Nghiên cứu cho thấy từ năm 2018 đến năm 2020, tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ giảm 1,87 năm. Con số này cao gấp 8,5 lần con số trung bình ghi nhận ở 16 quốc gia phát triển được khảo sát.
Theo các nhà nghiên cứu, kết quả này sẽ khiến khoảng cách về tuổi thọ trung bình giữa Mỹ và các quốc gia phát triển khác bị nới rộng.
Từ năm 2010 đến năm 2018, khoảng cách về tuổi thọ trung bình giữa Mỹ và các quốc gia được khảo sát tăng từ 1,88 năm lên 3,05 năm. Đến năm 2020, con số này tăng lên 4,69 năm.
Đại dịch Covid-19 làm tuổi thọ trung bình của người Mỹ giảm 1,87 năm. Ảnh: New York Times. |
“Khi đại dịch nổ ra, tôi đã nghĩ nó sẽ không để lại tác động lớn đến sự chênh lệch về tuổi thọ trung bình giữa Mỹ và các quốc gia phát triển khác. Do đây là đại dịch toàn cầu, tôi cho rằng mọi quốc gia đều bị ảnh hưởng”, tiến sĩ Steven Woolf tại Đại học tiểu bang Virginia, trưởng nhóm nghiên cứu, nói với Guardian.
“Tuy vậy, tôi không lường trước nước Mỹ đối phó với đại dịch tệ như vậy. Tôi cũng không nghĩ số người tử vong ở Mỹ cao như thế”, ông nói.
Hơn 600.000 người Mỹ đã thiệt mạng do Covid-19. Con số này sẽ còn gia tăng, dù gần 50% người Mỹ đã tiêm đủ hai mũi vaccine.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra tác động của sự bất bình đẳng về y tế giữa các nhóm người ở Mỹ đến tuổi thọ. Tỷ lệ tử vong cao ở nhóm người da đen và nhóm người gốc Tây Ban Nha khiến tuổi thọ trung bình của hai nhóm người này giảm lần lượt 3,25 và 3,88 năm. Trong khi đó, con số này với nhóm người da trắng chỉ là 1,36 năm.
“Đại dịch sẽ để lại hậu quả ngắn hạn và dài hạn đến các yếu tố xã hội về y tế, thay đổi điều kiện sống của nhiều cộng đồng, cũng như thay đổi cuộc sống của nhiều nhóm tuổi”, các nhà nghiên cứu nhận xét.