Theo Wall Street Journal, người Mỹ ở độ tuổi trưởng thành dành phần lớn thời gian trong ngày để nhìn vào màn hình. Hiện nay, phần lớn màn hình trên các thiết bị công nghệ đều có nguồn gốc từ công nghệ màn hình LCD đã ra mắt lần đầu tiên vào những năm 1980.
Tuy nhiên, điều đó có thể sẽ sớm thay đổi. Một loạt các công nghệ màn hình mới đang được triển khai và hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích to lớn, điển hình là việc kéo dài đáng kể thời lượng pin của các thiết bị đeo, điện thoại và laptop cho đến kích thước mỏng, nhẹ và dễ đọc hơn dưới ánh sáng mặt trời.
Một loạt các công nghệ màn hình mới đang được triển khai và hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích to lớn. Ảnh: Wall Street Journal. |
Màn hình MicroLED tự thiết kế của Apple
Thế hệ mới nhất của LED là MicroLED tuy có nhiều cải tiến so với đời trước nhưng vẫn hoạt động theo cùng một nguyên tắc là truyền điện qua đúng loại chất bán dẫn và nó sẽ phát ra ánh sáng.
Trong MicroLED, mỗi chất bán dẫn phát sáng đều có kích thước rất nhỏ, như một con vi khuẩn. Mỗi pixel kích thước vi khuẩn này có thể được điều chỉnh để tạo ra ánh sáng đỏ, xanh lam hoặc xanh lục.
Khi kết lại thành lưới trên một miếng nhựa hoặc thủy tinh phẳng và được nối lại với nhau, chúng có thể tạo một màn hình.
Ưu điểm lớn nhất của MicroLED là có thể phát ra lượng ánh sáng gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần trên mỗi milimet vuông so với màn hình phẳng ngày nay.
So với OLED, màn hình MicroLED cho màu sắc rực rỡ, độ sáng và góc nhìn rộng hơn. Ảnh: FlatpanelsHD. |
Đặc biệt hơn, ở bất kỳ mức độ sáng nhất định nào, MicroLED cũng yêu cầu ít năng lượng hơn đáng kể, chỉ khoảng 1/10 so với những công nghệ màn hình hiện nay.
Đó cũng là lý do mà Apple mạnh tay đầu tư cho công nghệ màn hình này trong nỗ lực bớt phụ thuộc Samsung.
Theo Eric Virey, chuyên gia hãng nghiên cứu Yole Développement, Táo khuyết đã chi từ 1,5-2 tỷ USD cho mảng R&D và sản xuất để đưa màn hình MicroLED lên các thiết bị của hãng trong tương lai.
Ông Virey cho biết khoản đầu tư của Apple giúp hãng trở thành công ty đầu tiên sản xuất màn hình MicroLED với số lượng lớn.
Các nhà phân tích chuỗi cung ứng và mối quan hệ đối tác của Táo khuyết ở châu Á tin rằng hãng đã đặt mục tiêu trang bị màn hình tự thiết kế trên mẫu Apple Watch cao cấp, ra mắt vào cuối năm sau.
Theo ông Virey, lý do chính khiến Apple chọn Apple Watch là thiết bị thử nghiệm vì màn hình MicroLED vẫn còn đắt đỏ và cực kỳ khó sản xuất. Samsung hiện cũng bán những chiếc TV trang bị công nghệ màn hình MicroLED, nhưng chúng có giá trên 100.000 USD/chiếc.
Bob O'Brien, đồng sáng lập công ty nghiên cứu thị trường màn hình DSCC cho biết điều đó cho thấy ngay cả "ông lớn" chuyên sản xuất màn hình như Samsung cũng gặp nhiều rắc rối như thế nào trong việc sản xuất màn hình MicroLED trên quy mô lớn.
Kính thông minh dùng màn hình MicroLED. Ảnh: Vuzix. |
Trong khi đó, những chiếc smartwatch cao cấp, với kích thước nhỏ gọn nhưng cũng rất đắt tiền, sẽ mang đến lợi nhuận đủ để hấp thụ chi phí bị đội từ việc tích hợp màn hình MicroLED.
Bất chấp những thách thức về chi phí, không chỉ Samsung hay Apple, các công ty công nghệ lớn với hầu bao rủng rỉnh cũng đang dồn nhiều nguồn lực hơn vào công nghệ MicroLED nhằm thúc đẩy nó tiến gần hơn đến việc áp dụng rộng rãi trên các sản phẩm.
Hồi tháng 5/2022, Google cho biết đã mua lại công ty khởi nghiệp MicroLED Raxium. Trong khi đó từ năm 2020, Meta đã công bố một thỏa thuận độc quyền kéo dài nhiều năm với startup sản xuất MicroLED có tên Plessey ở Anh.
Công nghệ LCD vẫn còn đất dụng võ
Trước những năm 2012, tấm nền LCD với khả năng hiển thị rõ nét và màu sắc trực quan là lựa chọn của nhiều người làm trong lĩnh vực xử lý hình ảnh, video.
Tuy nhiên theo thời gian, thị trường đòi hỏi cao hơn về độ tương phản. Hình ảnh không chỉ sắc nét mà còn phải rực rỡ, có chiều sâu và thiết kế mỏng nhẹ. Điều này khiến công nghệ màn hình LCD nhanh chóng bị tấm nền OLED vượt mặt.
Trước những năm 2012, tấm nền LCD với khả năng hiển thị rõ nét và màu sắc trực quan là lựa chọn của nhiều người làm trong lĩnh vực xử lý hình ảnh, video. Ảnh: Pro Display. |
Mặc dù vậy, như các máy chơi game Game Boy đen trắng nguyên bản hay đồng hồ kỹ thuật số Casio cổ điển, vẫn còn một cách khác để tạo ra màn hình LCD. Đó là thay thế đèn nền bằng bề mặt phản chiếu.
Khi ánh sáng chiếu qua lớp LCD trong các màn hình “LCD phản chiếu” như vậy và phản xạ khỏi tấm gương phía sau nó, chúng có thể đọc được trong bất kỳ môi trường ánh sáng chói chang.
Theo Mike Casper, CEO của Azumo, công nghệ màn hình LCD mới với tên gọi LCD 2.0 mà công ty mới công bố gần đây sử dụng năng lượng ít hơn tới 90% so với màn hình LCD thông thường.
Một nhược điểm lớn của màn hình này là do ánh sáng xung quanh có nhiều màu sắc khác nhau, cho ra hình ảnh phản chiếu lại ánh sáng đó.
Máy tính bảng dùng công nghệ màn hình LCD 2.0 dưới điều kiện ánh sáng nắng gắt. Ảnh: Azumo. |
Mặc dù vậy, do LCD 2.0 có thể được sản xuất trên các dây chuyền sản xuất LCD hiện có, nên thế hệ màn hình này có ưu điểm là vừa rẻ vừa tận dụng được độ bền tương đối vốn có từ tấm nền LCD.
“Khi nhìn thấy công nghệ của Azumo, chúng tôi nhận ra rằng nó chắc chắn không dành cho thị trường đại chúng, Tuy nhiên nó vẫn có một thị trường ngách với nhu cầu riêng. Một bộ phận thị trường đang thực sự tìm kiếm công nghệ này", Paul Hsiung, phó chủ tịch của FIH Mobile cho biết.
Foxconn, đối tác sản xuất iPhone chính cho Apple, hiện cũng là đơn vị gia công cho Azumo với số lượng giới hạn vài nghìn máy tính bảng nguyên mẫu sử dụng công nghệ LCD 2.0.
Wall Street Journal cho rằng thị trường của thế hệ màn hình LCD 2.0 có thể là những chiếc máy tính bảng chuyên sử dụng ngoài trời, chẳng hạn như trên các công trường xây dựng và cho các cơ sở giáo dục.
Ở những nơi này, thời lượng pin đủ để hoạt động cả ngày là yếu tố then chốt, bên cạnh đó là yêu cầu về khả năng chịu được sự cố rơi hoặc đổ nước cũng quan trọng không kém.