Khi nói đến tiết kiệm dài hạn, chúng ta nói đến việc chuẩn bị cho những mục tiêu và kế hoạch lớn trong tương lai. Một trong số đó là tiền sinh hoạt khi về già.
Có nhiều yếu tố quyết định con số bạn cần tích lũy hàng tháng. Bài viết sau sẽ gợi ý bạn cách cân nhắc tỷ lệ tiết kiệm của mình.
Bắt đầu càng sớm, tỷ lệ càng nhỏ
Giả sử, bạn và một đồng nghiệp cùng có mục tiêu nghỉ hưu khi 60 tuổi. Với mức lương ngang nhau, nếu bạn tích lũy từ năm 24 tuổi và họ bắt đầu năm 35 tuổi, thì số tiền người đồng nghiệp cần góp mỗi tháng phải nhiều hơn so với bạn. Lý do là họ bắt đầu trễ, cần "tăng tốc độ" để theo kịp.
Trong thực tế, mỗi người có mục tiêu, thời điểm bắt đầu và thói quen chi tiêu khác nhau. Thế nhưng, hãy nhớ rằng thời gian bạn dành dụm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ tiết kiệm.
Bằng cách bắt đầu sớm, bạn có thêm thời gian và "nhẹ gánh" hàng tháng. Ngoài ra, khi đã tập được thói quen tiết kiệm, bạn sẽ quản lý nhu cầu tốt hơn, từ đó giảm chi và giữ ngân sách luôn ổn định.
Tìm hiểu lãi kép và sử dụng công cụ tính
Albert Einstein từng gọi lãi kép là "kỳ quan thứ 8 của thế giới", hoặc bạn có thể xem lãi suất kép như "hiệu ứng ly cà phê sữa đá".
Mỗi ngày, bạn dành 20.000 đồng mua một ly cà phê. Một tháng sau, bạn đã chi 600.000 đồng. Một năm tiếp đó, bạn chi 7,2 triệu đồng. Nếu bạn uống cà phê hàng ngày trong vòng 40 năm, thì tổng sẽ là 288 triệu đồng. Với lãi kép chỉ 5%, số tiền này có thể tăng gấp 3 lần nếu bạn đều đặn, kỷ luật và kiên định để riêng ra trong thời gian dài.
Bạn có thể áp dụng lãi kép vào nhiều kế hoạch tài chính thông qua công cụ tính lãi online. Ưu điểm của những công cụ này là hỗ trợ bạn tính số tiền cần tiết kiệm định kỳ để đạt một giá trị nhất định.
Ước lượng chi phí sinh hoạt sau nghỉ hưu
Trước khi tính toán tỷ lệ tiết kiệm, bạn nên tự hỏi bản thân muốn sở hữu bao nhiêu tiền khi ngừng làm việc, và muốn về hưu năm bao nhiêu tuổi, 55-65 tuổi hay sớm hơn?
Ví dụ, ở tuổi 55, bạn có căn nhà khang trang cùng bảo hiểm sức khỏe mà bạn đã có kế hoạch góp trước đó. Nếu bạn chỉ cần thêm 10 triệu đồng/tháng để trang trải tiền thực phẩm, đồ dùng,... thì từ sau 55 tuổi, bạn cần 120 triệu đồng/năm để sống (chưa tính bảo hiểm xã hội).
Trong trường hợp bạn sống thêm 25 năm nữa, thì số tiền bạn cần chuẩn bị cho quỹ hưu trí là:
- 120 triệu đồng x 25 năm = 3 tỷ đồng.
Đặt tỷ lệ phù hợp với hoàn cảnh
Nhờ đặt mục tiêu, bạn đã phần nào hiểu mình cần bao nhiêu tiền để chủ động tài chính trong những năm tuổi già.
Lúc này, tỷ lệ tiết kiệm sẽ là câu trả lời cho câu hỏi "làm thế nào để tôi có 3 tỷ đồng?".
Các công cụ tính lãi kép ở trên sẽ giúp bạn lo phần tính toán. Sau đây là hai mức phổ biến để bạn tham khảo:
- Nếu bạn tiết kiệm từ 25 tuổi với 2 triệu đồng/tháng, lãi 5%, thì bạn có khoảng 3 tỷ 100 triệu đồng khi 65 tuổi (40 năm sau).
- Nếu bạn tiết kiệm ở tuổi 35 với 4 triệu đồng/tháng, lãi 5%, thì bạn có khoảng 3 tỷ 300 triệu đồng khi 65 tuổi (30 năm sau).
Số tiền góp sẽ giảm đi khi bạn bắt đầu sớm, 25 tuổi thay vì 35 tuổi. Tất nhiên, nếu bạn tìm được kênh tích lũy tăng trưởng tốt hơn 5%, thì ngân sách mỗi tháng còn có thể ít hơn, hoặc thời gian dành dụm được rút ngắn.
Con số chính xác tùy thuộc vào mong muốn của bạn. Tóm lại, dù bạn đặt tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập là 10%, 20% hay 30%, khi góp tiền, đặc biệt cho quỹ hưu trí, bạn cần kiên trì đóng góp, không rút vốn lẫn lời trong một khoảng thời gian đã định. Đây là cách để lãi kép phát huy công dụng, giúp bạn đạt cột mốc độc lập hay tự do tài chính trong tương lai.