Airship Initiative Design Bureau Aerosmena (Aerosmena), nhà sản xuất khinh khí cầu của Nga đang lên kế hoạch giới thiệu loại khinh khí cầu hình đĩa bay, có thể chở tối đa 600 tấn hàng trên trời vào năm 2024. |
Theo Interesting Engineering, cha đẻ của ý tưởng là Orfey Kozlov, nhà thiết kế máy bay giàu kinh nghiệm của Nga (đã qua đời do Covid-19). Khinh khí cầu có thể bốc dỡ hàng hóa trực tiếp từ bất cứ đâu mà không cần cảng biển, đường bộ hay sân bay. Hệ thống ròng rọc còn cho phép thiết bị lấy hàng ngay trên biển. |
“Quy trình vận chuyển hàng hóa sử dụng (thiết kế) này rất đơn giản, giúp giảm chi phí hậu cần và kho bãi”, Sergei V. Bendin, CEO Aerosmena nói rằng chi phí vận hành khinh khí cầu này trong một giờ sẽ “thấp hơn đơn hàng tương tự được vận chuyển bằng máy bay vận tải”. |
Khinh khí cầu chở hàng của Aerosmena có thiết kế khá giống đĩa bay UFO giúp dễ dàng di chuyển, hạ cánh theo hướng gió so với hình dạng thuôn dài truyền thống. Nó cũng đơn giản hóa việc chở hàng qua những địa hình hiểm trở, giúp dập lửa nếu có cháy rừng. |
Aerosmena dự kiến tạo ra nhiều phiên bản khinh khí cầu với tải trọng từ 20-600 tấn, quãng đường đi tối đa 8.000 km với tốc độ lên đến 250 km/h. |
Thiết kế khinh khí cầu gồm 2 buồng khí cung cáp lực nâng. Phiên bản 600 tấn sẽ chứa 620.000 m3 khí helium, bên cạnh khoang không khí được làm nóng với nhệt độ 200 độ C. |
Theo Bendin, mục tiêu đầu tiên của Aerosmena là chế tạo phiên bản khinh khí cầu với tải trọng 60 tấn, sau đó đánh giá kỹ thuật để tạo ra những khinh khí cầu với tải trọng lớn hơn. |
CEO Aerosmena còn tiết lộ công ty đang phát triển khinh khí cầu chở người, tham vọng trở thành phương tiện giúp con người du lịch quanh thế giới trong khách sạn bay sang trọng. |
Aerosmena không phải công ty duy nhất nuôi tham vọng phát triển khinh khí cầu khổng lồ. Hybrid Air Vehicles, một công ty máy bay của Anh đã sản xuất và cho hoạt động khinh khí cầu Airlander 10. Sergey Brin, đồng sáng lập Google cũng đầu tư 150 triệu USD để sản xuất khinh khí cầu kích thước lớn. Ảnh: Airlander. |