“Xin lỗi, bạn đã bị chấm dứt hợp đồng” - câu nói quen thuộc trong thông báo sa thải nhân viên - bị một số công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc thay thế bằng “Chúc mừng, bạn đã tốt nghiệp”.
Câu nói gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong bối cảnh ngành này liên tục cắt giảm việc làm trên diện rộng, theo SCMP.
"Bạn đã tốt nghiệp"
Bức xúc trước vấn đề này, một số nhân viên của gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com và nền tảng video Bilibili đã chia sẻ nội dung thư lên mạng xã hội.
Những người từng và đang làm cho hai công ty trên còn nói thêm rằng câu “chúc mừng tốt nghiệp” được mặc định áp dụng cho cả người tự nguyện nghỉ việc.
Một công nhân chuẩn bị gói hàng để giao hàng tại trung tâm phân phối JD.com. Ảnh: AFP. |
Phản ứng của người dùng trên mạng xã hội cho thấy sự bức xúc chung. Tài khoản có tên Shuaishixiong mỉa mai rằng JD.com “quá hào phóng vì đã trả tiền cho nhân viên nhưng không yêu cầu đóng học phí”. Một người dùng khác có tên Maoxiaogun đặt câu hỏi tại sao một nhân viên bị sa thải lại nên được chúc mừng.
Song, có những người chấp nhận việc các công ty sử dụng từ ngữ này. Một người dùng tên Nann nói rằng ai không còn làm việc cho JD.com nữa, với bất kể lý do gì đều nhận được thông báo “tốt nghiệp”.
“Kinh nghiệm làm việc mà một người nhận được trước khi nghỉ việc không được tính là sự phát triển của bản thân sao”, người này bình luận.
JD.com và Bilibili đều chưa đưa ra phản hồi sau khi tranh cãi nổ ra.
Việc cho nhân viên thôi việc và gửi thông báo "chúc mừng tốt nghiệp" vấp phải phản đối. Ảnh: Sixth Tone. |
Một năm sóng gió của ngành công nghệ
Việc coi đồng nghiệp làm việc là “bạn cùng trường” là một phần văn hóa tại nhiều công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả ByteDance, chủ sở hữu TikTok, với mục đích thu hẹp khoảng cách giữa quản lý cấp cao và nhân viên.
Trên thực tế, gọi việc bị sa thải là tốt nghiệp không xuất hiện ở riêng ngành công nghệ ở Trung Quốc. Năm 2016, một nhà phát triển phần mềm tại Mỹ đã sử dụng từ ngữ tương tự khi đuổi việc nhân viên.
Việc sa thải tại JD.com chủ yếu đến từ các công ty con, với tỷ lệ cắt giảm 10-20%, theo 36Kr. Còn Bilibili bắt đầu cho thôi việc từ cuối năm ngoái và chủ yếu nằm ở mảng kinh doanh trò chơi, với gần 20% người lao động bị sa thải, theo The Paper.
Song rất ít công ty công nghệ ở nước này thừa nhận chuyện đang cho nhân viên nghỉ việc hàng loạt bởi dễ dẫn đến sự can thiệp của các cơ quan quản lý lao động và bị coi là dấu hiệu cho sự đi xuống, yếu kém của doanh nghiệp.
Nhiều công ty công nghệ ở Trung Quốc đang thu hẹp quy mô và sa thải nhân viên hàng loạt. Ảnh: China Daily. |
Chiến dịch kéo dài 1 năm của Bắc Kinh nhắm vào các công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc đã giáng đòn nặng nề vào việc làm ăn và phủ bóng đen lên thị trường việc làm của ngành này.
Các nhà quản lý Trung Quốc đã tiến hành một cuộc đàn áp không ngừng đối với các công ty công nghệ lớn.
Một loạt quy tắc mới được thiết lập để hạn chế việc lạm dụng quyền của người dùng, các hoạt động độc quyền và vi phạm quyền riêng tư dữ liệu, cũng như nhằm mục đích bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi chứng nghiện chơi game và hạn chế nội dung bị coi là có hại cho xã hội.
Hai công ty công nghệ lớn nhất của đất nước, Alibaba Group Holding, với hơn 250.000 nhân viên và Tencent Holdings, với 107.000 nhân viên, được cho là đang trong quá trình cắt giảm hàng nghìn nhân sự.
Năm 2021, JD.com báo cáo lợi nhuận là 4,1 tỷ nhân dân tệ (600 triệu USD), giảm 66,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù doanh thu tăng 27,6%, lên 951,6 tỷ nhân dân tệ.
Còn Bilibili, khoản lỗ đã tăng hơn 2 lần, lên 6,8 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái. Tổng doanh thu tăng 62%, lên 19,4 tỷ nhân dân tệ, song doanh thu ở mảng ứng dụng trò chơi di dộng chỉ tăng 6%.