảnh khó khăn, nguyện vọng duy nhất của ông Dũng là mong muốn Bệnh viện Hoàn Mỹ phải hoàn trả đủ số tiền 195 triệu đồng mà gia đình ông đã vay mượn để đóng cho ông Nhi được làm phẫu thuật mổ tim, để về trang trải nợ nần. Thế nhưng theo ông Dũng, Ban giám đốc bệnh viện lại né tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do đó ông đã gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra Sở Y tế. Được biết, cơ quan này đã chuyển hồ sơ khiếu nại của ông Dũng cho Ban giám đốc bệnh viện giải quyết bước một. Nếu giải quyết không thỏa đáng, gia đình ông Dũng có quyền khiếu nại lên Sở Y tế hoặc kiện ra tòa án.  

http://congan.com.vn/?mod=detnews&catid=681&id=532373

Theo Nguyễn Hiếu / Công an TP.HCM

Bạn có thể quan tâm