Đầu thế kỷ 20, cầu thủ bóng chày Walter Johnson đã làm kinh ngạc nước Mỹ với những cú ném bóng nhanh nhất trong lịch sử, tới nỗi đối thủ của ông phải thừa nhận “không thể đánh lại được những gì mình không thấy”.
Một thế kỷ sau, câu nói đó một lần nữa lại trở nên phù hợp với thời điểm khác thường này.
Hình ảnh virus gây ra Covid-19 qua kính hiển vi điện tử do Viện Y tế Quốc gia Mỹ cung cấp vào tháng 2. Ảnh: AP. |
Những nỗi sợ vô hình
Một chủng virus mới chưa từng được phát hiện, liên tục biến đổi đang ẩn mình và lén lút tấn công loài người theo những cách mà chúng ta mới chỉ lờ mờ hiểu được. Nhưng thái độ tiêu cực và nỗi sợ hãi mà con người bao phủ lên trận chiến này cũng khiến tình hình trở nên phức tạp hơn nữa, theo AP.
Lindsey Root Luna, nhà tâm lý học giảng dạy tại Hope College ở Michigan, chia sẻ: “Mối de doạ từ virus là vô hình, nhưng mối đe dọa mất việc làm hay khủng hoảng kinh tế, hay thậm chí khủng hoảng tinh thần do cô lập kéo dài, thì hữu hình và cận kề”.
“Vì vậy, khi xem xét thực tế rằng mình đang gặp phải cả những nguy cơ hữu hình và vô hình, con người có xu hướng phản ứng với những gì có thể nhìn thấy trước nhất”.
Virus corona mới là đối thủ “xứng tầm” với chúng ta trong thời đại này. Nó là một mối đe dọa cụ thể, nhưng sự “vô hình” của nó khiến ta hoang mang và tạo điều kiện cho nhiều kẻ tuỳ tiện thêu dệt những thông tin sai lệch.
Đã vậy, ngày nay người ta lại đặt niềm tin quá đà vào những người trong giới giải trí và chính trị, với những lời kêu gọi kiểu “Ngay cả khi chính mắt bạn nhìn thấy, cũng đừng vội tin nó”.
Ở Mỹ, quốc gia đang vật lộn với Covid-19 từ khi bắt đầu phong toả cả nước, điều này lại đặc biệt phổ biến. Nhiều người trong chúng ta đã quen chối từ hoặc phớt lờ những vấn đề trừu tượng hoặc vô hình như virus, thao túng chính trị, biến đổi khí hậu.
“Chúng ta đủ khả năng đối phó với các mối đe dọa hữu hình có thể nhận thấy ngay lập tức, ví dụ như một tai nạn xe hơi, một cú đấm”, Alix Spiegel, nhà sản xuất và dẫn chương trình “Invisibilia” – podcast của NPR diễn giải những điều con người không thể thấy – nói.
Người đeo khẩu trang đề phòng virus đi ngang qua một bức tranh tường vẽ thế giới ở Philadelphia, Mỹ ngày 22/4. Ảnh: AP |
“Tuy nhiên, khi chúng tồn tại ở những không gian và thời gian mà chúng ta khó nhận biết được, chúng ta sẽ khó đưa ra những phản ứng phù hợp”.
Điều này thể hiện rõ qua cách mọi người phản ứng trước các biện pháp của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Ở vị trí của mình, chúng ta không thể nhận ra tình hình dịch bệnh đang diễn biến xấu đi, nên chỉ có thể tập trung khắc phục vấn đề sát sườn mà mình lập tức nhận thấy – đó là sự sụp đổ của cuộc sống xung quanh lâu nay chúng ta vẫn quen thuộc.
“Từ con mắt của mỗi cá nhân, cơ bản không có nhiều thay đổi. Rất ít người trong chúng ta thực sự chứng kiến cuộc chiến của người bệnh Covid-19”, Adam Kotsko, giảng dạy tại North Central College ở Illinois, nói. Ông là tác giả cuốn “The Prince of This World”, diễn giải lịch sử về một trong những kẻ thù vô hình khét tiếng nhất của nhân loại - ác quỷ.
“Xã hội”, Kotsko nói, “đã bị khuấy đảo bởi một lý do không hề cụ thể, rõ ràng".
Trong văn hóa Mỹ, nỗi sợ những thứ vô hình hay những điều chưa biết đã xuất hiện theo nhiều cách từ những ngày đầu thuộc địa, khi những lời buộc tội về sức mạnh siêu nhiên trở thành cái cớ cho các phiên tòa xét xử phù thủy Salem năm 1692.
Một người biểu tình đeo khẩu trang kêu gọi chấm dứt lệnh ở nhà của Nghị sĩ Gavin Newsom giữa đại dịch Covid-19, bên ngoài Tòa thị chính ở trung tâm thành phố Los Angeles ngày 22/4. Ảnh: AP |
Nhưng càng ngày càng có nhiều điều “vô hình” xuất hiện, từ điện báo, điện thoại đến vi khuẩn và virus; rồi đến sóng vô tuyến và vi sóng; thậm chí cả nguyên tử và bức xạ; ... chúng ta lại dần quen với điều đó.
Thế nhưng, sự “vô hình” khi đi liền với những kẻ thù, thường là mối đe dọa nghiêm trọng.
Nỗi lo sợ bao trùm là dấu hiệu ban đầu về sự suy giảm niềm tin vào các thể chế và động cơ của chính quyền liên bang ở Mỹ. Người ta nghi ngờ chính phủ dàn xếp các sự kiện, tiền thân của mối đe doạ ngày hôm nay.
Cùng lúc, nỗi sợ các bệnh truyền nhiễm gây chết người đang dần biến mất trong tư duy của người Mỹ khi việc tiêm chủng trở nên phổ biến. Bệnh đậu mùa, bại liệt đã được tiêu diệt. Sởi, quai bị và rubella cơ bản cũng không còn nữa. Vì vậy, sự khốc liệt đầy ám ảnh về chúng – dị tật bẩm sinh, chết chóc - đã trở nên xa lạ trong thời đại này.
Theo Marc Longenecker, học giả điện ảnh tại Wesleyan University, Connecticut, ngày nay, do đa phần mối liên hệ của mọi người với bệnh nhân Covid-19 vẫn là gián tiếp, bản chất vô hình của nỗi sợ virus dường như giống với chứng sợ ma hơn.
Nó là nỗi sợ mà bạn không thể nhìn thấy trừ khi nó thành hiện thực. Bạn thậm chí không biết nó có thực sự đang ở đó hay không. Bạn biết đó là một mối đe dọa nhưng bị hạn chế trong khả năng chống lại nó. Longenecker nói: “Nó là câu hỏi, ‘Có thực sự có gì ở đó hay không?’”.
Tất nhiên, có một điều gì đó thực sự tồn tại, cho dù có thể nhìn thấy hay không. Câu hỏi đối với hầu hết chúng ta là: Nguy cơ đó có đang treo trên đầu chúng ta ngay bây giờ không? Và chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn nó?
Người đàn ông đi dạo trên bãi biển trống vắng với những con hải âu bay xung quanh ở Santa Monica, California ngày 10/4. Ảnh: AP |
“Khoảng cách giữa việc nhìn và biết đang ngày càng lan rộng trong thế kỷ 21”, Akiko Busch viết trong cuốn “How to Disappear: Notes on Invisibility in a Time of Transparency”.
Mặc dù vậy, có một điều chắc chắn mà chúng ta có thể thấy được và biết được trong thời điểm quan trọng này: Để xoá tan mối đe dọa này, sẽ cần nhiều nỗ lực, đặc biệt trong việc nghiên cứu và chế tạo vắc-xin – khá thú vị là nó cũng vô hình với hầu hết chúng ta như con virus đã gây ra tất cả sự xáo trộn này ngay từ đầu.
Cho đến lúc đó, quy tắc Walter Johnson vẫn đúng. Ngay cả khi biết chính xác những gì mà mình không thể nhìn thấy đó, thì không có nghĩa là chúng ta có thể đánh lại nó.