Là những người điều hành các công ty giải trí, phòng trà, đạo diễn MV Gin Trần, nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, Nguyễn Minh Cường thừa nhận thiệt hại nghiêm trọng vì dịch. Tuy nhiên, họ luôn giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ các quy định giãn cách xã hội với hy vọng sớm dập được dịch bệnh để ổn định cuộc sống và tiếp tục thực hiện các kế hoạch nghệ thuật còn dang dở.
Công ty giải trí không có doanh thu
Chia sẻ với Zing, Châu Đăng Khoa cho biết không riêng Super Brothers mà công ty giải trí nào cũng đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Giải trí vốn là ngành ảnh hưởng sớm nhất nhưng gần như phục hồi trễ nhất nên khó khăn càng tăng. Show diễn, mọi hoạt động bị đóng băng dẫn đến thu nhập bằng 0 nhưng vẫn phải trang trải chi phí vận hành công ty, trả lương nhân viên, đầu tư sản phẩm.
Châu Đăng Khoa cho biết trong 2 tháng qua công ty anh hoàn toàn không có doanh thu. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ bỏ tiền túi để trả lương cho nhân viên. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu công ty giảm 100%. Châu Đăng Khoa có thu nhập từ tiền bản quyền âm nhạc nhưng 3 tháng mới được nhận một lần và con số không đáng kể.
“Công ty hiện duy trì bằng tiền tiết kiệm tôi dành dụm bấy lâu. Tôi vẫn trả lương đầy đủ cho nhân viên dù gần như công ty không có hoạt động gì. Hơn ai hết, tôi hiểu được các bạn đều sống nhờ đồng lương này, nếu cắt giảm họ rất khó khăn. Tôi không nỡ nên ráng cầm cự được đến đâu hay đến đó".
Châu Đăng Khoa dùng tiền tiết kiệm để duy trì công ty. Ảnh: NVCC. |
Đạo diễn Gin Trần - giám đốc DreamS Production quản lý Cara, JSol, Hoàng Duyên - cho biết công ty anh rơi vào tình huống tương tự.
“Khi Covid-19 kéo dài, công ty tôi cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Hầu hết dự định bị hoãn lại và thu nhập không có. Tất cả lịch trình, dự án công ty thực hiện cho nhãn hàng, nghệ sĩ bên ngoài đều bị hoãn không có thời hạn. Kinh tế công ty giảm 1/2 so với năm ngoái vì nhiều dự án chưa thực hiện được”, đạo diễn nói.
Gin Trần cho biết vẫn cố gắng trả lương đầy đủ để hỗ trợ nhân viên tốt nhất về cả vật chất lẫn tinh thần. Theo đạo diễn, đây là điều quan trọng để cùng nhau vượt qua mùa dịch này.
Linh hoạt theo dịch
Công ty Châu Đăng Khoa ấp ủ nhiều kế hoạch trong năm 2021. Dịch bệnh bùng phát khiến mọi dự án đã lên kế hoạch phải dời lại và chưa thể xác định thời gian cụ thể. Theo Châu Đăng Khoa, tình hình chung hiện tại của giới nghệ sĩ là không mấy ai dám đầu tư lớn hay phát hành sản phẩm.
“Mọi người hiện tại tập trung chống dịch. Lúc này không gì quan trọng hơn là chấp hành tốt mọi chỉ thị, quy định giãn cách. Vừa qua, tôi cũng tham gia điều phối vaccine, giúp đỡ mọi người ở nhà thi đấu Phú Thọ. Bên cạnh đó, tôi dành thời gian học thêm vài thứ, đọc sách nhiều hơn và tập trung sáng tác ra nhiều ca khúc hay. Cuộc đời đưa cho ta trái chanh thì ta vắt nước uống vậy”, nhạc sĩ Người lạ ơi bày tỏ.
Đạo diễn Gin Trần điều chỉnh các kế hoạch trong công ty. |
Với các kế hoạch của DreamS Production, Gin Trần chọn phương án linh hoạt theo dịch. Thay vì đầu tư dự án quy mô lớn, anh tính toán lại và thực hiện những hoạt động nhỏ hơn, trên mạng xã hội để phù hợp với bối cảnh giãn cách lại kiếm thêm thu nhập.
Hai dự án âm nhạc gần nhất của công ty là Sài Gòn hôm nay mưa và Độc thân được sản xuất từ trước thời điểm dịch bùng ra nhưng mọi kế hoạch quảng bá, truyền thông phải làm theo cách mới. Công ty áp dụng phương pháp livestream từ xa, quảng bá social chứ không trực tiếp như trước. Thu nhập của nghệ sĩ cũng thay đổi, từ những show diễn, quay quảng cáo thành clip nhỏ tự sản xuất, hình tự chụp trên các nền tảng mạng xã hội.
Trong thời điểm dịch, việc chuẩn bị sản phẩm mới và tham gia cuộc thi The Heroes của 2 nghệ sĩ trong công ty là Cara, Jsol cũng khó khăn hơn. Đầu tiên là về việc cân đối tài chính để có thể có sự trải dài về công việc. Tiếp đến là lịch trình tập luyện, những công việc hỗ trợ phát triển hình ảnh nghệ sĩ trong giai đoạn này. Mọi thứ đều phải linh hoạt trong những hướng đi mới hoàn hoàn.
“Hậu quả của dịch khó có thể tránh khỏi, nên thay vì lo lắng, tôi nghĩ cứ linh hoạt theo nó. Tôi xem nó như bài toán chung phải giải với mọi người. Điều đầu tiên cần làm là có một tinh thần thư giãn và sự nhanh nhạy quyết đoán của lý trí”, đạo diễn Gin Trần nhận định.
Phòng trà đóng cửa
Trước khi dịch bệnh bùng phát, phòng trà là tụ điểm âm nhạc quen thuộc với khán giả ở TP.HCM. Các minishow với quy mô khán giả khoảng 100-150 người diễn ra hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Từ cuối tháng 5, khi dịch bệnh bùng phát, hàng loạt phòng trà phải đóng cửa. C-Show của nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường là một trong số đó.
Nhạc sĩ Hoa nở không màu cho biết trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, phòng trà của anh hoạt động tốt, mỗi tuần diễn ra 2-4 minishow của ca sĩ với lượng khán giả mỗi đêm khoảng 100-150 khán giả. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho nghệ sĩ, khán giả và cả nhân viên nên anh quyết định tạm dừng kinh doanh.
Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường. Ảnh: NVCC. |
Theo nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường, anh cùng các đồng nghiệp trong ngành giải trí gần như "thất nghiệp" trong giai đoạn này.
“Kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng, vừa phải cố gắng giữ phòng trà để sau khi hết dịch hoạt động lại, vừa lo cho gia đình nên cũng vất vả”, anh chia sẻ.
Trước câu hỏi về việc trả lương cho nhân viên trong phòng trà giữa bối cảnh dịch bệnh, nhạc sĩ trả lời: “Hiện tại, số lượng nhân viên phải cắt bớt để phù hợp với mức duy trì kinh tế cho phòng trà. Phòng trà đang ngưng hoạt động nên các nhân viên còn lại cũng đồng ý không nhận lương trong thời điểm này”.
Về phương án khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, anh chia sẻ: “Trước mắt phải đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. Chắc chắn thiệt hại trầm trọng nhưng tôi rất tin tưởng vào năng lực và sự chỉ đạo của nhà nước. Dịch sẽ sớm được dập tắt, sau đó tôi đẩy mạnh lại các hoạt động của phòng trà để phục vụ khán giả”.
Chị Huyền Thương - chủ một phòng trà khác của TP.HCM - cũng phải cắt giảm nhân viên.
Chị chia sẻ việc khó khăn nhất lúc này là phải chọn lựa giữa cứu doanh nghiệp và nhân sự. “Không trả lương thì thương nhân sự thất nghiệp nhưng hỗ trợ lương cũng chỉ cầm cự được vài tháng chứ lâu dài thì phá sản. Hiện tại, những nhân viên ở nhà thông cảm không lấy lương. Chúng tôi đang trả một số bạn lên coi quán và kiểm tra máy móc”.
Chị Huyền Thương cho biết ngay khi dịch bệnh bùng phát, chị trả tiền cọc các đêm diễn, đóng cửa quán.
"Có chủ nhà thương thì giảm một tháng tiền nhà. Nhưng thường tôi đóng theo quý 3 tháng. Việc xin chủ nhà giảm cả 3 tháng là không có nên tôi vẫn phải trả 2 tháng tiền nhà tiếp theo dù không biết 2 tháng sau có được mở cửa quán hay chưa. Trước khi kinh doanh, chúng tôi có quỹ dự trù chi phí phát sinh và bù lỗ nên đang dùng quỹ này để gồng mình qua mùa dịch”, chị chia sẻ.