Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 65 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính giao thông đường bộ của CSGT.
Nội dung đáng chú ý trong thông tư này là quy định liên quan đến nguồn tin CSGT được tiếp nhận làm căn cứ xác minh, xử phạt.
Người cung cấp thông tin chịu trách nhiệm về tính xác thực
Các nguồn tin CSGT có thể dùng làm căn cứ xác minh, xử phạt gồm hình ảnh, thông tin do các tổ chức, cá nhân ghi thu bằng các phương tiện kỹ thuật (không phải kỹ thuật nghiệp vụ), các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. So với quy định trước đây, Thông tư 65 đã bổ sung thêm nguồn tin từ phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội làm căn cứ xử phạt.
Theo Cục CSGT, việc tiếp nhận thông tin qua qua mạng xã hội là quy định nhằm tăng cường và cụ thể hóa việc tiếp nhận thông tin vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) do người dân cung cấp.
“Những trường hợp vi phạm TTATGT được người dân chụp ảnh, ghi hình lại hoặc đăng tải trên báo chí, mạng xã hội sẽ được CSGT xác minh làm rõ. Trên cơ sở đó, CSGT sẽ mời chủ phương tiện, người thực hiện hành vi vi phạm đến để xử lý theo quy định”, Cục CSGT cho biết.
Hình ảnh nhóm thanh niên lạng lách, chặn đầu ôtô chở tân binh nhập ngũ được đăng tải trên Facebook vào cuối tháng 2. Nhóm này sau đó bị xử phạt hơn 12 triệu đồng. Ảnh: Cắt từ clip. |
Để tránh tình trạng thông tin không chính xác, bị làm giả, CSGT sẽ trưng cầu giám định thông tin, hình ảnh và các tài liệu liên quan. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ làm việc trực tiếp với tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời gửi văn bản đến cơ quan báo chí đã đăng tải đề nghị cung cấp thông tin, hình ảnh này.
“Tổ chức, cá nhân khi ghi nhận, đăng tải thông tin, hình ảnh sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin đã cung cấp. Trường hợp thông tin, hình ảnh có dấu hiệu làm giả, vụ việc sẽ được chuyển sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định”, Cục CSGT cho biết.
Ngoài ra, Thông tư 65 cũng yêu cầu đơn vị CSGT cấp huyện trở lên có nhiệm vụ tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, hình ảnh vi phạm và phải đảm bảo bí mật họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, bút tích và thông tin khác của nguồn tin.
Nhiều vụ vi phạm TTATGT đăng trên mạng xã hội được xử lý
Thời gian qua, từ các hình ảnh ghi lại các vụ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, lực lượng chức năng đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Hồi giữa tháng 7, một đoạn video chia sẻ trên mạng xã hội ghi cảnh ôtô 7 chỗ đi ngược chiều ở cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Ít nhất 2 xe tải phải đánh lái gấp để tránh ôtô này.
Ngày 16/7, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4 thuộc Cục CSGT xử phạt 17 triệu đồng, tước bằng lái 6 tháng của tài xế vi phạm.
Cục CSGT cho biết sẵn sàng tiếp nhận hình ảnh vi phạm được người dân cung cấp để làm căn cứ xác minh, xử lý. Ảnh minh họa: H.Q. |
Hay như hôm 21/4, lái xe N.V.D (42 tuổi, trú tại Bắc Ninh) điều khiển ôtô trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Do đi quá nút giao khoảng 20 m, người này sau đó cho xe chạy đi ngược chiều để vào TP Bắc Giang.
Hành vi của lái xe D. được camera hành trình của một phương tiện khác ghi lại. Từ video đăng trên mạng xã hội, Cục CSGT 2 đã xử phạt tài xế 17 triệu đồng và tước bằng lái 6 tháng.
Trước đó, một thanh niên ở TP.HCM do khoe “chiến tích” điều khiển ôtô chạy tốc độ 234 km/h trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng đã bị phạt 7,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 3 tháng.
Cục CSGT cho biết các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm của người dân đã giúp ích rất nhiều cho lực lượng CSGT trong việc xác minh, làm rõ phương tiện và người điều khiển.
“Lực lượng CSGT toàn quốc sẵn sàng tiếp nhận các hình ảnh, clip ghi lại hình ảnh vi phạm TTATGT, đặc biệt là các hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy”, đại diện Cục CSGT nói.