Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cowboy Bebop' - văn hóa châu Á khắc họa vụng về bởi nhà làm phim Mỹ

Sau khi ra mắt, "Cowboy Bebop" - series được chuyển thể từ phim hoạt hình Nhật Bản cùng tên - chưa làm hài lòng người hâm mộ.

Trong năm 2021, Netflix tung loạt live-action chuyển thể từ truyện tranh/hoạt hình Nhật Bản. Trong đó, hai phim được nhiều sự quan tâm là Rurouni Kenshin: The FinalCowboy Bebop.

Nguyên tác Rurouni Kenshin (1996) và Cowboy Bebop (1998) đều là những tác phẩm kinh điển có sức ảnh hưởng lớn đến văn hóa đại chúng Nhật Bản. Có lẽ điểm khác nhau giữa hai phim chuyển thể này nằm ở góc nhìn điện ảnh của nhà làm phim: Rurouni Kenshin được thực hiện bởi ê-kíp người Nhật cùng đạo diễn Keishi Ohtomo, còn Cowboy Bebop do nhà sản xuất chính André Nemec hợp tác với đạo diễn Alex Gracias Lopez và Micheal Katleman.

Chuyện phim lấy bối cảnh tương lai khi loài người đã chinh phục được vũ trụ, các băng nhóm tội ác bắt đầu xuất hiện tràn lan ở khắp dải ngân hà. Chỉ cần đưa ra mức giá hợp lý, nhóm săn tiền thưởng Cowboy Bebop gồm Spike Spiegel (John Cho), Jet Black (Mustafa Shakir) và Faye Valentine (Daniella Pineda) sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để truy đuổi những tên tội phạm nguy hiểm.

Nhưng số phận luôn chơi đùa với bộ ba, khi họ liên tục phải đối mặt với những trở ngại trớ trêu trong lúc tác nghiệp, cùng những kẻ thù đặc biệt nguy hiểm.

Theo Gizmodo, Cowboy Bebop của Netflix đem lại luồng gió mới cho một tác phẩm cũ kỹ với những nhân vật mới lạ nhiều màu sắc hơn. Nhưng một số diễn đàn như Reddit, IMDB cho rằng phim chưa tái hiện được phong cách đặc trưng khiến Cowboy Bebop khác biệt so với những thương hiệu cùng thời kỳ.

review Cowboy Bebop anh 1

Cowboy Bebop gây chú ý nhờ tạo hình nhân vật sát với anime.

Một thế giới nhạt nhòa thiếu điểm nhấn

Thế giới của Cowboy Bebop 2021 gặp vấn đề về độ nhất quán trong thiết kế bối cảnh. Khán giả khó lòng cảm thấy thuyết phục bởi sự thiếu liên kết giữa những bối cảnh trên mặt đất và trong không gian. Điển hình là phân cảnh Jet Black về thăm vợ con ở một ngôi nhà vùng ngoại ô Nam Mỹ, phần nội thất được xây dựng sơ sài, không xứng tầm với mạch truyện chính vốn đậm chất khoa học viễn tưởng.

Khác với thế giới thống nhất dưới sự chỉ đạo mỹ thuật bởi Shinchiro Wanatabe (đạo diễn Cowboy Bebop 1998), phim chuyển thể lại khắc họa một vũ trụ lạc nhịp với những tông màu rời rạc. Dẫu biết phim người thật đóng sẽ khó có được những cú máy phức tạp, chuyển động linh hoạt như cách phim hoạt hình thể hiện, các phân cảnh hành động trong phim mờ nhạt với kỹ xảo dừng ở mức tạm chấp nhận.

Điểm cộng lớn nhất là âm nhạc của Yoko Kanno. Sau hơn 20 năm, nữ nghệ sĩ tài danh một lần nữa soạn nhạc cho bản phim live-action. Khán giả lại có dịp thưởng thức những điệu jazz đậm chất cổ điển, vốn là một phần không thể thiếu của thương hiệu Cowboy Bebop. Nhưng theo Empire, nhạc phim lần này chưa vượt qua được cái bóng quá lớn của nguyên tác.

Nói cách khác, các giá trị nghệ thuật của tác phẩm gốc đã bị diễn giải sai lệch trong quá trình chuyển thể, khiến cho tác phẩm tượng đài của thập niên 1990 mất đi độ hào hùng vốn có, như Variety nhận định “hy sinh chiều sâu để đổi lấy sự tràn lan trong nội dung”.

Nhân vật thiếu chiều sâu

Theo New York Post, Cowboy Bebop 2021 thành công ở việc cập nhật kịch bản cũ có phần hơi bảo thủ về giới tính, thành một tác phẩm dễ tiếp cận với các khán giả đại chúng hơn, đặc biệt là những đối tượng vẫn còn dè dặt với các thể loại phim hoạt hình cổ điển. Vấn đề gây tranh cãi xoay quanh việc phần mới bị giảm "chất thơ" so với bản gốc.

Rút kinh nghiệm từ những sai lầm chí mạng của loạt tác phẩm chuyển thể trước như Ghost in the Shell (2017) và series Netflix Death Note (2017), nơi nhân vật chính bị “tẩy trắng” sắc tộc, Cowboy Bebop vẫn đảm bảo được yếu tố đa dạng chủng tộc và đề cao sự phong phú trong văn hóa ở khâu lên kịch bản và lựa chọn diễn viên.

Tuy nhiên, ngoài ngoại hình sát nguyên tác, các nhân vật được phát triển theo mô tuýp phổ biến hơn là giữ lại sự độc đáo trong tính cách. Điều này làm các vai diễn dễ đồng cảm, hơn nhưng đồng thời triệt tiêu vẻ bí ẩn của dàn vai.

Nam chính Spike Spiegel bị gò bó trong một khuôn mẫu người anh hùng luôn bị ám ảnh bởi quá khứ phức tạp. Thay vì khắc họa một Spike vô ưu, không màng đến chuyện sống chết thì mọi cử chỉ và hành động của Cho đều gượng gạo, không thể hiện được bản chất hài hước tự nhiên của nhân vật nguyên bản. Phim lặp đi lặp lại phân cảnh hồi tưởng quá khứ để giải thích sâu thêm về vai chính Spike, nhưng khiến cho 10 tập phim nặng vẻ u sầu hơn so với bản gốc.

Sự phóng khoáng, hào sảng sẵn sàng ra tay cứu người dù phải vật lộn hàng ngày để kiếm ăn của biệt đội Cowboy Bebop không được làm rõ ở kịch bản này. Giờ đây nhân vật Jet Black lại chi li vì phải có trách nhiệm nuôi con, còn Faye Valentine biến thành người đẹp thô lỗ thiếu thấu cảm.

Một số tuyến phụ khác cũng được cường điệu hóa câu chuyện cá nhân để thêm “gia vị” cho bộ phim. Điển hình là mối quan hệ độc hại của Vicious và Julia được xây dựng nhằm tăng độ hấp dẫn của bản 2021, vô tình dìm giá trị vai Spike khi theo đuổi mối tình tay ba rắc rối đó.

review Cowboy Bebop anh 2
Mối quan hệ giữa các nhân vật thiếu sức hút.

Ở tác phẩm gốc, sự xuất hiện của Vicious và Julia tuy hiếm hoi nhưng để lại ấn tượng mạnh. Họ như những bóng ma trong cuộc đời của Spike. Cowboy Bebop 1998 thành công ở lối kể chuyện vừa đủ nhưng vẫn có sức ảnh hưởng lớn. Đến bản mới, vai trò của cả hai bị lu mờ, tồn tại chỉ để phục vụ cho đường dây kịch bản chứ không đủ cá tính.

Nhìn chung, Cowboy Bebop 2021 sẽ là một trải nghiệm mới lạ nếu như người xem chưa từng biết đến phim hoạt hình gốc. Còn đối với những người hâm mộ văn hóa châu Á, cụ thể là truyện tranh và hoạt hình Nhật, đây là một tín hiệu đáng lo ngại, nhất là khi Netflix vừa công bố dự án chuyển thế đình đám tiếp theo One Piece.

Các fan quan tâm về việc One Piece có khả năng là nạn nhân kế tiếp của thể loại phim chuyển thể. Nhất là khi ông lớn Netflix đang ra sức cố gắng thâu tóm thị trường tiềm năng ở châu Á nhưng lại thiếu đầu tư vào việc nghiên cứu tiêu chuẩn của tệp khách hàng này.

Tiec cho Kaity Nguyen hinh anh

Tiếc cho Kaity Nguyễn

0

Bên cạnh năng lực diễn xuất, Kaity Nguyễn còn nổi tiếng là người kỹ lưỡng trong khâu chọn kịch bản. Song với "Công tử Bạc Liêu", nữ diễn viên không còn giữ vững được điều đó.

Phúc Nguyễn - Mẫn Nghi

Bạn có thể quan tâm