Trần Việt Hùng, người sáng lập Got It, Tiến sĩ ngành Khoa học máy tính, trường Đại học Iowa, Mỹ cho rằng công nghệ blockchain có nhiều đặc điểm phù hợp với việc đảm bảo tính minh bạch, bảo mật trong thi cử với chi phí rẻ và cách thực hiện đơn giản.
Tiến sĩ ngành khoa học máy tính tại Mỹ đề xuất sử dụng công nghệ blockchain để minh bạch hóa kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: FBNV. |
Blockchain được định nghĩa là công nghệ xử lý và lưu trữ dữ liệu một cách phi tập trung và an toàn dựa vào hệ thống mã hoá vô cùng phức tạp. Công nghệ này có các đặc điểm như không thể làm giả, bất biến, bảo mật, minh bạch, phù hợp để áp dụng vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Dựa trên những đặc tính này TS. Việt Hùng đưa ra giải pháp cho khá toàn diện. Theo ông, công nghệ blockchain có thể được áp dụng từ khâu xây dựng ngân hàng câu hỏi, tạo đề thi, thi, nhận kết quả, chấm và công bố điểm thông qua các hợp đồng thông minh (smartcontract).
"Chúng ta sẽ có một ngân hàng câu hỏi cực lớn, được bổ sung bởi rất nhiều người. Những câu hỏi này được chấm điểm theo độ khó và chủ đề. Hệ thống sẽ dựa vào cấu trúc đề thi tùy từng năm để lựa ra tổ hợp câu hỏi có độ khó tương đương nhau. Mỗi thí sinh sẽ thi một đề khác nhau. Điều này giúp tránh được việc đề thi bị lộ", Tiến sĩ Việt Hùng nói với Zing.vn.
Mỗi câu hỏi sẽ được gán với một chuỗi mã blockchain. Trong suốt quá trình thi các bước như dự thi, nộp bài, chấm thi, tổng điểm đều được mã hóa và bổ sung vào chuỗi mã cuối cùng.
"Blockchain sẽ tạo ra một chuỗi mã cho từng đề thi. Khi nhận đề, mã số của thí sinh sẽ được bổ sung vào chuỗi mã trên. Cứ như thế, mã giám thị, người chấm thi, số phòng, số điểm, phòng thi, thí sinh... đều được bổ sung vào chuỗi mã trên", Tiến sĩ Việt Hùng cho biết.
Không riêng Hà Giang, các tỉnh thành khác như Lạng Sơn, Sơn La cũng dính đến những nghi ngờ về bê bối giáo dục. |
Ngoài ra kho đề thi hàng trăm nghìn câu hỏi này còn có thể giúp học sinh có nguồn dữ liệu lớn để ôn tập. Đồng thời, độ khó của đề thi cũng được xác định bằng tỷ lệ trả lời đúng trong quá trình ôn tập của học sinh.
Tuy áp dụng nhiều yếu tố công nghệ nhưng đề xuất của Tiến sĩ Việt Hùng vẫn đảm bảo việc thi tốt nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện qua giấy mà không cần phải có máy tính bởi mã số sẽ được scan bằng smartphone trên đề bằng QR Code.
Công nghệ Blockchain chỉ biến mất khi không còn Internet trên toàn cầu. Vì vậy nguy cơ phá hủy hay làm giả toàn bộ dữ liệu thi cử là việc không thể.
Thí sinh có thể sử dụng ngân hàng đề thi cho việc ôn tập. |
Thêm vào đó, theo TS. Việt Hùng việc lưu trữ điểm bằng blockchain sẽ đảm bảo không ai có thể chỉnh sửa điểm số bởi mọi thay đổi về chuỗi mã đều được lưu lại mà không cách gì xóa được.
"Ngoài ra blockchain còn sở hữu sự minh bạch tuyệt đối. Bất cứ ai cũng có thể kiểm tra từng quy trình. Điều này giúp mọi người có thể theo dõi quá trình thi cử của thí sinh thông qua số báo danh và những người muốn tiêu cực buộc phải chùn tay", ông Hùng nói thêm.
Toàn bộ các thành phần của hệ thống được gắn kết với nhau thông qua việc sử dụng token. Học sinh có thể dùng token để luyện tập với các đề thi tạo ra từ ngân hàng câu hỏi, giáo viên có thể tạo ra các câu hỏi hay duyệt các câu hỏi do người khác gửi lên để được thưởng token... Việc này khuyến khích mọi người tích cực hơn trong việc xây dựng hệ sinh thái nội dung.