Sau thời gian thực hiện nghiêm chủ trương về xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, việc nói “không” với rượu bia khi tham gia giao thông đã có hiệu quả rõ rệt.
Tuy nhiên, dịp cuối năm, tại các gia đình, cơ quan, doanh nghiệp... diễn ra nhiều cuộc liên hoan, cưới hỏi, tình trạng đã sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông có chiều hướng gia tăng.
Đội CSGT, Công an TP Bắc Ninh liên tục đổi điểm chốt, thời điểm kiểm tra vi phạm nồng độ cồn. |
Theo chân lực lượng CSGT, Công an TP Bắc Ninh trong đêm 30/12, tại điểm chốt tại phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tổ công tác đã phát hiện, xử lý 6 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó có 5 trường hợp điều khiển xe máy, 1 trường hợp điều khiển ô tô.
Anh N.V.T ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh) điều khiển ô tô và chở theo 2 người lên TP Bắc Ninh để gặp mặt nhóm bạn dịp cuối năm từ trưa. Sau khi gặp mặt cũng tổ chức liên hoan ăn uống. Anh cũng nhận thức là lái xe nên cũng đã hạn chế, chỉ uống 1 lon bia.
Tuy nhiên khi trở về nhà thì anh gặp tổ công tác, đo nồng độ cồn lên đến mức 0,034 mg/l khí thở, đây là mức vi phạm thấp nhất đối với người lái xe ô tô. Đối với mức vi phạm này, anh T bị xử phạt 7 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 11 tháng.
"Tôi đã nghỉ ngơi vài tiếng trước khi ra về nhưng khi các cán bộ CSGT Công an TP Bắc Ninh kiểm tra, đo nồng độ cồn mới biết bản thân vi phạm. Cũng may là ở mức thấp nhất", anh T cho biết thêm.
Theo Trung tá Nguyễn Xuân Nam, Đội trưởng Đội CSGT, Công an TP Bắc Ninh, mặc dù việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn được người dân đồng tình, ủng hộ, góp phần làm giảm tai nạn giao thông, tuy nhiên với những người đã sử dụng bia rượu, họ thường tìm cách trốn tránh, đối phó.
Để ngăn ngừa “ma men” ra đường tham gia giao thông, lực lượng CSGT áp dụng nhiều cách làm linh hoạt, thường xuyên đổi mới. Trong năm năm 2023, đội đã xử phạt 1.559 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn và phạt tiền trên 9 tỷ đồng.
“Đội huy động 100% quân số, phương tiện, trang thiết bị để làm nhiệm vụ. Đồng thời, phối hợp cùng các đội nghiệp vụ khác và công an các phường cùng tham gia.
Đặc biệt trong khoảng 1 tháng nay, chúng tôi thường xuyên thay đổi các điểm chốt, thời điểm kiểm tra. Trước đây thường kiểm tra buổi tối thì nay thực hiện cả buổi trưa và trên các tuyến đường để phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm giao thông, nhất là nồng độ cồn", Trung tá Nam cho biết thêm.
Trả lời VTC News, Trung tá Trần Văn Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT thị xã Quế Võ cho biết, là địa phương có nhiều khu công nghiệp và nhiều hội nhóm đồng hương nên khi lực lượng chức năng cắm chốt xử lý nồng độ cồn ở địa điểm cố định sẽ không tranh khỏi việc một số người sẽ gọi điện, nhắn tin hoặc báo hiệu lên các hội nhóm để né tránh lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
"Thay vì lập chốt tại một vị trí cố định như trước, chúng tôi đã sử dụng mô tô đặc chủng, kết hợp hình thức tuần tra, kiểm soát công khai với hóa trang, sử dụng nhiều lực lượng để xử lý vi phạm nồng độ cồn. Thường xuyên bố trí kiểm tra lưu động tại nhiều tuyến đường với phương châm xử lý nghiêm minh, triệt để đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn”. Trung tá Ngọc cho biết thêm.
Với phương châm "không có vùng cấm, ngoại lệ", lực lượng CSGT Bắc Ninh đã linh hoạt thời gian, thay đổi địa điểm để xử lý vi phạm nồng độ cồn một cách hiệu quả nhất.
Trong năm 2023, toàn tỉnh Bắc Ninh đã xử phạt 13.262 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, trong đó có 552 ô tô, 12.545 mô tô và 165 phương tiện khác. Cơ quan chức năng thu nộp kho bạc Nhà nước trên 55,1 tỷ đồng, tạm giữ 13.262 phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn 7.480 trường hợp.
Lãnh đạo Phòng CSGT Bắc Ninh cũng cho biết, cùng với lập biên bản vi phạm hành chính tại địa điểm vi phạm, lực lượng chức năng sẽ xác minh, làm rõ người vi phạm. Trường hợp phát hiện người vi phạm là cán bộ, đảng viên, công chức, lực lượng chức năng sẽ tiến hành thông báo về cơ quan, đơn vị, nơi cư trú để xử lý nghiêm theo quy định.