Trước đó, sản phẩm cháo ăn liền của Breakfast Cure được quảng cáo là "cải tiến món ăn của người châu Á", theo South China Morning Post. Công ty này được thành lập vào năm 2017 bởi Karen Taylor, một phụ nữ da trắng tại Mỹ.
Trong bài đăng có tiêu đề "Làm thế nào tôi phát hiện điều kỳ diệu ở món cháo và cải thiện nó", Taylor giải thích mình đã dành nhiều thời gian để hiện đại hóa món cháo cho "hợp khẩu vị người phương Tây".
Quảng cáo "cải tiến món cháo của người châu Á" bị chỉ trích là xúc phạm văn hóa. Ảnh: Insider. |
"Tôi đã dành hơn 20 năm thử tất cả cách kết hợp khác nhau để cho ra loại thực sự ngon, tổng hợp các ưu điểm chữa bệnh từ công thức cũ, tốt cho sức khỏe và phù hợp với cuộc sống hiện đại của chúng ta", cô nói.
Sự việc bị cộng đồng người gốc châu Á và Thái Bình Dương (AAPI) tức giận và phản ứng gay gắt.
Họ chỉ trích ngôn từ sử dụng trong quảng cáo mang tính xúc phạm và gọi đây là ví dụ cho việc các doanh nghiệp phương Tây "khám phá văn hóa châu Á và chiếm đoạt nó để bán cho khách hàng".
Sau khi bị phản đối, phía Breakfast Cure đã thay đổi tiêu đề và nội dung bài viết gây phản cảm. Đại diện công ty gửi lời xin lỗi, đồng thời bày tỏ hối tiếc vì sự việc gây hiểu nhầm.
"Chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về bất kỳ nội dung nào xuất hiện trên trang web hoặc trong các hoạt động tiếp thị. Chúng tôi đã sửa sai và rút ra bài học lần này. Không chỉ tạo ra những bữa ăn sáng ngon miệng, công ty muốn thể hiện sự ủng hộ tới cộng đồng AAPI", phía đơn vị kinh doanh này cho biết.
Hình ảnh về món cháo đóng gói sẵn trong Breakfast Cure được quảng cáo trên mạng xã hội. Ảnh: Instagram. |
Sự việc bị người gốc Á so sánh với The Mahjong Line, một công ty chuyên về mạt chược có trụ sở tại Dallas, do 3 phụ nữ da trắng thành lập. Vụ việc cũng bị chỉ trích là chiếm đoạt trò chơi điển hình của người Trung Quốc.
Công ty này cho hay thiết kế ra loại quân bài mới bởi loại truyền thống "tuy đẹp nhưng đều giống nhau".
"Phía công ty thực phẩm và công ty mạt chược đều giống nhau. Tại sao người da trắng cứ lấy những thứ bình thường ở của người châu Á rồi hành động như thể họ đã khám phá ra điều mới mẻ và bán phiên bản đó với giá gấp 5 lần?", một người dùng mạng bày tỏ bức xúc.
"Lấy cảm hứng từ cháo, nhưng món ăn đó lại làm từ bột yến mạch. Tôi mong họ hãy dừng lại", một người khác bình luận.
Năm ngoái, show truyền hình BBC Food khiến người xem châu Á tranh cãi vì video hướng dẫn làm cơm chiên. MC Hersha Patel không vo gạo, đổ nước nấu thẳng. Khi cơm gần chín, cô đổ toàn bộ ra rổ rồi bắt đầu rửa cơm với nước lạnh.
Nhà sản xuất chương trình sau đó bị chê trách là không nghiên cứu kỹ ẩm thực châu Á trước khi quay hình.