Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CPI cả nước tăng thấp nhất trong 13 năm

Sau khi giảm mạnh vào tháng 3, tháng 4 này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 4,45% so với cùng tháng năm trước.

Như vậy, tính từ đầu năm CPI đã tăng 0,88%, được ghi nhận là mức tăng thấp nhất sau 4 tháng trong vòng 13 năm trở lại đây. CPI cả nước tăng trong tháng này đã gây không ít bất ngờ, trái ngược hoàn toàn với các nhận định trước đây của Tổ điều hành thị trường trong nước - Bộ Công Thương và Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính.

Trước đó, trong báo cáo thường kỳ, Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính nhận định sức mua trong dân cư chưa được cải thiện trong khi giá các mặt hàng nông sản giữ giá ổn định hoặc giảm có thể khiến CPI tháng 4 tiếp tục giảm so tháng trước nhưng với mức độ ít hơn. Nhận định này cũng đã nhận được sự đồng tình của không ít chuyên gia kinh tế khi tổng cầu trong nước vẫn yếu, chưa có dấu hiệu phục hồi, nguồn cung lương thực, thực phẩm ổn định, áp lực từ giá lương thực thực phẩm thế giới hầu như không có. Ngoài ra, tỷ giá tiếp tục ổn định giúp hạn chế đà tăng giá các mặt hàng nhập khẩu hoặc có yếu tố nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia từ Tổng cục Thống kê, tổng quan giá cả các mặt hàng diễn biến nhẹ, hầu như không đổi nên mức biến động giá với tháng trước là khá “mong manh” nên chỉ cần một sự điều chỉnh nhỏ của một vài nhóm hàng cũng có thể đảo chiều được chỉ số chung.

Diễn biến CPI so tháng trước 12 tháng qua. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Diễn biến CPI so tháng trước 12 tháng qua. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Trở lại diễn biến giá cả trong tháng, nhìn tổng quan, giá các mặt hàng biến động nhẹ, chủ yếu là do sự điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các nhóm hàng còn lại hầu như giá không đổi so với tháng trước. Giá gas bán lẻ của các hãng tiếp tục đồng loạt giảm kể từ ngày 1/4/2014 là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,56% so với tháng trước.

Ngoài ra, cũng do ảnh hưởng gián tiếp của giá dầu thô thế giới, giá dầu hỏa được điều chỉnh tăng/ giảm 3 lần trong tháng cũng góp phần đáng kể trong mức giảm trên. Giá điện thoại di động các loại vẫn đang giảm do nhiều mẫu mã mới được đưa ra thị trường là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm tháng thứ 4 liên tiếp ở mức 0,14% so với tháng trước.

Ở phía các mặt hàng tăng giá, không phải nhóm có mức tăng cao nhất nhưng do có quyền số lớn nhất nên mức tăng 0,15% của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã đóng góp đáng kể vào mức tăng của chỉ số chung. Trong tháng, các mặt hàng lương thực giảm 0,26% trong khi thực phẩm tăng 0,27% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,18% so với tháng trước. Nguồn cung lương thực trên cả nước đang dồi dào nhất là vựa lúa Đồng bằng song Cửu Long đã thu hoạch xong vụ Đông Xuân với năng suất tương đối cao trong khi khi nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu ổn định là nguyên nhân chính khiến giá lương thực tiếp tục giảm trong tháng.

Tuy nhiên, đối với các mặt hàng thực phẩm, sau khi giảm theo đúng quy luật vào tháng trước, tháng này giá đã nhích tăng trở lại chủ yếu ở các mặt hàng chính như thịt lợn, thịt bò và sữa. Khi ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân đã được nâng cao trong thời gian qua đã khiến diễn biến dịch cúm gia cầm đang diễn ra ở một số địa phương trên cả nước ảnh hưởng đáng kể đến giá cả các mặt hàng thực phẩm chủ yếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Thành phố nào đắt đỏ nhất Việt Nam?

Ngôi vị "đắt đỏ nhất Việt Nam" không phải là Hà Nội như suy nghĩ từ trước đến nay của nhiều người, thành phố đắt nhất nước thuộc về Huế.

Giá cả các mặt hàng liên quan đến gia cầm như trứng, thịt gà các loại đang trong xu hướng giảm trong khi giá cả các mặt hàng thay thế như thịt lợn, thịt bò có xu hướng tăng nhẹ. Ngoài ra, giá sữa bán lẻ của các hãng như Vinamilk, Dutch Lady,… cũng được niên yết tăng theo thông báo từ tháng 2/2014.

Mức tăng đáng kể, cao nhất trong tháng thuộc về nhóm giao thông với mức 0,33% so với tháng trước chủ yếu là do tác động từ việc tăng giá các mặt hàng xăng, dầu các loại. Trong tháng, có tới 3 đợt điều chỉnh tăng/giảm giá xăng dầu nhưng xét bình quân cả tháng, giá xăng vẫn tăng hơn so tháng trước, là nhân tố chính đóng góp đáng kể vào mức tăng của nhóm giao thông.

Ở các nhóm hàng tăng giá khác, yếu tố mùa vụ cũng đóng vai trò nhất định trong diễn biến giá. Thời tiết đang bước sang hè với những đợt nắng nóng đã xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước đặc biệt ở khu vực phía nam đã khiến các mặt hàng phục vụ mùa hè như mũ nón, quần áo hè hay đồ uống tăng nhẹ.

Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,26% trong khi nhóm đồ uống và thuốc lá cũng tăng 0,23% so với tháng trước. Các nhóm hàng còn lại tăng nhẹ, thậm chí gần như không đổi so với tháng trước. Trong tháng, giá của hai mặt hàng đặc biệt là vàng và USD tiếp tục diễn biến cùng chiều khi cùng giảm ở các mức tương ứng 1,04% và 0,06% so với tháng trước.

http://vneconomy.vn/20140424071538970P0C9920/cpi-ca-nuoc-tang-thap-nhat-trong-13-nam.htm

Theo VnEconomy

Bạn có thể quan tâm