“Chuyện đi vệ sinh là nhu cầu bình thường của con người, nhưng công ty cho rằng công nhân (CN) lợi dụng việc này để trốn làm, tán gẫu, hút thuốc, gọi điện thoại... nên đề ra những quy định kỳ quặc, cực đoan, gây hại cho sức khỏe CN”. Đây là khiếu nại của CN một doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn huyện Củ Chi, TP.HCM gửi cơ quan chức năng TP mới đây. Đáng nói, việc này cũng đang xảy ra tại nhiều DN khác.
Thường xuyên phải “nín”
Trong cuộc ngừng việc cách nay chưa lâu của gần 4.000 CN công ty TNHH V.D (huyện Củ Chi), ngoài phản đối cách quản lý hà khắc của DN, tập thể CN còn bất bình về việc bị hạn chế đi vệ sinh.
CN cho biết, công ty kiểm soát việc đi vệ sinh của họ bằng thẻ hoặc bằng định mức thời gian: Ở xưởng 1 và 2, 40 người/chuyền nhưng chỉ có 2 thẻ đi vệ sinh; ở xưởng 3, CN chỉ được đi vệ sinh 150 phút/tháng; thời gian mở cửa cho CN đi vệ sinh chỉ 45 phút/buổi. Do CN đông nhưng số lượng nhà vệ sinh ít, lại xây biệt lập ở xa nên họ thường xuyên phải nín nhịn việc đi vệ sinh, vì chưa tới lượt đã hết giờ.
Công nhân một doanh nghiệp trên địa bàn quận 12, TP.HCM ngừng việc để phản đối quy định quản lý việc đi vệ sinh ngặt nghèo của công ty. |
CN tên T. làm việc tại xưởng 3 vừa khóc vừa kể: “Tôi có thai gần 4 tháng, nhu cầu đi vệ sinh nhiều hơn bình thường, nhưng xin đi ngoài giờ quy định thì công ty không giải quyết. Công ty quy định chỉ ưu tiên cho CN nữ mang thai từ tháng thứ 6 trở lên”. Chưa hết, để bảo đảm cho quy định được thực thi nghiêm ngặt, công ty sẽ lập biên bản và trừ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/biên bản khi bị nhắc nhở 3 lần trở lên.
Sau khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng, công ty V.D cũng chỉ chấp nhận tăng thêm 1 thẻ đi vệ sinh cho mỗi chuyền, và giữ nguyên quy định về thời gian cũng như giờ mở cửa đi vệ sinh. Lý lẽ của công ty đưa ra là: “Quy định này đã có từ năm 2008 và người lao động đã thống nhất khi vào làm việc tại công ty”. Tuy nhiên, CN cho biết, ngay từ khi có quy định phi lý ấy, họ đã nhiều lần kiến nghị nhưng công ty không thay đổi.
Ngừng việc đòi quyền... đi vệ sinh!
Mới đây, tập thể CN công ty TNHH S.B (quận 12, TP HCM) cũng đã ngừng việc để đòi quyền... đi vệ sinh. Công ty này chỉ có khoảng 10 nhà vệ sinh dùng chung cho gần 900 CN. Đã vậy, nhà vệ sinh lại rất bẩn, đa phần bị hư hỏng, thiếu nước thường xuyên.
Chưa hết, công ty còn quy định CN chỉ được đi vệ sinh từ 9h 30 phút đến 10h 30 phút và từ 14h đến 15h mỗi ngày; thời gian còn lại thì đóng cửa, có người canh gác nghiêm ngặt.
Oái ăm hơn, trong 2 giờ đó, để được “trút bầu tâm sự”, CN phải xuất trình “thẻ đi vệ sinh” (80 người/3 thẻ), ghi rõ họ tên, thời gian đi. “Ai đi lâu là bị chửi té tát, ai đi nhiều lần trong ngày thì bị gọi lên nhắc nhở. Nhắc nhở 2 lần là bị phạt thẻ vàng và bị trừ 50.000 đồng, bị 2 thẻ vàng sẽ nhận 1 thẻ đỏ và bị đuổi việc. Quy định này không ngoại lệ cho bất kỳ ai, kể cả bà bầu hay người bệnh”, CN tên N. cho biết.
Đi vệ sinh nhiều quá cũng bị phạt!
Liên quan đến những quy định quái dị về việc đi vệ sinh của CN, cách đây không lâu, 300 CN công ty TNHH Y.W (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng ngừng việc để phản đối. Tại đây, ngoài việc đi vệ sinh phải có thẻ, công ty còn quy định ai đi trong giờ làm việc vượt quá 10 lần/tháng sẽ bị lập biên bản và bị trừ 300.000 đồng/biên bản. “Tôi mang bầu nhưng nhiều lúc phải cố nhịn, bí lắm mới dám đi vì số thẻ hạn chế, phải nhường cho người khác. Vậy mà vẫn bị quản lý nhắc nhở và “ăn” biên bản triền miên”, nữ CN tên V. bức xúc.
Còn ở công ty TNHH L.V (tỉnh Bình Dương), mỗi CN chỉ được đi vệ sinh 1 lần/buổi, mỗi lần không quá 7 phút. Công ty chỉ bố trí 2 thẻ vừa dùng để đi vệ sinh và uống nước cho một bộ phận với 30 người. “Ai đi nhiều, đi quá thời gian quy định sẽ bị phạt tùy theo mức lương. Tôi chỉ vi phạm 1 lần đã bị phạt 460.000 đồng”, CN tên H. cho biết. Để phản đối quy định ngặt nghèo này, hơn 70 CN của công ty đã ngừng việc.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà Phạm Thị Phương Hiền, Phó giám đốc công ty L.V, phân trần: “Quy định giờ vệ sinh là cực chẳng đã nhưng không có cách nào khác. Trước đây, khi công ty “thả cửa” thì nhiều CN bỏ ca vào nhà vệ sinh. Nam thì hút thuốc, nữ thì tụ họp nói chuyện, năng suất lao động bị ảnh hưởng trầm trọng. Biết quy định vậy là làm khó CN nhưng vì anh em thiếu tự giác nên công ty phải đề ra”.
Quy định phải hợp lý, đúng luật
Bà Bùi Thị Tuyết Nhung, nguyên Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, nhìn nhận tình trạng CN lợi dụng thời gian đi vệ sinh để hút thuốc, tán gẫu, gọi điện thoại... là có, nên DN đối phó bằng cách đề ra các quy định ngặt nghèo để hạn chế.
“Tuy nhiên, việc đi vệ sinh là nhu cầu tự nhiên của con người, không ai có thể ra lệnh hoặc ràng buộc theo ý của mình được. Vì vậy, các quy định của DN phải hợp lý, tuân thủ đúng quy định của pháp luật lao động để bảo đảm sức khỏe cho CN và nhu cầu sinh lý tối thiểu của con người”, bà Nhung nhấn mạnh.