Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công ty Mỹ nhái súng chống tăng huyền thoại của Nga

Sự hiệu quả của súng chống tăng cá nhân RPG-7 đã khiến một công ty của Mỹ sao chép loại vũ khí này để xuất khẩu.

Trong một cuộc diễu hành quân sự được tổ chức vào ngày 29/07/2013 tại Thủ đô Lima của Peru nhân kỷ niệm 192 năm ngày độc lập, một loại vũ khí đã lần đầu tiên xuất hiện. Nhiều người bất ngờ bởi nó là một vũ khí cá nhân tiêu chuẩn của Nga nhưng lại do một công ty Mỹ sản xuất.

 

Lực lượng đặc biệt quân đội Peru với súng phóng lựu chống tăng cá nhân RPG-7 do công ty Airtronic USA của Mỹ sản xuất.

Loại vũ khí gây bất ngờ là súng chống tăng cá nhân RPG-7 của Nga, nhưng do công ty Airtronic USA Inc của Mỹ sản xuất. Điểm khác biệt giữa hai loại này là vật liệu chế tạo. RPG-7 của Nga có phần bọc ống phóng đoạn tỳ trên vai được làm bằng gỗ trong khi phiên bản do Mỹ sản xuất có ốp tỳ vai bằng vật liệu tổng hợp. RPG-7 do Mỹ sản xuất có thêm đường ray ở phía trên để người sử dụng lắp thêm các loại kính ngắm tùy thuộc vào nhiệm vụ và điều kiện tác chiến. 

 

Biến thể RPG-7 do Mỹ sản xuất trông khá hiện đại theo đúng kiểu phong cách Mỹ với nhiều thiết bị hỗ trợ tác chiến công nghệ cao.

Súng RPG-7 của Mỹ có chiều dài 909 mm và khối lượng 6,35 kg, còn phiên bản của Nga có chiều dài 950 mm và khối lượng 7 kg. Súng của Mỹ có thể sử dụng tất cả các loại đạn RPG-7 khác do Nga hay một số quốc  gia khác sản xuất.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, RPG-7 do Mỹ sản xuất được đánh giá có độ chính xác cao hơn, phạm vi hiệu quả xa hơn, các loại kính ngắm quang học trên RPG-7 của Mỹ có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 1.000 mét. Độ xuyên giáp của RPG-7 do Mỹ sản xuất vẫn chưa được công bố nhưng chắc chắn không hề thua kém sản phẩm của Nga.

 

Vũ khí được thiết kế theo kiểu "nhà nghèo" của Nga mang lại hiệu quả cao đến mức "nhà giàu" như Mỹ cũng phải học theo.

Việc một công ty sản xuất vũ khí của Mỹ sao chép lại súng chống tăng cá nhân RPG-7 của Nga cho thấy hiệu quả của RPG-7 đã được công nhận ở mức độ toàn cầu.

Mỹ vốn coi nhẹ các sản phẩm vũ khí theo kiểu “con nhà nghèo” của Nga và luôn tự hào với các loại vũ khí công nghệ cao nhưng khó sử dụng và có chi phí sản xuất cao của họ. Điều này khẳng định một chân lý: Giá trị của mọi vũ khí không phụ thuộc vào công nghệ và chi phí để tạo ra nó, mà phụ thuộc vào giá trị sử dụng của nó trong thực chiến. Hiệu quả cao, chi phí thấp chính là thước đó cho mọi vũ khí và RPG-7 chính là một minh chứng cho điều đó. 

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm