Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Công ty du lịch chuyển sang bán bia

Đẩy mạnh mảng kinh doanh mới ít chịu tác động của đại dịch hơn, hoặc thay đổi chiến lược chuyển đổi số là cách doanh nghiệp chiến đấu với Covid-19 lần 4.

Doanh nghiep xoay chuyen tinh the giua dai dich anh 1

Trước khi Covid-19 bùng phát lần thứ 4, AZA Travel định tuyển thêm nhân viên bởi du lịch đã có dấu hiệu phục hồi. Nhưng cuối cùng, kế hoạch đành dời lại khi toàn bộ tour du lịch trong tháng 5 đã bị hủy, khách hàng đặt tour từ tháng 6 trở đi cũng căng thẳng theo dõi diễn biến dịch bệnh.

"Chúng tôi đã hủy tour cho hơn 1.000 khách trong tháng 5. Đến tháng 6-7, lượng khách đã đặt tour còn cao hơn rất nhiều, nếu dịch kéo dài thì tổn thất sẽ rất lớn. Du lịch nội địa có tính mùa vụ cao, đợt Tết đã bị dịch ập đến, nếu cao điểm hè cũng không đón khách được thì coi như đói cả năm", ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel nói với Zing.

Dồn lực cho mảng kinh doanh khác

Bà Vương Thị Ngọc Chi, Giám đốc Marketing của Hodota Resort (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho biết tỷ lệ lấp đầy hiện chỉ khoảng 30%. Hầu hết yêu cầu đặt phòng đang có đều phải dời lại, đặc biệt với đối tượng khách đoàn trên 10 người hoặc doanh nghiệp. Chỉ một vài gia đình nhỏ vẫn tiếp tục kế hoạch nghỉ dưỡng.

Thực tế, theo nhìn nhận của ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, làn sóng Covid-19 mới đây là một đòn giáng cho ngành du lịch nói chung và lưu trú nói riêng.

Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đều nhận được nhiều yêu cầu hủy phòng hoặc thay đổi ngày lưu trú. Hoạt động MICE và kinh doanh sự kiện cũng bị ảnh hưởng khi các hội nghị phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ, một số doanh nghiệp hạn chế tập trung đông người.

"Các resort ghi nhận hơn 50%, thậm chí lên đến gần 80% số lượng đặt phòng hiện tại đã được yêu cầu hủy, chủ yếu đến từ nhóm khách đoàn và doanh nghiệp. Một số khách sạn còn quyết định đóng cửa tạm thời đến khi dịch bệnh được kiểm soát", ông Mauro Gasparotti cho biết.

Trong bối cảnh này, AZA Travel dồn lực cho mảng sản xuất và kinh doanh bia thủ công. "Chúng tôi bán bia đã 2 năm nhưng vẫn luôn coi du lịch là thế mạnh chính. Nhưng với thế khó của du lịch hiện tại và dự kiến còn kéo dài, thì bia có khả năng khởi sắc hơn", ông Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.

Ngoài thị trường chính hiện nay là Hà Nội và một số tỉnh, TP phía Bắc, ông đang có kế hoạch mở rộng đến các khu vực khác, trong đó có TP.HCM bởi địa phương này chưa chịu ảnh hưởng quá nặng nề từ dịch bệnh. Nhờ đó, một số nhân sự từ mảng du lịch cũng được huy động để phát triển đại lý bán hàng, bớt gánh nặng việc làm và thu nhập.

Tuy nhiên, ông thừa nhận bản thân còn là người mới trong lĩnh vực bia, dù ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực nhưng rõ ràng chưa thể bù đắp hết thiệt hại từ du lịch.

Doanh nghiep xoay chuyen tinh the giua dai dich anh 2

Ông Nguyễn Tiến Đạt đi giao bia cho khách hàng khi mảng du lịch rơi vào thế khó. Ảnh: NVCC.

Tương tự, chủ sở hữu Hodota Resort cũng tập trung nguồn lực hơn cho lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu mỹ nghệ để bù đắp doanh thu, thông qua Công ty CP Cổ Kim Mỹ Nghệ đã hoạt động nhiều năm nay. Hiện doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 9 và sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng, phần nào giảm bớt thiệt hại từ khu nghỉ dưỡng.

Đồng thời, khác với các đợt dịch trước, bà Ngọc Chi cho hay lần này resort cũng không chủ động đóng cửa hay cắt giảm nhân viên. "Các nhân sự vẫn nỗ lực chắt chiu từng khách hàng dù ít ỏi, đồng thời chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm hơn và tìm được giải pháp tối ưu, thông qua việc nhắm đúng đối tượng khách hàng tiềm năng và cung cấp dịch vụ phù hợp", bà nói.

Cụ thể, khu nghỉ dưỡng sinh thái rộng 17 ha này tập trung tiếp cận các gia đình có con nhỏ không thể đến trường do dịch bệnh nhưng vẫn có nhu cầu du lịch và cho trẻ gần gũi thiên nhiên. Các sản phẩm nghỉ dưỡng tránh dịch như cắm trại, chèo thuyền, câu cá, zipline... được chú trọng quảng cáo, với các phòng nghỉ, villa cách xa nhau và dịch vụ tận phòng để hạn chế tiếp xúc giữa các khách hàng.

Nỗ lực chuyển đổi số

Tuy nhiên, cả ông Tiến Đạt lẫn bà Ngọc Chi đều thừa nhận những mảng kinh doanh mới vẫn chịu tác động không nhỏ bởi dịch Covid-19. Ông Đạt cho biết ngành bia đã gặp khó từ đầu năm 2020 đến nay, chưa kể trong đợt dịch này, các nhà hàng, khách sạn ở thị trường chính đều phải đóng cửa hoặc giảm doanh thu.

Tình cảnh này buộc ông chuyển từ kênh phân phối chính là nhà hàng, khách sạn sang đẩy mạnh bán lẻ online cho khách uống tại nhà, thông qua mạng xã hội, hotline và các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Giai đoạn khởi đầu, có những đơn hàng lớn đến vài thùng carton mà xe máy không chở được, chính ông chủ này sẽ tự lái ôtô giao đến tận nhà cho khách hàng.

Với Công ty CP Cổ Kim Mỹ Nghệ, bà Ngọc Chi cũng khẳng định những thành quả đang có được chủ yếu đến từ việc tận dụng tối đa hầu hết nền tảng online, đặc biệt là những nền tảng mà doanh nghiệp bỏ ra nhiều chi phí như sàn TMĐT Alibaba.com hay showroom online trên HOPE của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM.

Không nằm ngoài cuộc chơi chuyển đổi số, The Coffee House, chuỗi cà phê từng giữ quan điểm tự xây dựng ứng dụng đặt hàng và giao hàng riêng, cũng đã có mặt trên Baemin. Giai đoạn dịch bệnh trước đó, đơn vị này còn triển khai bán hàng trên các sàn TMĐT.

Doanh nghiep xoay chuyen tinh the giua dai dich anh 3

Các doanh nghiệp ngày càng đẩy mạnh chuyển đổi số khi thói quen tiêu dùng, kinh doanh thay đổi. Ảnh: NVCC.

Trao đổi với Zing, ông Đinh Anh Huân, Chủ tịch The Coffee House, cho biết đây là một trong những điểm chạm để phát triển quan hệ khách hàng. Các nền tảng online hiện đem về tín hiệu tích cực trong bối cảnh sụt giảm doanh thu trên mỗi cửa hàng khi chuỗi phải hạn chế lượng khách tại khoảng 2/3 trong số 178 cửa hàng trong đợt dịch thứ 4.

"Khách hàng đang quen dần với trải nghiệm số hoá cùng The Coffee House với việc đặt hàng trước đến nhận sau hay đặt mang về chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng doanh thu. Phương án giao hàng cũng ngày càng cải thiện khi tỷ lệ giao trong 30 phút đạt hơn 85%", ông Huân chia sẻ.

Ông cho rằng kết quả này có được sau nhiều năm chủ động xây dựng ứng dụng đặt hàng và giao nhận riêng. "Chúng tôi đánh giá được trải nghiệm xuyên suốt của khách hàng từ cửa hàng đến online, hiểu họ gặp những vấn đề gì để đưa ra các quyết định chính xác và quan trọng. Kết quả sau 3 năm đầu tư, The Coffee House có hơn 50% giao dịch tương tác qua app. Đó là con số lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới", vị lãnh đạo nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, chuỗi cà phê này có kế hoạch tiếp tục hợp tác với các đối tác khác bên cạnh Baemin, đồng thời chủ động ứng phó với dịch bệnh theo các kế hoạch ngắn hạn, sẵn sàng điều chỉnh hàng tháng để có thể phục vụ khách hàng xuyên suốt.

Chúng tôi đặt mình sống chung với dịch ít nhất đến giữa năm 2022

Ông Đinh Anh Huân, Chủ tịch The Coffee House

"Chúng tôi xác định Covid-19 không ngày một ngày hai biến mất mà có thể trở lại nhiều lần với các biến chủng mới và diễn biến phức tạp hơn. Do đó, chúng tôi vẫn phải nỗ lực để tồn tại và đặt mình sống chung với dịch, ít nhất đến giữa năm 2022.

Mong rằng các đối tác cung ứng, ngân hàng, chủ mặt bằng sẽ cùng hỗ trợ và đồng lòng với ngành F&B nói chung và The Coffee House nói riêng", ông Huân nói.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm