Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM, 12 quận huyện ngập nặng gồm 1, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú.
Lượng mưa đo được tại các điểm gồm cầu Bông (118 mm), Phước Long (105 mm), Bình Chiểu (103 mm), Quang Trung (93 mm), Lý Thường Kiệt (92 mm), An Lạc (142 mm), Tân Quy Đông (77 mm), Bình Hưng Hòa (101 mm) và Phan Văn Khỏe (120 mm). Đây là cơn mưa cao nhất từ đầu năm đến nay.
Những tuyến đường ngập nặng nhất là Nguyễn Hữu Cảnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Tô Hiệu, Phan Anh, Tân Hòa Đông, Kinh Dương Vương (quận 6, quận Bình Tân), Lương Định Của, Trần Não, Nguyễn Thị Định (quận 2), Nguyễn Văn Qúa (quận 12).
Đỉnh điểm nước ngập từ 0,5 đến 1 m vào đúng giờ tan tầm gây kẹt xe nghiêm trọng xảy ra nhiều giờ liền, hàng nghìn ôtô, môtô của người dân chết máy.
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM). Ảnh: T.N. |
Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM), sở dĩ có 66 điểm đồng loạt ngập nặng là do lượng mưa quá lớn, kết hợp với triều cường lên khiến nước không thể thoát, gây ngập úng.
Hệ thống cống thoát nước của TP HCM hiện nay đáp ứng được lượng mưa 86 mm trong vòng 3 giờ, nhưng nhiều trận mưa lớn liên tiếp kéo dài khiến cống không thoát kịp.
"Việc TP bị ngập nặng chiều tối 15/9 còn do hàng loạt dự án chống ngập đang triển khai, nhưng chưa hoàn thành cùng nhiều dự án khác chưa được triển khai hoặc đang kêu gọi đầu tư. Như khu vực quận 6, gần như tất cả các tuyến cống không thoát nước được hoặc thoát rất chậm ra kênh Tân Hóa - Lò Gốm do mực nước kênh và cống ngang bằng nhau", ông Long nói.
Hàng nghìn người gặp sự cố trong chiều tối 15/9. Ảnh: Hải An. |
Theo ông, lượng mưa và đỉnh triều cường mỗi năm càng tăng nên hệ thống cống quá tải, không thoát nhanh lượng nước đổ dồn.
Để giải quyết tình trạng cấp bách hiện nay, Trung tâm điều hành chống ngập đã huy động các trạm bơm và thiết bị ứng phó nhanh tại những nơi ngập, nhân viên trung tâm được điều động kiểm tra hệ thống cống thoát nước cũng như hỗ trợ người dân gặp sự cố.
Để giải quyết tình trạng ngập nặng, theo ông Long, TP HCM cần phải đồng thời triển khai các hạng mục thuộc chương trình Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định số 154/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 là xây dựng tuyến đê bao dọc sông Sài Gòn (dài 149 km), 10 hệ thống cống kiểm soát triều cường.
Đồ họa: Tuổi Trẻ. |
Bên cạnh đó, TP cần đẩy nhanh công tác cải tạo, nạo vét những kênh rạch lớn của TP như Xuyên tâm, Văn Thánh, Cầu Bông, Bùi Hữu Nghĩa, ông Búp, kênh Liên Xã để góp phần vào việc thoát nước.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu chống ngập trên địa bàn đến năm 2020, TP phải hoàn thành tổng cộng 84 dự án với kinh phí hơn 11.600 tỷ đồng nhưng bị chậm tiến độ vì thiếu vốn.