Nhiều cử tri cùng bày tỏ sự quan tâm trước nội dung bài phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương 11 của Tổng bí thư, trong đó đề cập việc phải loại ra khỏi trung ương những ứng cử viên bè phái, mị dân, tham vọng quyền lực, có biểu hiện giàu nhanh bất chính...
Theo cử tri Lưu Huy Vinh, băn khoăn lớn nhất là làm thế nào để xác minh được ông này ông kia bè cánh, mị dân, gia đình vợ con tiêu cực, tham nhũng. "Ví dụ kê khai tài sản rất quan trọng nhưng đâu phải dễ. Thanh tra Chính phủ cho biết cả nước vừa rồi chỉ có hai trường hợp phải xem xét lại bản kê khai, trong đó Hà Nội không có trường hợp nào, tôi không tin" - ông Vinh nói.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri. |
Sẽ cố gắng làm đến mức tối đa
"Hôm nay tuy tiếp xúc đại biểu Quốc hội nhưng có Tổng bí thư ở đây, tôi xin bày tỏ bài phát biểu của đồng chí ở hội nghị trung ương làm chúng tôi rất phấn khởi, nhưng băn khoăn của bà con là nói như vậy thì có thực hiện được không?" - cử tri, cựu chiến binh Lê Hoa bày tỏ.
Ông Hoa cho biết: "Bà con mong muốn Tổng bí thư ra tay để thực hiện bằng được, nếu được thì khóa tới chúng ta sẽ có một Ban chấp hành Trung ương Đảng rất mạnh".
Còn cử tri Dương Ngọc Văn nêu: "Đề nghị Tổng bí thư cho biết, tới đây các ứng cử viên vào vị trí lãnh đạo như Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ có công khai tài sản cho toàn dân biết, lãnh đạo cấp tỉnh có công khai tài sản cho dân của tỉnh đó biết hay không?"
Cảm ơn sự quan tâm đặc biệt của cử tri đối với công tác nhân sự của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, thời gian vừa qua phương hướng nhân sự đã chuẩn bị rất kỹ, gửi xin ý kiến các địa phương, đến trung ương cũng bàn kỹ.
"Nhưng quả thật đây là vấn đề vô cùng khó khăn, cứ nhìn lại các đại hội Đảng từ xưa đến nay lần nào cũng cứ có chuyện, cũng có vấn đề. Nói đúng là toàn dân bàn nhân sự, trong chưa bàn nhưng ở ngoài đã có rất nhiều phương án rồi. Thậm chí chúng ta quan tâm, bạn quan tâm, các thế lực bên kia người ta cũng quan tâm. Các thế lực thù địch cũng nhân cơ hội này để phá, bây giờ lắm dư luận, tung lắm tin để chia rẽ nội bộ, chúng ta phải cảnh giác" - Tổng bí thư nói.
Tổng bí thư nhấn mạnh: "Các bác cũng nhất trí phương hướng, như hôm nọ tôi nói là không để lọt vào Ban Chấp hành những người thế này thế kia, nhưng băn khoăn là làm thế nào. Chúng ta rất quyết tâm nhưng nhân sự là việc khó lắm, khó bởi vì liên quan đến con người. Ai cũng nghĩ mình giỏi hơn người khác, ai cũng nghĩ mình thiệt hơn người khác. Các cụ nói câu 'Thua trời một vạn không bằng kém bạn một ly' cơ mà. Kém một miếng không chịu được, 'miếng ăn là miếng tồi tàn/ Kém ăn một miếng lộn gan lên đầu'. Khó khăn phức tạp lắm, đây là danh dự, đây là lợi ích, đây là quan hệ nên mong các bác thông cảm, chia sẻ và chúng ta sẽ cố gắng làm đến mức tối đa".
Tìm sự cân bằng trong các mối quan hệ để tránh bất lợi
"Trung Quốc lấn chiếm biển Đông, chúng ta phải có chủ trương thế nào cho hợp lý?" - cử tri Trần Nguyên Minh đặt câu hỏi.
Trong khi cử tri Lê Hoa nhắc lại chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao của ta vừa rồi: "Bạn tuyên bố rất hùng hồn, hữu hảo là vì đại cục, nhưng khi Tổng bí thư vẫn chưa trở về thì Trung Quốc thông báo các hoạt động xây dựng, các hoạt động quân sự trên hai quần đảo của chúng ta. Nhân dân cứ hỏi tại sao lại như thế? Chúng tôi là những cựu chiến binh rất quan tâm đến quan hệ đối ngoại với Trung Quốc".
Đáp lại, Tổng bí thư nói: "Đây là vấn đề tôi đã có nhiều dịp báo cáo với các bác, các đồng chí rồi. Ta sống với Trung Quốc hàng nghìn đời nay, đã hiểu Trung Quốc lắm rồi. Ta là láng giềng của Trung Quốc, nói nôm na là phải ăn đời ở kiếp với nhau, không thể bỏ nhau đi đâu được. Vậy phải xử lý mối quan hệ thế nào cho tốt? Tôi chỉ nói về phương pháp luận, mong được các bác thông cảm".
Tổng bí thư khẳng định: "Độc lập chủ quyền là thiêng liêng, dứt khoát chúng ta không bao giờ từ bỏ, đồng thời cũng phải giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển. Trên thế giới không ai muốn chiến tranh, nhưng nếu bất đắc dĩ phải chiến tranh thì chúng ta cũng sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì độc lập tự do của Tổ quốc. Giữa chúng ta và Trung Quốc còn vấn đề lớn là vấn đề chủ quyền trên biển Đông, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc muốn độc chiếm biển Đông, khẳng định 'đường lưỡi bò'. Chúng ta phải bình tĩnh giải quyết khôn khéo với tầm nhìn chiến lược trước mắt, lâu dài, đấu tranh bằng nhiều biện pháp tổng hợp, rất kiên quyết, không nhân nhượng về nguyên tắc nhưng sách lược phải rất khôn khéo, mềm dẻo đặt trong quan hệ tổng thể".
Vẫn theo Tổng bí thư, trên cơ sở "cầu đồng tồn dị", Việt Nam và Trung Quốc hạn chế tối đa bất đồng, nếu có bất đồng thì giải quyết bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và những gì đã thỏa thuận với nhau.
Bên cạnh quan hệ với Trung Quốc, thời gian qua Việt Nam đã tìm sự cân bằng trong các mối quan hệ khác để tranh thủ sự ủng hộ, tránh bất lợi cho ta.
"Chúng ta quan hệ với các nước trên thế giới, Tổng bí thư đã đi Ấn Độ, thăm Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc... chúng ta phải tranh thủ thời cơ, tạo điều kiện để củng cố hòa bình, ổn định mà phát triển. Đi cũng là dịp để bày tỏ lập trường của mình. Sắp tới tôi cũng đi Mỹ như các bác đã biết rồi. Xưa nay cũng chưa bao giờ một nước siêu cường là Mỹ mời một đảng cộng sản, mà lại là Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư sang thăm" - Tổng bí thư nói.