Đại dịch Covid-19 tới nay đã trực tiếp giết chết hơn nửa triệu người trên khắp thế giới, và những ca nhiễm mới vẫn đang tăng ngày qua ngày.
Một báo cáo gần đây của Oxfam - liên minh quốc tế gồm 17 tổ chức hoạt động tại 94 quốc gia để tìm giải pháp cho nghèo đói và bất công - đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ nghiêm trọng hơn do đại dịch, và nó có khả năng khiến nhiều người chết mỗi ngày hơn là căn bệnh viêm phổi do virus corona gây ra.
Người dân ở Pretoria, Nam Phi xếp hàng chờ được hỗ trợ bữa ăn hôm 20/5. Ảnh: AP. |
12.000 người có thể chết mỗi ngày vì nạn đói
Oxfam cho biết họ ước tính 12.000 người có thể chết mỗi ngày vì nạn đói liên quan đến Covid-19 cho đến cuối năm nay. Để so sánh, số liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy ngày chết chóc nhất của Covid-19 tới nay là hôm 17/4, khi có 8.890 trường hợp tử vong được ghi nhận trên toàn cầu.
"Đại dịch sẽ là giọt nước làm tràn ly cho cuộc sống của những người vốn đang phải vật lộn với tác động của xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và một hệ thống cung cấp thực phẩm sụp đổ, thứ đã khiến hàng triệu nhà sản xuất và công nhân trở nên nghèo đói", ông Jose Maria Vera, giám đốc điều hành tạm thời của Oxfam, nhận định.
Việc mất thu nhập do thất nghiệp hoặc giảm lương, thiếu sự hỗ trợ xã hội cho những người làm công việc tự do, cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm là nguyên nhân khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thức ăn.
Thêm vào đó, việc đóng cửa biên giới, hạn chế di chuyển do đại dịch Covid-19 cũng khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, và cũng khiến các hoạt động viện trợ nhân đạo gặp nhiều khó khăn.
Thách thức mới này cộng với những vấn đề tồn tại lâu dài như chiến tranh, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng thu nhập, sẽ làm nghiêm trọng hơn nạn đói toàn cầu.
Trong buổi công bố báo cáo tóm tắt, Oxfam nêu ra thực tại là những "ông lớn" của ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống như Coca-Cola, Unilever, General Mills đều ghi nhận lợi nhuận lớn trong bối cảnh tương lai lương thực thế giới đang bị đe doạ.
"Tám trong số những công ty sản xuất thực phẩm và đồ uống chi trả 18 tỷ USD cho các cổ đông của họ kể từ đầu năm nay, ngay cả khi đại dịch đang lan rộng toàn cầu - gấp 10 lần con số mà Liên Hợp Quốc ước tính là cần thiết để giúp ngăn chặn nạn đói", báo cáo nhận định.
Theo Oxfam, đại dịch Covid-19 đang đổ thêm dầu vào ngọn lửa đang cháy - đó là cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) thống kê rằng trong năm 2019, tổng cộng 821 triệu người trên thế giới bị thiếu lương thực và 149 triệu người trong số đó thiếu lương thực một cách trầm trọng. Những dự đoán hiện tại cho rằng những người lâm vào tình cảnh thiếu lương thực nghiêm trọng sẽ tăng lên 270 triệu người vào năm 2020, do hậu quả của đại dịch Covid-19, tương đương mức gia tăng 80%.
Báo cáo tóm tắt của Oxfam chỉ ra 10 điểm nóng về khủng hoảng lương thực trên toàn cầu, những nơi mà đại dịch sẽ còn làm tình hình trầm trọng hơn: Yemen, Cộng hoà Dân chủ Congo, Afghanistan, Venezuela, Tây Phi Sahel, Ehiopia, Sudan, Nam Sudan, Syria và Haiti.
Toàn cảnh trại tị nạn ở thị trấn Atma, tỉnh Idlib của Syria. Đại dịch Covid-19 sẽ khiến việc viện trợ thực phẩm cho khu vực như thế này gặp khó khăn. Ảnh: AP. |
Thêm vào đó, những tác động tiêu cực của đại dịch tới an ninh lương thực cũng sẽ được cảm nhận ở những quốc gia có thu nhập trung bình như Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, nơi "những người chỉ đủ sống sẽ bị đẩy xuống bờ vực nghèo đói bởi đại dịch", theo Oxfam.
Brazil và Ấn Độ giờ đây xếp thứ 2 và thứ 3 trong số những nước có nhiều người nhiễm Covid-19 nhất thế giới, đứng sau Mỹ.
Nước giàu cũng chịu ảnh hưởng
Nạn đói không chỉ là vấn đề của các quốc gia kém phát triển mà cũng diễn ra ngay ở nước Mỹ. Chỉ trong tuần qua, 1,3 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, và theo tổ chức Feeding America, 17 triệu người Mỹ có thể thiếu lương thực trong năm 2020 do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Nếu điều này diễn ra, số người gặp khó khăn trong việc tiếp cận thực phẩm ở Mỹ sẽ lên tới 54 triệu người, tương đương với 1 trong mỗi 6 người Mỹ.
"Đây là sự gia tăng 46% vào 37 triệu người vốn đã thiếu thức ăn từ trước Covid-19", Emily Engelhard, giám đốc điều hành của Feeding American, cho biết, dựa theo số liệu năm 2018.
Dựa theo dữ liệu sơ bộ từ cuộc khảo sát mới nhất với các trung tâm hỗ trợ bữa ăn do Feeding American điều hành, 83% các trung tâm này chứng kiến sự gia tăng số lượng người yêu cầu trợ giúp bữa ăn so với cùng kỳ năm ngoái, với mức tăng trung bình khoảng 50%.
Đại dịch cũng bộc lộ những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng thực phẩm của Mỹ. Nhiều ổ dịch Covid-19 bùng phát tại các nhà máy chế biến thịt trên khắp đất nước, gây ra tình trạng thiếu hụt. Thêm vào đó, lao động nước ngoài cũng không thể đến Mỹ theo visa H2-B để tham gia thu hoạch ngũ cốc.
"Chúng ta cần một hệ thống chuỗi cung ứng đa dạng hơn, với nhiều thành phần tham gia hơn để tránh những vấn đề như thế này", ông Miguel Gomez, phó giáo sư về chuỗi cung ứng bền vững tại Trường Kinh tế Ứng dụng của Đại học Cornell, nhận định.
Giáo sư Gomez cho biết ông không bất ngờ với những cảnh báo có phần u ám của Oxfam, nhưng ông cũng lạc quan rằng chúng ta có thể tránh được kịch bản tồi tệ nhất.
"Rõ ràng là hệ thống phân phối thực phẩm của chúng ta có sự bất bình đẳng rất lớn. Về lâu dài điều quan trọng là chúng ta cần phải chuyển trọng tâm từ việc chỉ tập trung tối đa vào hiệu quả và tối đa hoá lợi nhuận sang một hệ thống sản xuất và phân phối thực phẩm công bằng, linh hoạt hơn", ông Gomez nói thêm.
Việc thu hoạch trái cây và ngũ cốc của Mỹ bị ảnh hưởng do phụ thuộc nhiều vào lực lượng lao động thời vụ nước ngoài. Ảnh: AP. |
Giáo sư cho rằng trong ngắn hạn, vai trò của chính phủ các quốc gia là rất quan trọng trong việc bình ổn giá và phân phối thực phẩm một cách công bằng.
"Chúng ta không nên quên tầm trọng của chính sách công và chủ động trong việc đảm bảo sự ổn định giá cả của hàng hoá cơ bản", ông Gomez cho biết thêm.