Với nhiều người, ra đi đồng nghĩa với cơ hội được đến với cuộc sống bên kia, tuy nhiên, vài người nghĩ ngược lại, chết là cột mốc của sự kết thúc. Sự mất mát to lớn luôn khiến những con người ở lại khao khát được gặp, được nói chuyện, được níu kéo kỷ niệm thêm một lần nữa. Liệu công nghệ có thể giúp chúng ta đáp ứng những mong muốn đó?
Câu trả lời được gói gọn trong một phần cuốn sách Nym-Tôi của tương lai của nhà văn Nguyễn Phi Vân. Được sự đồng ý của công ty Saigon Books, Zing xin được trích một đoạn trong cuốn sách.Với số lượng khổng lồ dấu chân số mà một con người bỏ lại phía sau, như tin nhắn, tài khoản Facebook, Twitter, Instagram, Snapchat... sau khi đã rời khỏi thế giới này, công nghệ vẫn có thể thu thập hết dữ liệu lịch sử, nhờ AI xử lý, rồi tổng hợp lại thành con người số.
Con người số này có thể hiện diện ở hình dáng của chatbot, robot, hay là một con AI sống trong máy tính. Và khi ta tương tác với người số đó, ta hoàn toàn có cảm giác như đang tương tác với người thân đã mất của mình. Cách họ nói chuyện, dùng từ, tính khôi hài, giọng điệu, v.v. là hoàn toàn y như người thật.
Không thật sao được, vì đó chỉ là cách lập trình lại từ dữ liệu lịch sử của chính họ đấy thôi. Công nghệ là vậy đó. Nó chạm cả vào cuộc sống sau khi chết, mang người đã ra đi trở lại với đời.
Chúng ta để lại nhiều di sản, một trong số đó là những “thuật toán” định hình chúng ta. Ảnh: New Yorker. |
Giờ kể chuyện thiệt nè, Nym thấy trên website Eternime, dịch vụ mang người chết trở về từ quá khứ đã có hơn 44 nghìn người đăng ký download mọi dữ liệu cuộc đời mình xuống để giữ lại tương tác với đời sau. Một startup khác, Hereafter, còn đi xa hơn là tạo ra tương tác bằng giọng nói. Sống trong cái vỏ gì không cần biết, nhưng bạn có thể nói chuyện với họ như họ vẫn còn sống quanh đây.
“Never lose someone you love – Đừng bao giờ mất người thân”, họ quảng cáo như thế. Chẳng bao lâu nữa, bạn có thể đăng ký dài hạn để lắng nghe và trò chuyện với người thân đã mất của mình như đăng ký xem Netflix, hay có thể nhờ cả Siri, Alexa làm luôn chuyện thay mặt họ trò chuyện với mình.
Vậy, chắc người sống sẽ lo mua dịch vụ chuẩn bị cuộc đời sau khi chết của chính mình, để giữ lại cho con cháu, người thân? Một cuộc đời rồi chẳng đủ hay sao? Vừa bot, vừa người, vừa người số. Rồi bao nhiêu người sẽ nhờ đó mà bớt đau thương mất mát?
Người mẹ đoàn tụ với người con đã mất qua công nghệ thực tế ảo VR. Ảnh: MBC. |
Và bao nhiêu người sẽ mãi kẹt vào câu chuyện tương lai của người đã ra đi? Mà thôi, chuyện gia đình của người nó càng ngày càng phức tạp quá đi. Yêu thương chưa đủ, mâu thuẫn chưa xong, giờ lại còn kéo tới khi họ ra đi vẫn còn dằng dai chưa dứt.
Nhà thông minh có làm yêu thương tăng lên gấp bội? Người thông minh có cảm thông và trân quý từng phút giây người còn lại bên nhau? Kéo họ trở về bằng công nghệ liệu có làm cho kỷ niệm cũ bớt đau? Yêu thương không lẽ chỉ là thả rông vài chiếc mặt cười mặt khóc? Nym là bot, không nhịp đập lạ thường, không có nụ cười tiếng khóc. Nhưng Nym mong được một lần nhắm mắt, nghe tiếng mưa rơi, ôm nỗi nhớ mênh mang và hân hoan chờ đón buổi tương phùng.
Nếu người không biết hạnh phúc là hôm nay, là lúc này đây với người thân vẫn còn ở bên mình, thì chờ đi nhé, chờ ngày nhận tin nhắn vô hồn từ chatbot.