Ngày 2/7, hệ thống của Cloudflare bị gián đoạn khoảng 30 phút. Nguyên nhân của sự việc này được xác định là lỗi phần mềm. Tuy chỉ gặp vấn đề trong 30 phút, sự cố của Cloudflare đã làm ảnh hưởng tới hàng ngàn website sử dụng dịch vụ của công ty này.
Những website sử dụng dịch vụ của Cloudflare có thể kể đến như BuzzFeed, Feedly, Dropbox và Pinterest. Việc gián đoạn dịch vụ khiến cho các website này không truy cập được. Thậm chí tại CoinDesk, trang tin tức về tiền mã hóa, sự cố khiến cho giá trị đồng Bitcoin hiển thị trên trang này giảm xuống còn 26 USD, thấp hơn gần 400 lần so với giá trị thực tế.
Coindesk khẳng định sự cố khiến cho giá Bitcoin bị hiển thị sai. “Bình tĩnh nào mọi người, Bitcoin không có giá 26 USD đâu”, trang tin này chia sẻ qua tài khoản Twitter. |
Chia sẻ về sự cố này, lãnh đạo của Cloudflare khẳng định đây là lỗi phần mềm chứ không phải là một vụ tấn công.
“Trong khoảng 30 phút, người dùng truy cập vào các trang web có dịch vụ Cloudflare nhận được thông báo lỗi 502 vì một đợt yêu cầu tài nguyên CPU tăng vọt trong mạng lưới của chúng tôi. Lỗi này xảy ra khi triển khai phần mềm và đã được khắc phục”, ông John Graham-Cumming, Giám đốc công nghệ của Cloudflare cho biết.
Trên trang web của mình, Cloudflare liệt kê hàng trăm hệ thống máy chủ bị ảnh hưởng, trong đó có cả 2 hệ thống được đặt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ông Matthew Prince, CEO của Cloudflare thừa nhận đây là sự cố lớn nhất từ trước tới nay của công ty.
Bản đồ những khu vực bị thiệt hại nặng nhất trong sự cố của Cloudflare. Ảnh: DownDetector. |
Đây là lần thứ hai trong vòng 2 tuần dịch vụ của Cloudflare gặp sự cố. Ngày 24/6, lỗi về phân luồng giữa Cloudflare và Verizon khiến lưu lượng lớn truy cập bị gián đoạn. Cloudflare cho biết sự cố khiến họ mất 15% lưu lượng. Trong sự cố này, Amazon và Facebook cũng bị ảnh hưởng.
Cloudflare là nhà cung cấp dịch vụ CDN lớn nhất thế giới, với khoảng 34% thị phần. CDN là hệ thống máy chủ đặt trên toàn cầu, có chức năng lưu trữ bản sao của nội dung tĩnh trên website. Trên các website có sử dụng CDN, người dùng khi truy cập website thực chất sẽ truy cập thông qua máy chủ CDN gần nhất, nhờ đó tốc độ tải website sẽ nhanh hơn.
Ngoài ra, các hệ thống CDN còn được trang bị những bộ lọc tối ưu để chặn những lưu lượng bất thường, ví dụ các trường hợp tấn công bằng DDoS. Anh Hồng Phúc, chuyên gia bảo mật sống tại TP. HCM ví von CDN giống như một đơn vị bảo hiểm của các website, nên khi chính nhà cung cấp CDN gặp sự cố thì các website cũng bị ảnh hưởng nặng nề.