Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

So sánh công nghệ thu phí không dừng tại Việt Nam và Singapore

Với giá thành rẻ, dễ áp dụng và khả năng tích hợp cao, công nghệ thu phí không dừng đang áp dụng ở Việt Nam được đánh giá là phù hợp với tình hình trong nước.

Cong nghe thu phi khong dung cua Viet Nam anh 1

Thu phí không dừng được áp dụng trên tất cả cao tốc tại Việt Nam từ 1/8. Hiện tại, công nghệ được sử dụng tại các trạm là RFID. So với công nghệ DSRC được áp dụng tại Singapore, RFID có nhiều ưu điểm phù hợp với tình hình giao thông Việt Nam.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 loại hình là chi phí và thiết bị. Với công nghệ ở Singapore, người dùng phải lắp đặt một bộ thu tín hiệu trong xe (gọi là In-vehicle Unit - IU hoặc On Board Unit - OBU) có giá khá cao. Trong khi đó, thẻ thu phí ở Việt Nam có kích thước rất gọn, có thể dán vào đèn hoặc kính lái.

Giá rẻ, nhỏ gọn là ưu điểm lớn nhất

Dịch vụ thu phí ETC áp dụng công nghệ RFID sử dụng sóng radio để tự động nhận diện phương tiện có gắn thẻ định danh (E-tag), từ đó có thể dễ dàng giám sát, quản lý và lưu vết từng giao dịch.

Thành phần chính của hệ thống này bao gồm thẻ RFID (hay nhãn dán) chứa thông tin, có khả năng đọc/ghi và đầu đọc RFID lắp trên làn đường, lối vào/ra… dùng để đọc các thông tin trong thẻ.

Trên lý thuyết, mỗi nhãn dán sẽ chứa thông tin về xe và chủ xe. Khi phương tiện đi qua trạm thu phí, hệ thống tại trạm sẽ sử dụng sóng RFID để nhận dạng và gửi thông tin về trung tâm dữ liệu để xác định mức phí.

Cong nghe thu phi khong dung cua Viet Nam anh 2

Thẻ tích hợp của dịch vụ thu phí không dừng tại Việt Nam nhỏ gọn, người dùng có thể tự dán. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Nếu thông tin hợp lệ và tài khoản đủ điều kiện, hệ thống sẽ tự động thanh toán và mở thanh chắn (barrier), bỏ qua giai đoạn mua và soát vé truyền thống. Bên cạnh đó, thời gian trao đổi dữ liệu giữa nhãn dán và trung tâm dữ liệu diễn ra trong thời gian rất ngắn, từ đó giảm thời gian lưu thông của xe.

Khi áp dụng với điều kiện giao thông tại Việt Nam, ưu điểm lớn nhất của công nghệ RFID là chi phí thấp và triển khai đơn giản, có thể áp dụng trong các giai đoạn cần mở rộng thu phí không dừng như thời gian qua.

VETC hiện vẫn tiếp tục dán thẻ định danh miễn phí lần đầu cho khách hàng. Sau giai đoạn đầu miễn phí, ePass hiện yêu cầu người dùng đóng phí đăng ký 120.000 đồng ngay từ lần đầu tiên. Kể từ lần dán thứ 2, VETC lẫn ePass đều thu phí dán lại thẻ định danh 120.000 đồng/lần.

Trong khi đó, để thu phí không dừng tại Singapore người dân cần đăng ký lắp đặt bộ thiết bị IU với giá 155,8 SGD (khoảng 2,6 triệu đồng). Phí tháo thiết bị là 15 SGD (khoảng 250.000 đồng). Cả 2 công đoạn tháo và lắp đều phải được thực hiện ở các cơ sở đăng kiểm được cấp phép.

Cong nghe thu phi khong dung cua Viet Nam anh 3

Thiết bị IU gắn trên xe dùng để hiện cước, số dư thẻ khi qua trạm ERP ở Singapore. Ảnh: Ominae.

Thiết bị IU tại Singapore được bảo hành 5 năm. Nếu thiết bị gặp lỗi nhưng không còn bảo hành hoặc mất tem định danh, người dùng sẽ phải trả tiền để sửa chữa.

Năm 2006, Đài Loan từng sử dụng OBU với công nghệ DSRC. Nhưng giá thành cao đã khiến cho số phương tiện lắp OBU thấp hơn dự kiến, chỉ chiếm 42,6%. Do đó, đến năm 2011, Đài Loan chuyển sang áp dụng RFID cho hình thức thu phí không dừng. Chỉ sau một năm áp dụng, số lượng khách hàng tăng vọt lên 94%, vượt mức đề ra.

Hiện tại, châu Âu là khu vực lớn nhất sử dụng công nghệ DSRC. Các nước khác chủ yếu sử dụng RFID.

Ưu, nhược điểm của mỗi công nghệ

Theo chia sẻ của ông Bùi Trình, Tổng giám đốc VDTC (đơn vị triển khai ePass), RFID và DSRC là 2 công nghệ phổ biến nhất được triển khai tại các nước tiên tiến.

Tuy nhiên, RFID được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá là phù hợp nhất với văn hóa, môi trường giao thông tại Việt Nam, nhờ 3 ưu điểm chính: độ chính xác khi nhận diện cao, chi phí thấp và dễ dàng triển khai, lắp đặt.

Tiêu chí so sánh Công nghệ DSRC (Dedicated short-range communication) Công nghệ RFID (Radio frequency identification)
Tần số sử dụng 5,8 GHz 918-923 MHz
Tỷ lệ nhận diện phương tiện Rất tốt Rất tốt
Thiết bị đầu cuối Sử dụng thiết bị OBU lắp trong xe Sử dụng thẻ RFID gắn trên kính xe hoặc đèn xe
Cấp nguồn cho thiết bị đầu cuối Cần cấp nguồn hoặc sử dụng pin Không phải cấp nguồn (Thẻ RFID Passive)
Chi phí thiết bị đầu cuối Cao (30-40 USD) Thấp (1-2 USD)
Khả năng triển khai, lắp đặt Bình thường Dễ dàng
Khả năng triển khai mở rộng dịch vụ ITS Tốt hơn (Có khả năng triển khai mở rộng tốt hơn cho ITS) Tốt (Có khả năng triển khai mở rộng cho ITS)
Chống biển số giảTích hợp trong OBUCần thêm công nghệ đọc biển (ANPR)

Do chỉ là một mã định danh cho xe, thẻ RFID cũng có thể mã hóa và tích hợp thêm một số thông tin khác như chủ xe, thông số kỹ thuật xe như số trục, tải trọng cho phép, tổng tải trọng, năm niên hạn xe...

Nhờ đó, thẻ RFID có thể mở rộng một số dịch vụ, như kiểm soát tải trọng tự động bằng định danh phương tiện. Khi qua trạm, thông số của xe đã được kiểm soát mà không cần phụ thuộc vào camera đọc biển số.

Nhãn dán RFID cũng có khả năng giúp phát triển nhiều dịch vụ giao thông thông minh khác như quản lý xe ra/vào, đỗ xe, biển số xe điện tử hay ví điện tử để trả tiền xe buýt, tàu điện ngầm…

Tuy nhiên, nhược điểm của RFID là tính bảo mật thấp hơn so với DSRC. Theo ITS International, thiết bị OBU lắp đặt cứng trên xe sẽ đảm bảo nhận diện đúng và chuẩn, tránh tình trạng trốn phí. Để khắc phục vấn đề này, các trạm RFID phải có thêm công nghệ tự động nhận biển số (ANPR).

Cong nghe thu phi khong dung cua Viet Nam anh 4

Thu phí tự động bằng công nghệ RFID được đánh giá là có nhiều ưu điểm, phù hợp với thị trường Việt Nam so với mô hình tại Singapore. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đại diện VDTC cũng cho biết công nghệ RFID hiện nay có thể nâng cấp để đáp ứng tới giai đoạn 4, là giai đoạn cao nhất của thu phí không dừng. Ở giai đoạn này, có thể loại bỏ hoàn toàn trạm và các đảo thu phí, chỉ lắp đặt các giá long môn để ghi nhận phương tiện đi qua.

Tuy nhiên, để có thể triển khai giai đoạn 4 cần một số điều kiện như tỷ lệ dán thẻ đạt mức độ nhất định, cơ chế quản lý để thu hồi, xử phạt trường hợp nợ xấu hay bộ máy thu hồi nợ cước.

Cách Singapore thu phí đường bộ không cần thanh chắn, người soát vé

Sau hơn 20 năm triển khai thu phí không dừng tại Singapore, hệ thống này giúp tạo ra doanh thu, ngăn chặn ùn tắc giao thông và duy trì tốc độ di chuyển tối ưu.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm