Một bệnh nhân sống sót sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 đang sắp xếp lại các hóa đơn viện phí chồng chất của cô ấy theo các thư mục đánh màu riêng.
Một người đàn ông có bố qua đời vì Covid-19 vào mùa thu năm ngoái đã sử dụng bảng tính Excel để thu xếp các khoản nợ chưa thanh toán.
Bảng tính có 457 hàng ngang, mỗi hàng là một hóa đơn y tế của bố anh. Tổng trị giá của chúng rơi vào hơn 1 triệu USD.
Đó là những người đang phải đối mặt với dư âm về lâu dài của đại dịch. Thay vì chịu ảnh hưởng về sức khỏe, họ thiệt hại nặng nề về tài chính.
Nói cách khác, cuộc sống của những người này bị “trói buộc” với những khoản viện phí liên quan đến Covid-19, theo New York Times.
Melissa Wilhelm Szymanski nợ 3.200 USD tiền viện phí điều trị Covid-19. Ảnh: Jessica Hill/AP. |
Bị trói buộc với hóa đơn y tế
“Mọi người vẫn nghĩ rằng có một số chương trình cứu trợ hóa đơn y tế dành cho bệnh nhân Covid-19. Nó nào đâu tồn tại chứ”, nhà tâm lý học Jennifer Miller cho biết.
Bản thân bà cũng phải sắp xếp các khoản phí y tế chồng chất của mình vào những thư mục khác nhau.
“Tôi có bằng tiến sĩ nhưng điều này nằm ngoài khả năng của tôi. Tôi thậm chí chưa dám đụng vào đống hóa đơn năm 2021 vì đang bận xử lý hóa đơn năm ngoái”, Miller, người đang chiến đấu với chứng “sương mù não” hậu Covid-19, cho biết.
Người Mỹ mắc các bệnh nghiêm trọng khác thường xuyên đối mặt với những hóa đơn cắt cổ và khó hiểu sau khi điều trị. Đáng lẽ, bệnh nhân Covid-19 không phải chịu cảnh tương tự.
Khi các bác sĩ và bệnh viện chấp nhận các khoản cứu trợ, Quốc hội đã cấm họ không được thanh toán số dư, tức thanh toán khoản bổ sung vượt quá những gì công ty bảo hiểm đã chi trả.
Tuy nhiên, những nỗ lực đó đã thất bại.
Không ít bệnh nhân cảm thấy bị chính bệnh viện cản trở việc dùng bảo hiểm để chi trả viện phí. Ảnh: Reuters. |
Những người có bảo hiểm tư nhân vẫn phải chịu chi phí điều trị và các hóa đơn có thể lên tới hàng chục nghìn USD. Một số khác phải gánh chịu khoản nợ viện phí Covid-19 từ người thân đã mất.
Lauren Lueder, một giáo viên 33 tuổi sống ở Detroit (bang Michigan), đã dùng cạn 7.000 USD tiền tiết kiệm để chi trả cho việc điều trị Covid-19.
“Có những thứ tôi đã nghiên cứu trước và tôi biết mình nên làm gì, nhưng nhiều khi tôi vẫn sợ bị che mắt. Tôi có thể phải trải qua một đống xét nghiệm vô lý, rồi các hóa đơn cứ thế dồn dập. Tôi không có đủ thu nhập để trả cho những khoản thừa đó”, cô cho biết.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân cảm thấy mình bị cản trở bởi bệnh viện khi cố gắng tận dụng các khoản miễn trừ chi phí của công ty bảo hiểm. Cụ thể, bệnh viện không cung cấp mã hóa đơn y tế liên quan đến Covid-19 cho họ. Và nếu không có mã hóa đơn đúng, họ sẽ không được công ty bảo hiểm hỗ trợ viện phí.
Chia sẻ với New York Times, một bệnh nhân ở Chicago đã dành 50 tiếng đồng hồ để cố gắng lấy được mã y tế Covid-19 cho hóa đơn chụp cộng hưởng từ MRI.
Công ty bảo hiểm của anh ta sẽ thanh toán toàn bộ hóa đơn này nếu thành công. Còn không, anh sẽ phải bỏ 1.600 USD để chi trả. Cho đến nay, vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Gia đình của những bệnh nhân qua đời vì Covid-19 sẽ phải chi trả viện phí còn nợ. Ảnh: Reuters. |
Người thân ngập trong nợ nần
Dù không mắc bệnh, gia đình của những bệnh nhân qua đời vì Covid-19 không khỏi choáng ngợp bởi chồng hóa đơn mà người đã khuất để lại.
Rebecca Gale (64 tuổi) mất đi người chồng đã gắn bó với bà suốt 25 năm vào mùa hè năm ngoái. Bảo hiểm của hai người đã chi trả hầu hết hóa đơn y tế khổng lồ mà bà Gale nhận được sau cái chết của chồng.
Tuy nhiên, nó lại chỉ chi trả một phần nhỏ của hóa đơn dịch vụ y tế hàng không trị giá 50.000 USD. Chồng của bà được vận chuyển bằng hình thức này giữa các bệnh viện để chữa trị khi tình trạng bệnh chuyển xấu.
“Tôi khóc mỗi ngày. Trái tim tôi tan nát khi mất chồng, giờ lại phải đối mặt với khoản nợ này nữa”, bà chia sẻ.
Bà Gale đã nghỉ hưu từ năm ngoái để dành nhiều thời gian hơn với chồng. Giờ đây, bà phải tìm một công việc bán thời gian mới để chi trả khoản nợ “trên trời rơi xuống”.
Shubham Chandra quyết định rời bỏ công việc lương cao ở thành phố New York, một phần bởi anh phải xoay xở với hàng trăm hóa đơn y tế sau 7 tháng nằm viện của bố.
Bố của Chandra, một bác sĩ tim mạch, qua đời vì virus SARS-CoV-2 vào mùa thu năm ngoái.
Bà Irena Schulz chấp nhận cơn đau để tránh vào bệnh viện. Ảnh: New York Times. |
Trong nhiều tháng, anh dành 10-20 giờ đồng hồ mỗi tuần để xử lý các khoản phí, sử dụng cả buổi sáng để đọc các hóa đơn mới và buổi chiều để gọi cho các công ty bảo hiểm và bệnh viện.
Bảng tính Excel của Chandra gần đây cho thấy 97 hóa đơn bị phía bảo hiểm từ chối, tương đương 400.000 USD mà gia đình anh mắc nợ. Anh nói với các nhà cung cấp rằng bố mình không còn sống nữa, nhưng các hóa đơn vẫn tiếp tục đội lên.
“Thật khó để chợp mắt khi bạn biết mình nợ nần tới hàng trăm nghìn USD”, anh chia sẻ.
Một số bệnh nhân chấp nhận trì hoãn việc điều trị di chứng hậu Covid-19 do những khoản nợ viện phí chưa thanh toán. Họ sợ rằng bản thân rơi vào tình trạng nợ chồng nợ.
Irena Schulz (61 tuổi), một nhà sinh vật học đã nghỉ hưu sống ở bang South Carolina, dương tính với Covid-19 vào mùa hè năm ngoái.
Sau khi hồi phục, bà gặp nhiều di chứng kéo dài, bao gồm các vấn đề về thính giác và thận. Do đó, mới đây bà phải chi trả 5.400 USD cho máy trợ thính.
Để tránh phải mất thêm tiền, bà Schulz cố gắng tự kiểm soát cơn đau liên quan đến thận của mình tại nhà cho đến khi bà đủ tài chính để đi khám.
“Tôi tiếp tục sử dụng thuốc giảm đau và uống thật nhiều nước, đặc biệt nước ép dứa. Nếu cơn đau vượt qua ngưỡng nhất định, tôi mới đi gặp bác sĩ. Tôi đã nghỉ hưu, chỉ có nguồn thu nhập cố định hàng tháng và có quá nhiều thứ để chi trả”, bà nói.