Nhưng ở hai tình huống sau đó, lối chơi cá nhân (cuối cùng là mất bóng) của Công Phượng trong khi đồng đội ra hiệu chuyền bóng để có thể dứt điểm trong tư thế thuận lợi hơn khiến nhiều người cho rằng Công Phượng quá ích kỷ. Có đúng vậy không? Đây là góc nhìn của một số chuyên gia bóng đá với Tuổi Trẻ.
Nếu chỉ chăm chăm đi bóng, Công Phượng (10) nhiều khả năng sẽ gặp chấn thương trước những đối thủ chơi rắn - Ảnh: N.Q.M. |
* Cựu tuyển thủ Nguyễn Văn Dũng (Nam Định): Tôi thán phục cú đột phá táo bạo và ghi bàn của Công Phượng bởi nó mang tính quyết đoán dựa trên kỹ thuật cá nhân khéo léo. Tuy nhiên, Công Phượng đã lạm dụng kỹ thuật quá nhiều ở những tình huống sau đó và mất bóng vào chân đối thủ trong khi đồng đội ra hiệu chuyền bóng để dứt điểm ở vị trí khá thuận lợi.
Theo tôi, Công Phượng đã làm nên yếu tố bất ngờ ở pha ghi bàn đầu tiên nhưng sau đó đối phương đã tỉnh táo để hóa giải. Không ai cấm tiền đạo đột phá nhưng anh phải biết chọn thời điểm sao cho hợp lý. Đội bóng nào cũng cần có ngôi sao nhưng ngôi sao phải dựa vào sức mạnh của tập thể mới mong tỏa sáng. Nếu giữ lối chơi này, Công Phượng sẽ khiến đồng đội nản lòng.
* HLV Phan Thanh Hùng (Hà Nội T&T): Cầu thủ được xem là chìa khóa chiến thuật của U23 VN như Công Phượng phải biết cách phối hợp với đồng đội. Vì vậy tôi nói thẳng nếu Công Phượng vẫn cố chấp, chơi thứ bóng đá ích kỷ như hiện tại, cậu ấy sẽ không có chỗ đứng trong lòng đồng đội.
Chơi ở vị trí tiền đạo hoặc hộ công, cầu thủ phải biết quan sát vị trí của đồng đội để quyết định nên chuyền bóng hoặc cầm bóng đột phá để mang lại yếu tố bất ngờ cũng như tính hiệu quả cao. Trong một trận đấu, cơ hội như thế không đến nhiều lần nên buộc cầu thủ phải quyết đoán ngay tức khắc. Vì vậy, tôi không đồng tình với việc Công Phượng chỉ chăm chăm lừa bóng thay vì phối hợp đồng đội.
Tôi nói vậy bởi việc lạm dụng kỹ thuật sẽ giúp đối thủ sớm bắt bài hoặc cầu thủ sẽ “tự chết” vì đuối sức. Thực tế ở V.League 2015, Công Phượng đã “tắt điện” trước nhiều hàng phòng thủ của các CLB. Ở SEA Games sắp tới, nếu không thay đổi chính mình, Công Phượng có thể sẽ “đói bóng” vì đồng đội đang mất dần niềm tin do lối chơi ích kỷ của cậu ấy.
* Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Nếu Công Phượng không sa đà vào lối đá cá nhân và ích kỷ thì không phải là Công Phượng vì cậu ấy được đào tạo nên tính cách ấy từ nhỏ. Nói như thế không có nghĩa là tôi ủng hộ lối chơi ích kỷ mà vấn đề đặt ra ở đây là HLV phải chỉ đạo Công Phượng chơi như thế nào và phối hợp ra sao với đồng đội.
SEA Games 28, theo tôi, nhiều đội bóng ở bảng B sẽ chọn lối đá phòng thủ nhiều tầng. Đối mặt với lối đá này, Công Phượng khó có cơ hội để solo và ghi bàn như ở trận gặp U-23 Myanmar tối 22/5 vừa qua. Cần phải nhắc lại, pha solo ghi bàn của Công Phượng là kết quả của pha phản công nhanh khi đối phương dâng cao. May mà Công Phượng đưa được bóng vào lưới chứ nếu không, anh còn bị chỉ trích dữ dội hơn.
Tôi đồng ý với đồng nghiệp Trần Minh Chiến, trong chừng mực nào đó tiền đạo có thể cầm bóng đột phá để tạo ra đột biến nhưng nếu cứ mãi lạm dụng, nó trở thành con dao hai lưỡi khi làm mất đi sức mạnh của tập thể.