'Công nhân' sản xuất iPhone, iPad chỉ 13-14 tuổi
Trong một phóng sự đặc biệt, đài truyền hình NPR (Mỹ) đã khám phá ra rằng, khoảng 5% số “công nhân” làm việc tại nhà máy Foxconn Thâm Quyến (Trung Quốc) chỉ ở độ tuổi 13-14, thậm chí là 12.
>>'Sự thật về iPad sau lời nói dối của Foxconn'
Câu hỏi tại sao sản phẩm của Apple lại có thiết kế hoàn mĩ nhưng mức giá lại khá “mềm” có thể sẽ được giải thích phần nào qua chương trình phỏng vấn đặc biệt có tên là This American Life, được thực hiện bởi các phóng viên của đài truyền hình NPR.
Những cuộc phỏng vấn “đặc biệt” được thực hiện bởi hai phóng viên Mike Daisey và Nicholas Kristof đã phần nào hé lộ những bí mật bên trong nhà máy sản xuất iPhone, iPad mà bấy lâu nay, công chúng không có dịp được biết đến.
Foxconn - đối tác sản xuất iPhone, iPad chính của Apple sở hữu một xưởng sản xuất tại Thâm Quyến với khoảng 430.000 công nhân, tuy nhiên, họ chỉ có khoảng 20 canteen. Với các ca làm việc khác nhau, mỗi canteen này phải phục vụ khoảng 10.000 người/ngày.
Mike Daisey đã may mắn gặp được một nữ công nhân ở bên ngoài địa phận của nhà máy và khám phá ra rằng, em bé này mới chỉ 13 tuổi. Nhiệm vụ của em là lau kính của khoảng 1.000 chiếc iPhone / ngày. Cô bé 13 tuổi này cũng cho biết rằng, Foxconn không quan tâm đến tuổi tác của công nhân. Mỗi khi có thanh tra, Foxconn đều biết trước và bố trí những người lớn tuổi hơn để thay thế những vị trí như của em.
Trong khoảng 2 tiếng thăm quan nhà máy tại Thâm Quyến, Daisey phát hiện ra khá nhiều những em bé ở độ tuổi 13, 14 thậm chí cả 12 tuổi. Theo ước tính của ông này, có khoảng 5% những công nhân làm việc ở đây là những người dưới độ tuổi lao động.
Thăm quan một khu vực sản xuất khác, dưới danh nghĩa của một khách hàng tiềm năng, Daisey phát hiện ra rằng, mỗi khu vực sản xuất của Foxconn có khoảng 20.000 – 30.000 người. Những căn phòng này đều tuyệt đối im lặng vì Foxconn không cho phép nhân viên nói chuyện trong giờ làm.
Một ngày làm việc (trên giấy tờ) tại đây là 8 tiếng nhưng một ca làm việc thường kéo dài khoảng 12 tiếng và việc kéo dài đến 14 – 16 tiếng cũng không phải chuyện lạ, đặc biệt là khi có một sản phẩm “hot” cần sản xuất gấp. Ở thời điểm mà Daisey đến nhà máy này, một công nhân đã bị chết sau một ca làm việc kéo dài đến 34 tiếng.
Tại dây chuyền sản xuất, hầu hết các công nhân đều phải đứng và có camera theo dõi. “Công đoàn” là một khái niệm xa xỉ ở đây. Một cựu nhân viên của Foxconn cho biết, họ phải sử dụng một loại chất khá độc hại là hexane để lau màn hình iPhone. Nhiều người đã phải bỏ việc vì bàn tay của họ rơi vào tình trạng mất kiểm soát sau khi phải làm đi làm lại 1 công việc hàng trăm nghìn lần sau nhiều năm.
Một cựu công nhân kháccho biết, khi cô yêu cầu được trả tiền làm thêm giờ nhưng bị từ chối, cô đã gửi đơn lên hội đồng công ty và lập tức bị cho vào “danh sách đen”. Những người như cô, sau khi nghỉ việc tại Foxconn sẽ rất khó đi xin việc ở một công ty khác trong cùng địa bàn vì “tiền án” đó.
Một công nhân khác gặp tai nạn với máy cắt khi làm việc nhưng Foxconn từ chối điều trị y tế cho anh ta. Khi cánh tay của anh này được điều trị, nó đã bị tê liệt hoàn toàn và Foxconn lập tức sa thải anh. Người đàn ông này làm ở bộ phận cắt vỏ kim loại của iPad và khi Daisey chỉ cho anh ta chiếc iPad của mình, anh ta cho biết chưa từng thấy thiết bị nào như thế trước đó.
Điều kiện làm việc “tồi tàn” như vậy nhưng những nhà máy như của Foxconn vẫn được coi là những “mỏ vàng” giúp tạo ra thu nhập và giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Nếu như không có những nhà máy như của Foxconn, những người công nhân này sẽ phải ngày ngày cặm cụi trên các cánh đồng lúa với thu nhập khoảng 50 USD/ tháng thay vì khoảng 250 USD/tháng như hiện tại.
Thành Duy
Theo Infonet.vn