Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công trình xây dựng ở TP.HCM thi công trở lại sau 30/9

Công trình xây dựng ở TP.HCM được thi công trở lại sau 30/9 nhưng phải đảm bảo đúng bộ tiêu chí an toàn. Địa phương dự kiến đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.

Thông tin trên được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình chia sẻ tại chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 30/9. Trước đó, một người dân đặt câu hỏi về thời điểm các công trình xây dựng ở TP.HCM được thi công trở lại.

Theo ông Bình, các công trình ở TP.HCM chắc chắn sẽ hoạt động trở lại sau ngày 30/9 nhưng phải đảm bảo đúng bộ tiêu chí về an toàn đã được thành phố xây dựng và sẽ ban hành thời gian tới.

Ngoài ra, trong thời gian giãn cách xã hội, TP duy trì thi công các công trình trọng điểm như cầu Thủ Thiêm 2 bằng hình thức thi công “3 tại chỗ”. Cầu sẽ chính thức hợp long vào ngày 15/9, dự kiến hoàn thành vào 30/4 năm sau.

Ngoài ra, công trình giao thông như tuyến Metro 1 được thi công bình thường.

“Không phát triển, xây dựng đô thị thì cũng không có cơ sở vật chất để phát triển thành phố, vì TP.HCM có trên 62% hoạt động kinh tế là thương mại dịch vụ, mà hạ tầng dịch vụ gắn với xây dựng”, ông Bình lý giải việc TP duy trì thi công các công trình xây dựng trên địa bàn.

Đồng thời, Phó chủ tịch TP.HCM cho biết đã chỉ đạo 3 đơn vị hành chính là quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ (địa phương đã kiểm soát được dịch) đăng ký tổ chức thi công lại với các công trình có vốn đầu tư công, ngoài vốn đầu tư công trong vùng xanh. Việc này sẽ được TP hướng dẫn cụ thể và thực hiện sau ngày 30/9.

Ngoài công trình giao thông trọng điểm, ông Bình cho biết TP.HCM còn lên kế hoạch để tiếp tục thi công các công trình đầu tư công, công trình nhà ở.

“Sở Xây dựng trước đây có hướng dẫn việc xây dựng công trình nhà ở cho công nhân thuê nhưng chưa thực hiện được sâu, thì nhân việc này chúng ta sẽ thực hiện”, ông Bình nói.

cong trinh xay dung o TPHCM anh 1

Cầu Thủ Thiêm 2 vẫn được thi công trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội để đảm bảo tiến độ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Về câu hỏi TP liệu có tiếp tục giãn cách sau 30/9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết đây cũng là trăn trở của lãnh đạo thành phố, cũng như những chuyên gia, doanh nghiệp.

Theo đó, lãnh đạo TP không muốn phải tiếp tục kéo dài giãn cách nên mọi biện pháp, sự chuẩn bị với 3 đơn vị hành chính đã công bố kiểm soát dịch (quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ - PV) sẽ là cơ sở quan trọng, để xem bước đi đã an toàn chưa. Sau đó, TP sẽ có những bước đi tiếp theo.

"Chúng tôi cũng là người dân TP và hiểu những mất mát, kể cả tính mạng của những người chẳng may mắc Covid-19. Với tất cả nỗ lực cùng kết quả đã đạt được, chúng tôi có một niềm tin là sẽ kiểm soát được dịch và tái thiết lại kinh tế của TP.HCM", ông Lê Hòa Bình nói.

Ông cho biết mọi bước đi của TP.HCM thời gian tới nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân, sau đó là khôi phục và phát triển kinh tế.

Ông Lê Hòa Bình: Lãnh đạo TP.HCM không muốn kéo dài giãn cách

"Lãnh đạo thành phố cam kết xem tính mạng người dân là trên hết, thành phố đánh giá an toàn đến đâu, mở cửa đến đó", ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ.

TP.HCM sẽ thí điểm thẻ xanh Covid-19 tại quận 7, Củ Chi, Cần Giờ

Thẻ xanh và thẻ vàng Covid-19 là công cụ được TP.HCM dùng để quản lý những cá nhân an toàn (đã tiêm vaccine hoặc F0 khỏi bệnh) trong kế hoạch mở cửa từng phần.

Mỹ Hà - Thư Trần

Bạn có thể quan tâm