Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công nghệ VAR đang giết chết cảm xúc của World Cup?

Dù góp phần giúp trọng tài đưa ra các quyết định chuẩn xác, World Cup năm nay bị cho là đang đánh mất đi sự tự nhiên khi để công nghệ chi phối quá đà.

Người hâm mộ dễ dàng nhận ra tại mùa World Cup năm nay, trong lần đầu tiên công nghệ trợ lý video (VAR) được áp dụng đã gây ra rất nhiều tranh cãi.

VAR là ví dụ rõ ràng nhất cho việc kỹ thuật số hóa bóng đá, nơi dữ liệu và công nghệ được sử dụng nhằm cải thiện hiệu suất và tính chuẩn xác của các quyết định từ trọng tài. 

Nhưng vẫn có một bộ phận ý kiến không nhỏ cho rằng trò chơi đơn thuần giữa người và người này đang bị thay đổi quá nhanh, và đối tượng chịu thiệt thòi nhất không ai khác chính là người hâm mộ.

Ra quyết định dựa trên thực tế

VAR là công nghệ giúp cho các trọng tài đưa ra quyết định được chuẩn xác nhất. Sẽ có một tổ trợ lý trọng tài làm việc trong phòng video khi trận đấu đang diễn ra để tư vấn cho trọng tài chính trên sân, thông qua tai nghe không dây. Tuy nhiên VAR chỉ hỗ trợ trọng tài chính trong những tình huống liên quan đến: bàn thắng, phạt đền, thẻ đỏ và tránh nhầm lẫn cầu trên sân. Quyết định cuối cùng vẫn sẽ thuộc về trọng tài chính.

Cong nghe triet tieu cam xuc bong da anh 1
World Cup 2018 cũng là vòng chung kết bóng đá thế giới đầu tiên công nghệ VAR được áp dụng. Ảnh: Thenextweb.

Năm 2017, công nghệ VAR lần đầu tiên được đưa vào bóng đá trong các trận đấu thuộc khuôn khổ cúp FA, đã nhanh chóng gây ra tranh cãi từ các bên. Cụ thể, "nạn nhân" đầu tiên là Tottenham đã bị VAR "cướp" mất bàn thắng trong trận đấu tứ kết với những lý do không rõ ràng.

Không dừng lại đó, tại Bundesliga, trong giờ nghỉ giải lao giữa Mainz 05 và SC Freiburg, trọng tài chính sau khi tham khảo VAR thậm chí đã yêu cầu hai đội quay lại sân để thực hiện một quả phạt đền. Khán giả khi đó đã có những phản đối gay gắt với quyết định này.

Và mới đây nhất là ngay tại vòng chung kết World Cup năm nay. Dù nhận được các phản hồi tích cực khi góp phần đưa ra các quyết định chính xác, song cuộc tranh cãi vẫnchưa được chấm dứt.

Cong nghe triet tieu cam xuc bong da anh 2
Công nghệ được tích hợp ngay trong Telstar 18 - quả bóng được sử dụng chính thức tại World Cup 2018. Ảnh: Getty.

Công nghệ này bị chỉ trích khi không công nhận một tình huống hậu vệ Brazil cản phá trái phép cầu thủ Thụy Sĩ trong vòng cấm. Ngoài ra, các fan hâm mộ tuyển Anh cũng đặt câu hỏi khi trọng tài từ chối quả phạt đền sau khi Harry Kane hai lần bị Ferjani Sassi của Tunisia chơi xấu trong vòng cấm. Và ngay sau đó Tunisia lại được hưởng quả phạt 11 m trong một tình huống gần tương tự.

Số hóa trong bóng đá

Trong vài thập kỷ qua, mọi khía cạnh của đời sống đều chịu ảnh hưởng bởi công nghệ. Và giờ đây, môn thể thao vua cũng không thoát khỏi chuyển biến chung, từ bản quyền truyền hình, bán vé, phân tích và các chỉ số đo lường trận đấu khác.

Lượng dữ liệu và thông tin lớn chưa từng có được tạo ra nhờ công nghệ IoT. Huấn luyện viên, cầu thủ đều dễ dàng truy cập nguồn tài liệu để cải thiện kỹ năng, kiến thức. Các đội cũng có thể đưa ra chiến lược, đội hình dựa trên thông tin thu được.

Cong nghe triet tieu cam xuc bong da anh 3
eSport là ngành công nghiệp trị giá khoảng 400 triệu USD. Ảnh: Thenextweb.

Cũng nhờ công nghệ, bóng đá từ một trò chơi thể thao đã trở thành một ngành, lĩnh vực trị giá 1,5 nghìn tỷ USD toàn cầu. Chỉ tính riêng eSport đã trị giá khoảng 400 triệu USD.

Tuy nhiên với VAR, dường như việc công nghệ hóa đã đi quá xa và sai đường, khiến bóng đá bị mất đi tính tự nhiên vốn có. Liệu có trái khoáy không khi thay vì nhìn trực diện, khán giả chỉ được ăn mừng sau khi nhận xác nhận từ một loại công nghệ như VAR?

Các tín đồ làng túc cầu nói riêng và thể thao nói chung hẳn rất lo sợ một ngày nào đó, công nghệ sẽ chiếm lĩnh hoàn toàn cuộc chơi. Những giá trị mang tính biểu tượng như sự tự nhiên chắc chắn sẽ bị đe dọa khi sau VAR, là các công nghệ IoT, thực tế ảo VR, thực tế tăng cường AR đổ bộ vào các lò đạo tạo cầu thủ khắp nơi trên thế giới.

VAR có thể giúp đưa ra quyết định đúng (hoặc không), và công nghệ hóa có thể khiến bóng đá sinh lợi nhiều hơn khi cải suất hiệu suất của cầu thủ, cũng như chiến thuật của ban huấn luyện. Tuy nhiên những tiến bộ này cũng mang trong mình những rủi ro tiềm tàng cản trở sự phấn khích, tinh thần tự nhiên của trò chơi - giá trị khiến bóng đá trở thành môn thể thao vua.

Toàn cảnh về VAR - công nghệ được chú ý nhất mùa World Cup

Phải mất một thời gian dài để VAR được áp dụng. Phần lớn ý kiến phản đối xuất phát từ việc lo ngại công nghệ có thể đánh mất đi những cảm xúc tự nhiên mà bóng đá mang lại.



Đại Việt

Bạn có thể quan tâm