Mới đây, tổ chức đầu tư của Standard Chartered (Standard Chartered Private Equity - SCPE) công bố đã bỏ ra 35 triệu USD để mua lại một lượng lớn cổ phần thiểu số trong công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cổng Vàng, chủ của chuỗi nhà hàng món ăn châu Á lớn nhất tại Việt Nam.
Đây là khoản đầu tư đầu tiên tại Việt Nam của SCPE và cũng là giao dịch gần đây nhất, bổ sung vào danh mục đầu tư sâu rộng của SCPE ở Đông Nam Á.
Chia tay Mekong Capital
Trước SCPE, Cổng Vàng đã lọt vào tầm ngắm của Quỹ Mekong Enterprise Fund II Ltd (Mekong Capital) và tháng 4/2008, quỹ này đã đầu tư 2,6 triệu USD vào Cổng Vàng, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ gần 10%. Sự kiện này diễn ra chỉ sau chưa đầy 3 năm Cổng Vàng được thành lập bởi 3 người bạn ở độ tuổi 30 là Đào Thế Vinh, Nguyễn Xuân Tường và Trần Việt Trung (tháng 8/2005).
Cổng Vàng hiện có 67 nhà hàng đang hoạt động dưới 11 thương hiệu. |
Thời điểm ấy, Cổng Vàng đã trở thành chuỗi nhà hàng lẩu nấm tiên phong và dẫn đầu tại Việt Nam dưới thương hiệu Ashima. Những nhà hàng chuyên biệt theo chuỗi như của Cổng Vàng thường lấy ý tưởng từ nước ngoài, và sau đó cải tiến theo kiểu Việt Nam để thích ứng với thị hiếu khách hàng. Điểm đặc trưng của Ashima là sự kết hợp giữa khái niệm ẩm thực mới với phong cách phục vụ độc đáo.
Cần phải nhắc lại là, thời điểm Cổng Vàng thành lập chính là lúc ngành hàng tiêu dùng Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các quỹ đầu tư. Cùng với công ty cổ phần Sản xuất hàng gia dụng quốc tế (ICP), Cổng Vàng trở thành cái tên khiến Mekong Capital hào hứng muốn rót tiền vào Việt Nam.
Ngược lại, ông chủ Cổng Vàng cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội có được nguồn vốn từ các quỹ này để thực hiện những kế hoạch táo bạo cho việc mở rộng thị phần, thay vì cứ phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng. Không chỉ vậy, với việc kết nối với các quỹ đầu tư, Cổng Vàng còn được rất nhiều giá trị gia tăng khác.
Theo ông Chad Ovel, Phó tổng giám đốc Mekong Capital, thế mạnh lớn nhất của Cổng Vàng nằm ở đội ngũ nghiên cứu sáng tạo. Đội ngũ này đã liên tục cho ra đời nhiều thương hiệu chỉ trong thời gian ngắn. Thêm vào đó, trong khi các thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam thông qua con đường nhượng quyền thương hiệu (franchise) với khoản kinh phí lớn mà chỉ số ít doanh nghiệp, cá nhân trong nước có thể mua được, thì Cổng Vàng lại tự tạo ra cho mình các thương hiệu với mô hình kinh doanh chuyên biệt giống nước ngoài.
Ngoài khoản đầu tư 2,6 triệu USD, Mekong Capital có những đóng góp giúp Cổng Vàng đi đúng hướng và tăng trưởng nhanh chóng hơn. Cụ thể, Mekong Capital đã hỗ trợ mời cựu CEO chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh KFC khu vực châu Á về làm cố vấn cho Cổng Vàng. Nhờ đó, công ty này đã củng cố lại chuỗi cung ứng, giúp giảm đáng kể chi phí nguyên liệu đầu vào.
Từ 5 nhà hàng tại thời điểm Mekong Capital đầu tư, Cổng Vàng đã thực sự thăng hoa với 67 nhà hàng đang hoạt động dưới 11 thương hiệu, gồm: Ashima - chuỗi nhà hàng lẩu nấm đầu tiên tại Việt Nam, Kichi-Kichi - chuỗi nhà hàng lẩu băng chuyền, SumoBBQ - chuỗi nhà hàng nướng và lẩu, Vuvuzela - nhà hàng bia tươi và các món ăn đặc trưng của các quốc gia, Isushi - nhà hàng món ăn Nhật Bản tự chọn được phục vụ tại bàn, Ba Con Cừu - chuỗi nhà hàng lẩu cừu non Mông Cổ, Phố ngon 37 - chuỗi nhà hàng món ăn đường phố trong không gian thuần Việt mang hơi hướng hiện đại, Daruma - nhà hàng theo phong cách Nhật Bản, Gogi House - chuỗi nhà hàng BBQ theo phong cách Hàn Quốc, City Beer Station - không gian thưởng thức bia gần gũi và iCook - đồ ăn Nhật Bản giao hàng tận nơi.
Tăng trưởng doanh thu năm 2008 của Cổng Vàng đạt trên 100% và giữ ở mức 25%/năm trong suốt giai đoạn 2010-2013. Dự báo trong giai đoạn 2014-2016, tăng trưởng doanh thu bình quân của công ty này sẽ ở mức 32%. Hiện việc kinh doanh năm 2014 của Cổng Vàng đã vượt trên 50% so với kế hoạch (đạt 150% kế hoạch năm).
Mới đây, Mekong Capital đã công bố thoái vốn tại Cổng Vàng và thu về tỷ lệ hoàn vốn thuần là 9,1 lần và tỷ suất hoàn vốn nội bộ gộp là 45,1% trên tổng số trái phiếu mà Quỹ bán ra. “5 năm là thời gian mà Mekong Capital cam kết phải thoái vốn và trả tiền cho các nhà đầu tư của mình. Hơn nữa, khi đã đạt được nhiều giá trị trong quá trình đầu tư, chúng tôi cảm thấy đây là cơ hội tốt mang lại lợi nhuận cho quỹ”, ông Chad Ovel, Phó tổng giám đốc của Mekong Capital giải thích.
Kỳ vọng mối lương duyên mới
Chia tay Mekong Capital, Cổng Vàng “kết duyên” với SCPE. Đây là tổ chức chuyên tham gia mua bán, sáp nhập, mở rộng doanh nghiệp và tài trợ mua lại cổ phần từ các cổ đông hiện hữu. Tổ chức này đã đầu tư gần 6 tỷ USD vào hơn 100 công ty ở các thị trường mà Standard Chartered hoạt động. Sau khi các thủ tục của thương vụ này hoàn tất, ông Bert Kwan, Giám đốc khu vực Đông Nam Á (trừ Indonesia) và đồng nghiệp Lee Tjen Chew sẽ tham gia HĐQT của Cổng Vàng
Ông Nguyễn Cao Trí, Giám đốc Thương hiệu Cổng Vàng cho biết, Standard Chartered là ngân hàng có tiềm lực về tài chính vững mạnh, có tầm nhìn cho sự phát triển lâu dài và có những kinh nghiệm, kiến thức có thể đóng góp cho Cổng Vàng có những định hướng đúng và phát triển bền vững.
Trong khi đó, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam kỳ vọng, kế hoạch tăng trưởng nhiều tham vọng của Cổng Vàng sẽ giúp Standard Chartered dễ dàng khai thác các cơ hội kinh doanh sẵn có tại Việt Nam. Tham vọng của hai bên trong mối lương duyên này là nâng tổng giá trị Cổng Vàng lên 200 triệu USD vào năm 2018. Báo chí nước ngoài đã đưa tin về điều này, dù Cổng Vàng không xác nhận con số mục tiêu đó.
Để thực hiện mục tiêu trên, với sự trợ giúp của SCPE, Cổng Vàng sẽ phát triển lên 15 mô hình kinh doanh, với tổng cộng khoảng 200 nhà hàng được mở tại thị trường Việt Nam, chủ yếu là tại Hà Nội và TP.HCM. Năm 2015, các mô hình kinh doanh nhà hàng mới vẫn tập trung tại TP.HCM và Hà Nội. Riêng các mô hình cũ như Vuvuzela, Kichi-Kichi, Gogi House, Sumo BBQ sẽ phát triển ra ngoài khu vực trung tâm và các tỉnh, thành phố khác.
Mục tiêu là vậy, nhưng những thách thức mà Cổng Vàng sẽ phải đối mặt cũng không phải là ít, khi các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ăn uống, đồ ăn nhanh đang đổ vốn vào Việt Nam qua nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra, hệ thống các trung tâm thương mại của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan cũng bùng nổ trở lại kéo theo chuỗi các nhà hàng của họ.
Tuy nhiên, ông Trí cho rằng, một thị trường có nhiều đối thủ với nhiều thách thức mới hấp dẫn để phát triển và Cổng Vàng thấy rất rõ cơ hội phát triển tại đây. “Với những mô hình kinh doanh của nước ngoài, khi vào bất cứ thị trường nào, họ cũng có lợi thế về nhãn hiệu, việc vận hành theo hệ thống tốt hơn. Nhưng chúng tôi tự tin với sự am hiểu thị trường nhiều hơn và hệ thống vận hành ổn định mà chúng tôi đã có kinh nghiệm phát triển gần 10 năm qua ở thị trường Việt Nam”, ông Trí nói.
Cổng Vàng sẽ chú trọng vào khách hàng mục tiêu là giới trẻ, công chức văn phòng. Tuy nhiên, để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, trong kế hoạch phát triển của mình, ngoài việc mở rộng các nhà hàng hiện tại, Cổng Vàng cũng nghiên cứu mô hình mới mở rộng phân khúc thị trường với mức giá vừa phải cho khách hàng, phục vụ nhiều hơn mong đợi của khách hàng bình dân theo nhu cầu tần suất bữa ăn hàng tuần, hàng ngày…
Được biết, sau khi có hệ thống cửa hàng ổn định, cách đây 2 năm, Cổng Vàng đã thực hiện chiến lược nhượng quyền thương hiệu với riêng chuỗi cửa hàng lẩu nấm Ashima ở thị trường trong và ngoài nước. Song do ở Việt Nam, khung pháp lý, thói quen của người dân chưa thực sự sẵn sàng cho nhượng quyền và cũng từng thất bại ở thị trường Singapore, nên Cổng Vàng thận trọng hơn trong chiến lược này.
Như vậy, dù không xác nhận mục tiêu tham vọng nâng giá trị Cổng Vàng lên 200 triệu USD trong vòng 5 năm tới với sự trợ giúp từ Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, nhưng cả hai bên đều đang chuẩn bị lộ trình cho chuyến đi không dễ ăn này.