Ukraine từ lâu bị xáo trộn bởi nhiều biến cố: xung đột ở miền Đông, bán đảo Crimea bị Nga sáp nhập đến nạn tham nhũng tràn lan và nền kinh tế khó khăn… Bởi vậy, cũng dễ hiểu vì sao người dân ở đây ít chú ý đến những người phụ nữ ở bên ngoài ô cửa sổ tàu hỏa. Trong ảnh, nữ nhân viên tuần tra tàu hỏa đi qua Ukraine. |
Những người quanh năm suốt tháng giữ an toàn ở các điểm giao cắt của đường ray xe lửa với đường bộ. Nhiệm vụ của họ là vẫy cờ vàng ra dấu cho kỹ sư tàu hỏa rằng đoạn đường phía trước an toàn. |
Khoảng 80% nhân viên gác chắn và nhân viên an toàn đường sắt ở Ukraine là phụ nữ. Họ đảm nhiệm những ca làm việc dài trong các trạm gác chắn nhỏ nhắn bên cạnh đường ray. |
Các trạm này đơn giản nhưng không hề đơn sơ và giống ngôi nhà hơn là văn phòng. Chúng có đầy đủ nội thất cơ bản như: bàn làm việc, ghế đệm, xe đạp, rèm cửa và cả cây cảnh. Thậm chí, một vài chỗ còn có cả chó, mèo. |
Có trạm gác chắn được kế thừa từ thời Liên Xô, số khác được xây dựng sau khi Ukraine độc lập. |
Đến nay, khi các nút giao đường sắt với đường bộ có thể hoạt động tự động, thì những nhân viên gác chắn vẫn đứng đó. Họ hoạt động như một lớp an toàn mà công ty đường sắt nhà nước Ukraine vẫn cho là cần thiết, theo New York Times. |
Phóng viên Sasha Maslov của New York Times cho biết đa số những người phụ nữ anh gặp đều tỏ ra vui mừng vì được quan tâm và chụp ảnh. Thường thường, công việc của họ không được chú ý đến ngay cả khi xuất hiện trên TV. Chỉ số ít người không cảm thấy thoải mái khi việc họ làm được chú ý đến. |
Điều đặc biệt là nhân viên gác chắn phải dành phần lớn thời gian trong cô độc. Cứ mỗi 2-3 ngày, họ lại túc trực 1 ca 12 tiếng, tùy thuộc vào vị trí công việc. |
Hiếm khi tại các ngôi làng nhỏ, trạm gác chắn có thể trở thành trung tâm của sự chú ý. Khi đó, các nhân viên sẽ được người dân chào hỏi và dành vài phút để trò chuyện. |
Nhân viên gác chắn được trả thù lao 8.000 hryvnia, tương đương gần 300 USD mỗi tháng. Đường sắt Ukraine là doanh nghiệp của nhà nước và công việc của họ là phục vụ nhà nước. |
Sau cuộc chiến năm 2014, khi phe ly khai được Nga hậu thuẫn chiếm giữ lãnh thổ ở miền Đông Ukraine, tỷ lệ tội phạm đã gia tăng trên khắp cả nước và một số trạm gác chắn đường sắt bị phá hoại. Kể từ đó, một vài trạm đã được lắp khung sắt bao quanh. |
Trong khi đất nước và thế giới vật lộn với đại dịch Covid-19, một tình huống nghiêm trọng khẩn cấp, thì những người phụ nữ vẫy cờ vàng vẫn âm thầm làm việc mỗi ngày. |
Trong “cơn bão” dịch bệnh, người ta sẽ khó nhìn thấy thấy ngọn hải đăng. Những “người phụ nữ đường sắt Ukraine” được ví với ngọn hải đăng: biểu tượng cho sự trường tồn theo thời gian. Họ không hề lung lay trước những chuyến tàu và cả dòng thời gian trôi, họ vẫn ở lại đó. |