Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CSGT và những lần giành giật sự sống trên cầu Chương Dương

Cầu Chương Dương không chỉ ùn tắc khủng khiếp vào 7h sáng. Nó còn có thể tắc bất chợt, khi một người bỗng dừng lại giữa cầu và tìm cách gieo mình xuống sông.

Một buổi sáng đầu tháng 8, đầu cầu Chương Dương phía quận Long Biên lại tắc cứng bởi dòng xe nối đuôi nhau vào trung tâm thành phố. Thượng úy Nguyễn Quang Trung (Đội CSGT số 5 - Công an Hà Nội) tất bật điều tiết dòng phương tiện như một thói quen hàng ngày.

Bất chợt, một người đàn ông mặc áo kẻ caro với khuôn mặt tiều tụy tiến lại gần anh. Người này rút tiền bạc, tư trang đưa hết cho viên cảnh sát và nói ngắn gọn "Anh cầm hộ, em đi ngắm sông Hồng". Nói rồi anh ta chạy thẳng ra giữa cầu Chương Dương.

Anh Trung và hai nhân viên gác cầu vội vã đuổi theo người lạ mặt. Phải giằng co rất lâu họ mới đưa được người này từ lan can cầu quay trở lại bốt gác. Khi đã ngồi trong bốt cùng người đàn ông, anh Trung còn phải nhờ người chốt cửa ở ngoài vì người này vẫn giằng co đòi "ra ngắm sông"...

101 lý do "chán sống"

Chưa có thống kê chính thức về số vụ tự tử trên cầu Chương Dương (nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên, Hà Nội). Nhưng chỉ cần tìm kiếm trên Google với từ khóa "Tự tử cầu Chương Dương" lập tức sẽ thấy hàng tin tức phản ánh các vụ tự tử trên cây cầu này suốt nhiều năm liền. 

Theo một cán bộ CSGT trực tại đầu cầu Chương Dương, số vụ nhảy cầu tự tử tại đây nhiều hơn hẳn những cây cầu xung quanh như cầu Long Biên, Vĩnh Tuy, Thanh Trì.

nhay cau Chuong Duong tu tu anh 1
Ngày 26/9/2017, một cụ già lên cầu tự tử được hai cán bộ Đội CSGT số 5 ngăn chặn kịp thời. Ảnh: Tiến Anh.

Những gì diễn ra tiếp theo trong vụ việc ở của người đàn ông mặc áo kẻ caro giống như nhiều vụ cứu người tự tử khác. Thượng úy Nguyễn Quang Trung tìm cách trấn an nạn nhân, liên lạc với người thân của họ, dò hỏi nguyên nhân tự tử và thuyết phục họ từ bỏ hành vi dại dột.

Hỏi ra mới biết người đàn ông ấy vừa bị vợ bỏ, anh ta buồn rầu sinh trầm cảm rồi tìm cách lìa bỏ cuộc đời.

Thượng tá Nguyễn Đức Chung, Đội trưởng Đội CSGT số 5, cho biết mỗi năm đơn vị này đã tham gia ngăn chặn, giải cứu rất nhiều vụ tự tử trên cầu Chương Dương.

Mỗi người tìm lên đây tự tử đều có một lý do, hoàn cảnh khác nhau. Lý do phổ biến nhất là nợ nần quá nhiều hoặc buồn phiền chuyện gia đình.

nhay cau Chuong Duong tu tu anh 2
Đội CSGT số 1 phối hợp với cảnh sát PCCC giải cứu người phụ nữ đòi tự tử trên cầu Chương Dương ngày 25/6. Ảnh: Trần Anh.

Trong số người tự tử được cứu, có cả cụ già ngoài 80 tuổi. Cụ nói bản thân đang mắc nhiều bệnh, lại bị teo chân nên chán nản tìm cách từ bỏ cuộc đời. Cũng có người tự tử do bệnh lý trầm cảm hoặc tâm thần bất ổn.

Chỉ trong 3 tháng qua, tổ công tác của đội CSGT số 5 trực tại bờ bắc cầu Chương Dương đã tham gia giải cứu thành công 3 vụ tự tử trên cầu. Từ khi anh Trung về công tác tại Đội 5 (năm 2015), con số này đã là hàng chục vụ. Có những lần người tự tử đã nhảy xuống nước nhưng vẫn được các chiến sĩ huy động cano cứu vớt kịp thời.

"Có lần tôi vừa chạy ra đến nơi thì một cô gái đã nhảy xuống nước. Những trường hợp kiên quyết tự tử như vậy mình không có cơ hội để thuyết phục", anh Trung kể.

"Vẫn làm dù không đúng chuyên môn"

Với cây dùi cui gỗ trên tay và khẩu súng lục luôn dắt ngang hông, người ta dễ tưởng công việc của một cán bộ CSGT chỉ có duy trì trật tự trên đường phố và trấn áp các hành vi phạm pháp.

nhay cau Chuong Duong tu tu anh 3
Thượng tá Lê Đức Đoàn - người trước khi về hưu từng có khoảng 40 lần ngăn chặn hành vi tự tử trên cầu Chương Dương. Ảnh: Hoàng Anh.

Thượng úy Nguyễn Quang Trung cũng từng nghĩ như vậy khi mới nhận nhiệm vụ trực nút giao thông bờ bắc cầu Chương Dương. Công tác tại đây anh mới nhận ra nghề này còn nhiều việc "không tên" khác.

Trường cảnh sát không dạy học viên phải nói gì để thuyết phục một người chán sống, cũng chẳng có nghiệp vụ nào giúp phát hiện một người đang mưu toan tự tử. Mọi thứ chỉ dựa vào trực giác, bản năng và cái tâm của người làm công vụ.

Phía bờ nam cầu Chương Dương là khu vực quản lý của Đội CSGT số 1. Tại đây hơn 4 năm trước, nhiều người vẫn nhớ dáng đứng quen thuộc của thượng tá Lê Đức Đoàn - người chiến sĩ CSGT đã nghỉ hưu sau 20 năm điều tiết giao thông trên cầu Chương Dương.

nhay cau Chuong Duong tu tu anh 4
Thượng úy Nguyễn Quang Trung và Đào Đức Minh đang thuyết phục một người từ bỏ ý định nhảy cầu tự tử ngày 22/6. Ảnh: Nguyễn Hiệp.

Trong gần 20 năm đảm nhiệm công việc tại đây, thượng tá Đoàn đã thuyết phục và cứu khoảng 40 người có ý định nhảy cầu. Có những người vì mâu thuẫn gia đình còn được ông giúp hòa giải.

Với những cống hiến của mình, thượng tá Đoàn được nhận danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú năm 2012.

"Những người như bác Đoàn đã truyền cảm hứng để chúng tôi tiếp tục làm công việc ngăn chặn những hành vi tự tử trên cây cầu này", thượng úy Nguyễn Quang Trung nói.

nhay cau Chuong Duong tu tu anh 5
Cầu Chương Dương (chấm đỏ) nối trung tâm Hà Nội với quận Long Biên. Đây là cây cầu huyết mạch của thủ đô hàng chục năm nay. Ảnh: Google Maps.

CSGT giải cứu người định nhảy cầu vì thua cá độ World Cup

Nam thanh niên thua cá độ bóng đá 200 triệu đồng và lên cầu Chương Dương ở Hà Nội định tự tử.



Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm