Crazy Rich Asians không chỉ càn quét phòng vé ở Mỹ và thế giới những ngày qua (hiện thu về khoảng 140 triệu USD) mà còn thắng lớn ở Singapore, nơi nó lấy bối cảnh. Đến nay, phim đã có 2 tuần đứng nhất phòng vé Singapore, thu về 4,66 triệu USD.
Giới siêu giàu và chủ nghĩa tiêu thụ gắn liền với nhau
Edward Tang, chuyên gia nghệ thuật và là con trai của ông trùm kinh doanh Thượng Hải là Sir David Tang, cho rằng bộ phim có vài yếu tố thực tế dù nội dung hư cấu nhằm mục đích giải trí.
Tang nói với Vogue: "Bộ phim và tiểu thuyết gốc nói lên niềm đam mê của giới siêu giàu đối với việc tiêu thụ, tôi nghĩ điều này là chính xác. Với chữ tiêu thụ, tôi không chỉ muốn nói đến thời trang".
"Đó còn là ẩm thực và du lịch. Tôi nghĩ mạng xã hội đã giúp người ta hiểu rằng giới siêu giàu thích phô trương sự giàu có và làm những điều điên cuồng. Đó là những trích đoạn của thực tế".
Jamie Chua, nữ đại gia có bộ sưu tập túi Hermes lớn nhất thế giới. Ảnh: Daily Mail. |
Jamie Chua là nữ đại gia 44 tuổi nổi tiếng ở Singpaore với bộ sưu tập 200 chiếc túi Hermes được cho là lớn nhất thế giới, chứa trong căn phòng rộng bằng một căn hộ lớn.
Trong đó, đắt đỏ nhất là chiếc túi Birkin da cá sấu Himalayan với vàng trắng và 245 viên kim cương trị giá 432.000 USD (hơn 10 tỷ đồng).
Phòng chứa quần áo của Chua cũng lớn như một cửa hiệu thời trang và được khóa bằng vân tay. Trong đó bà để túi, giày, váy vóc và những bộ đầm dạ hội hơn 20.000 USD (hơn 460 triệu đồng) mỗi chiếc.
Trong phim, những chuyến mua sắm bằng máy bay riêng của gia đình chẳng mấy xa lạ với thực tế. Chính Kane Lim, một thiếu gia ăn chơi nổi tiếng của Singapore, cũng thường xuyên có những chuyến mua sắm như vậy đến Mỹ, vì "chúng tôi không muốn bị trông thấy ở sân bay công cộng".
Kane Lim là thành viên của hội "Rich Kids of Singapore", có trang Instagram với 103.000 người theo dõi. Nhân vật trong Crazy Rich Asians mà Lim thấy gần với bản thân mình nhất là Astrid Leong (Gemma Chan đóng), người chị em họ - một fashionista cuồng mua sắm - của nhân vật nam chính Nicholas Young (Henry Golding).
Trong phim, Chan bước vào một cửa hàng trang sức và mua một đôi hoa tai giá triệu USD (hơn 23,2 tỷ đồng) mà không thèm chớp mắt. "Đó chính là tôi ngoài đời", Lim nói.
"Tôi bước vào một hiệu giày thiết kế và nói: Tôi sẽ mua một đôi của mọi mẫu mã với mọi màu sắc". Bộ sưu tập giày của Lim cũng ít nhất nửa triệu USD, trông như một cửa hiệu giày, cộng với đầy ắp túi xách Chanel, cùng xe Ferrari tân trang.
Dùng máy bay riêng để đi mua sắm là chuyện thường của hội con nhà giàu Singapore. Ảnh: Instagram. |
Edward Tang so sánh Crazy Rich Asians với Clueless, một phim khác về con nhà siêu giàu ở Mỹ hồi thập niên 2000. Anh nghĩ các phim này đều được đón nhận vì kể về giới siêu giàu qua góc nhìn hài hước, châm biếm.
Bộ phim cũng bị chỉ trích vì cách mô tả hơi hẹp về người châu Á, chỉ qua một tầng lớp đặc biệt trong và thuộc số ít xã hội. Nhưng Tang cho rằng công chúng không nên hy vọng qua một bộ phim mà hiểu hết về xã hội và văn hóa châu Á.
"Nếu bạn muốn hiểu văn hóa châu Á, hãy đến tận nơi, hoặc đọc sách và đọc tin tức hàng ngày về nó. Châu Á cũng có rất nhiều mặt. Chúng ta không nên chỉ trích Crazy Rich Asians vì mô tả một chiều vì nó chỉ là một phần của câu chuyện, không tỏ ra bao quát hơn", anh nói.
"Giới nhà giàu lâu đời thích sống kín đáo hơn"
Trong giới siêu giàu, sự phân biệt giữa "old money" (giàu lâu đời) và "new money" (giàu mới nổi) là khá rõ. Và những biểu hiện của người giàu trong Crazy Rich Asians cho thấy đây là giới giàu mới nổi.
Theo Business Of Fashion, doanh nhân Olga Iserlis và nhà báo Soh Chin Ong, 2 nhân vật thành đạt trong xã hội Singapore, đều đưa ra quan điểm này. Họ cho rằng cuộc sống của giới giàu trong phim khá "hào nhoáng" và "ồn ào" so với ngoài đời thực.
Trong phim, các nhân vật tiêu tiền triệu USD trong chớp mắt, tiệc tùng ở những nơi xa hoa như Supertree Grove hay Marina Bay Sands. Nhưng trên thực tế, theo Iserlis, "các gia đình giàu lâu đời đều thích sống kín đáo hơn, lối sống trong phim chỉ có ở các gia đình giàu mới nổi".
Một nữ đại gia Singapore 50 tuổi khác, từ chối tiết lộ tên, lại cho rằng một số chi tiết mô tả giới giàu có trong Crazy Rich Asians không đúng với thực tế.
Giới nhà giàu trong Crazy Rich Asians bị cho là phô trương kiểu mới nổi chứ không phải lâu đời. Ảnh: SK Global. |
"Chúng tôi có tiệc tùng", cô nói với The New Paper, "nhưng không thường xuyên phải tuyển quản lý hay nhân viên từ nước ngoài bay đến Singapore. Chúng tôi cũng không thường xuyên thuê máy bay riêng đến thế, hay mời các siêu mẫu tới bữa tiệc, hay ăn món trứng cá muối".
Cô cho rằng giới nhà giàu Singapore ưa thích những cuộc ăn chơi kín đáo hơn, như tự chạy du thuyền hạng sang đến những hòn đảo riêng tư và tận hưởng cuộc sống xa hoa mà không bị truyền thông nhòm ngó.
Chloe Ng, 21 tuổi, con gái của 2 doanh nhân Nina và Eddie Ng, cho rằng tần suất tiệc tùng trong phim đã bị đẩy lên quá cao. Cho rằng bộ phim đúng thực tế từ 80 đến 90%, nhưng cô vẫn bắt lỗi: "Các bữa tiệc trông quá lộng lẫy. Bộ phim làm như thể chúng tôi tiệc tùng như vậy mỗi ngày, nhưng trên thực tế, mỗi tuần cũng chưa đến".
"Chỉ thỉnh thoảng chúng tôi mới tiệc tùng như vậy, và mọi người sẽ mặc đầm dạ hội", Ng cho biết.
Giới trẻ nhà giàu bị ám ảnh bởi Instagram
Một trong những lằn ranh khác biệt giữa người lớn tuổi và giới trẻ nhà giàu ở Singapore, cũng như hầu hết quốc gia khác trên thế giới, là giới trẻ luôn muốn chứng tỏ sự giàu có của mình qua mạng xã hội.
Theo Iserlis, trong khi thế hệ lớn tuổi yêu thích những thương hiệu lâu năm như Dom Perignon, Krug, Chanel và Tiffany - những thứ mà họ có thể để lại cho con cháu, thì thế hệ trẻ lại chuộng những thương hiệu mới, tượng trưng cho sự sành điệu như Aquazzura hay Audemars Piguet.
Một số thương hiệu được nhiều thế hệ khác nhau ưa chuộng là Saint Laurent, Loro Piana, Hermes, Cartier, Gucci...
Với giới trẻ nhà giàu hiện nay, thành quả mua sắm là phải khoe ngay lên mạng xã hội. Ảnh: Instagram. |
Một lý do quan trọng, theo Soh Chin Ong, là giới trẻ có "khoái cảm" khoe chuyện mua sắm của mình lên Instagram. Đó giống như một nghi thức tiêu dùng chứ không còn là thói quen hay sở thích.
"Nhóm này dành cho các món đồ ít tình cảm hơn mà coi chúng như công cụ phô trương khi khoe trang phục, trang sức và xe hơi trên Instagram hay Facebook", nhà báo nói.
Tài khoản Instagram @TheRichKidsofSingapore chắc hẳn là nổi tiếng nhất trong số này. Đây giống như một phim tài liệu trực tuyến về đời sống tiêu thụ của giới trẻ giàu có tại nước này.
Trang này thường đăng tải hình ảnh của những nhân vật như: Kim Lim - con gái của tỷ phú gốc Hong Kong Peter Lim, người giàu thứ 12 Singapore; Jamie Chua - vợ cũ của tỷ phú gốc Indonesia Nurdian Cuaca; Elly Lam - cô con gái thừa kế của tỷ phú Peter Lam và nữ diễn viên đại gia Lynn Hsieh...