Và chúng ta cũng thấy công nghệ có một tiềm năng đáng kể để hỗ trợ cho việc dân chủ hóa việc tiếp cận giáo dục và cải thiện trải nghiệm của người học.
Giá trị gia tăng của công nghệ
Hơn nữa, việc sử dụng các công cụ hỗ trợ công nghệ sẽ chỉ có chiều hướng được cải thiện theo thời gian mà thôi. Và nếu chúng ta thấy các trường đại học vẫn đóng cửa vào học kỳ mùa xuân năm 2020, những công nghệ nào giúp cải thiện trải nghiệm người dùng trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến có thể sẽ trở nên quan trọng hơn.
Để hỗ trợ cho nỗ lực này, tôi kỳ vọng chúng ta có thể được chứng kiến lượng đầu tư vào EdTech (công nghệ giáo dục) sẽ tăng lên cũng như sẽ có những khoản đầu tư đáng kể vào các trang thiết bị, tài liệu học tập và tài liệu từ xa, nhờ đó tạo thuận lợi cho một quá trình học tập gắn kết hơn.
Một khi học sinh và giáo viên đã làm quen với mô hình cung ứng giáo dục trực tuyến sử dụng các công nghệ này, nhiều khả năng chúng ta sẽ thấy mọi người dễ dàng chấp nhận chúng hơn.
Có một câu phương ngôn cổ của người Đức nói rằng “Was der Bauer nicht kennt, frisster nicht”. Đại khái câu này ý nói: “Những gì người nông dân không thừa nhận, anh ta sẽ không ăn”.
Bởi vì các ngành công nghiệp kiểu phường hội như chăm sóc sức khỏe và giáo dục được dựa trên một truyền thống đã kéo dài nhiều thế kỷ, nên thực tế mà nói quá trình thâm nhập vào phường hội của họ không nhất thiết mang nhiều dấu ấn của công nghệ, ngay cả trong những lĩnh vực vốn dĩ đã nằm hẳn trong công nghệ và phát triển theo công nghệ.
Tôi kỳ vọng chúng ta sẽ được chứng kiến một số thay đổi phát sinh do sự gián đoạn công nghệ đối với các phường hội này trong thập niên tới đây - và cả sau đó nữa.
Tình huống độc nhất vô nhị của đại dịch Covid-19 thậm chí có thể đẩy nhanh quá trình này, vì nó đã làm lộ rõ sự thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế, đồng thời cũng làm sáng tỏ tiềm năng to lớn dành cho giáo dục trực tuyến và phương thức làm việc từ xa.
Công nghệ đã, đang và sẽ có những đóng góp to lớn cho giáo dục. Ảnh: eLearning Industry. |
Sáng kiến 60 x 30
Có thể cũng có những cơ hội quan trọng tùy theo khu vực. Ở bang Texas, nơi tôi sống, có một sáng kiến được gọi là 60 x 30. Mục tiêu là vào năm 2030 sẽ có 60% người dân Texas ở độ tuổi từ 25 đến 34 tuổi sẽ hoàn thành một cấp bậc, chứng chỉ nào đó thuộc chương trình giáo dục sau trung học.
Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng nó rất quan trọng bởi vì các công việc nào dựa theo phương thức từ xa và ít có khả năng tự động hóa sẽ đóng vai trò chủ chốt cho giai đoạn tăng trưởng kinh tế tiếp theo ở Texas. Và đây chính là nhóm công việc đòi hỏi phải có giáo dục và kỹ năng công nghệ.
Kỹ năng nghề nghiệp, giáo dục chính quy, giáo dục không chính quy và giáo dục thường xuyên, tất cả đều có thể nhờ giáo dục trực tuyến mà bùng nổ. Và sự gia tăng trong phương thức giáo dục trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ở Mỹ khiến Texas có nhiều khả năng đạt được mục tiêu 60 x 30.
Nói vậy không có nghĩa đại dịch Covid-19 là tích cực. Chắc chắn là không. Nó thật kinh khủng. Đó là một thảm họa.
Tuy nhiên, nếu xem xét các tác động đối với nền kinh tế và xã hội ở cấp độ dân cư, chúng ta có thể nói (nhằm cố công tìm kiếm những hạt nhân hy vọng trong một tình huống tuyệt vọng) về lâu dài, dân chúng sẽ được giáo dục nhiều hơn - và chúng ta sẽ có một lực lượng lao động được chuẩn bị tốt hơn nhiều trong các thập niên tới.
Từ quan điểm kinh tế, điều này là vô giá. Từ quan điểm ổn định dân cư, điều này là vô giá. Và từ góc độ sức khỏe cộng đồng, nơi chúng ta thấy có sự thiếu hụt lớn về đội ngũ làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe - và kể từ đây sẽ có một nhu cầu to lớn làm choán đầy các công việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe - chúng ta cũng kỳ vọng rằng rồi đây giáo dục trực tuyến sẽ giúp tạo thuận lợi cho việc bổ khuyết những vai trò đó trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Nếu đó là kết quả, thì sức khỏe cộng đồng về lâu dài có thể được cải thiện rất nhiều.
Một lần nữa, nói vậy không có nghĩa dịch Covid-19 là tích cực theo bất kỳ cách nào. Nhưng nếu xem xét những hệ quả lâu dài của nó, chúng ta có lý do để hy vọng rằng trải qua thời buổi thảm họa đại dịch và khủng hoảng kinh tế này, chúng ta có thể đúc rút chút gì đó giá trị và tích cực trong dài hạn.