Mỗi khi thi ném đĩa hay lao, Nicole Walsh, thành viên đội điền kinh Đại học Illinois Wesleyan lo ngại mình sẽ nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, khi chuyển sang thể thao điện tử, mọi lo lắng của Nicole không còn.
Do bị phong tỏa, nhiều người tìm đến hình thức giải trí mới, trong đó có thể thao điện tử. Ảnh: Getty Images. |
"Khi ném lao, tôi dùng chung dụng cụ với người khác. Nếu một người trong đội nhiễm virus, cả đội có nguy cơ mắc bệnh. Điều này khiến tôi luôn lo lắng, căng thẳng. Nhưng với eSports thì khác", nữ vận động viên 19 tuổi chia sẻ.
Hơn một năm qua, khi các môn thể thao chật vật vì đại dịch, eSports lại chịu rất ít ảnh hưởng. "Dù Covid-19 vẫn là mối lo ngại lớn, chúng ta có thể thi đấu thể thao điện tử từ xa. Điều này giúp eSport vươn lên rất mạnh mẽ trong đại dịch", Nicole đánh giá.
Cơ hội trong đại dịch
Theo AP, chỉ có khoảng 50 đội eSports tại Mỹ vào năm 2017. Hiện tại, đã có hơn 170 đại học và 5.000 sinh viên là thành viên của Hiệp hội Thể thao điện tử Mỹ.
Trong những tháng đầu tiên sau khi hàng loạt quốc gia ban lệnh phong tỏa, lượng người xem trên Twitch, nền tảng stream lớn nhất đạt con số khổng lồ. Theo The Verge, tháng 5/2020, lượng người xem trên Twitch tăng đến 120% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,645 tỷ giờ trong tháng. Xu hướng phát triển của Twitch được dự đoán vẫn chưa dừng lại và sẽ còn tiến xa trong năm 2021.
Các chuyên gia cho rằng lượng người theo dõi eSports tăng mạnh là do tính nhất quán của bộ môn này. Đây là một trong số ít thể loại giải trí hầu như không đổi trong thời gian đại dịch. Bên cạnh đó, xem livestream là hình thức giải trí hiếm hoi của nhiều người bị mắc kẹt tại những nước đang bị phong tỏa.
Reyn Kiyota, sinh viên Đại học Illinois Wesleyan chơi Rocket League từ thời trung học. Đến khi Covid-19 bùng phát, thể thao điện tử mới trở thành một phần chính trong cuộc sống của anh.
"Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành tuyển thủ eSports. Đến năm 2 đại học khi đại dịch xảy ra, tôi không có gì khác để làm nên tiếp tục chơi Rocket League", Kiyota chia sẻ.
Khi đạt được thành tích nhất định, giám đốc đội tuyển eSports tại trường anh theo học ngỏ ý mời Kiyota thi đấu. "Tôi nắm ngay cơ hội đó và không bao giờ hối hận với quyết định của mình", Kiyota cho biết.
"Trẻ em đang lớn lên cùng eSports"
Hiện tại, eSports đã được nhiều người biết đến hơn và dần được công nhận. Logan Brewer, sinh viên ngành khoa học máy tính cho rằng eSports không còn gói gọn trong cộng đồng game thủ nữa.
"TV ở các quán ăn thường chiếu giải đấu của những môn thể thao truyền thống như bóng chày, bóng bầu dục. Nhưng dạo gần đây, khi đến một quán bar tại New Orleans, Mỹ, lần đầu tiên tôi thấy TV chiếu giải đấu Rocket League. Việc này khiến tôi khá bất ngờ", Logan chia sẻ.
eSports gắn bó với trẻ em ngày càng lâu hơn so với trước đây. Ảnh: Nbcnews. |
Việc cách ly trong thời gian dài ở nhiều quốc gia khiến mọi người có thời gian khám phá các hình thức giải trí mới. Đây là một trong những lý do chính khiến eSports trở nên phổ biến trong đại dịch.
Ray Pastore, Phó Giáo sư Công nghệ giảng dạy và eSports tại Đại học North Carolina Wilmington nhận định thể thao điện tử sẽ dần trở thành bộ môn không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.
"Trẻ em đang lớn lên cùng trò chơi điện tử và eSorts là hình thức giải trí đồng hành cùng chúng lâu dài, cả khi đã trưởng thành. Khi có biến cố xảy ra, một số ngành công nghiệp đã bật lên lên mạnh mẽ. Covid-19 đưa thể thao điện tử phát triển sớm hơn 5 năm so với dự kiến và sẽ còn lớn mạnh hơn nữa trong vài năm tới", ông Ray Pastore đánh giá.