Theo Fastcompany, một nghiên cứu mới của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) có thể thay đổi cách nhìn màu sắc mãi mãi. Điều này không mang ý nghĩa là một lớp hoàn thiện vĩnh viễn cho sản phẩm, mà là một đặc điểm nhận dạng mang tính tạm thời được tạo lập sẵn.
MIT đã phát triển một loại sơn nhạy sáng mới khiến mọi vật có thể dễ dàng, nhanh chóng thay đổi màu sắc và họa tiết. Hơn nữa, loại sơn này có giá thành không cao.
Bức tượng tắc kè đổi màu nhờ lớp sơn nghiên cứu bởi MIT. Ảnh: MIT. |
Được gọi là ChromoUpdate, sơn của MIT được áp dụng cho bất kỳ sản phẩm nào. Màu sơn này thường khá sạch. Nhưng khi đặt dưới các tần số ánh sáng cụ thể, nó mới cho thấy những sắc tố ẩn sau đó.
Dưới ánh sáng tia cực tím, sơn chuyển sang màu đen. Trong vòng 60 giây, tia cực tím có thể tạo ra những họa tiết tông xám trên bề mặt đã phủ sơn, bất cứ hình ảnh nào từ chữ in đến phong cảnh đồi núi với các chi tiết có độ phân giải cao. Các họa tiết này vẫn tiếp tục ở trên bề mặt sau khi ngừng chiếu tia UV.
Ngoài tone màu xám, sơn của MIT có thêm một số màu khác như nhóm màu CMY (xanh lá mạ, đỏ tươi và vàng). Những màu này có thể được trộn với nhau để tạo ra loại sơn thể hiện cả 3 màu cùng một lúc.
Để hiển thị màu sắc, các nhà nghiên cứu chiếu ánh sáng RGB (đỏ, xanh lá, xanh dương) vào sơn, chuyển màu sơn thành những màu giống với tia sáng đang chiếu xuống. Quá trình này mất một khoảng thời gian từ 10 phút hoặc lâu hơn để các họa tiết hiển thị màu sắc chính xác.
Theo ông Michael Wessely, nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ kiêm trưởng nhóm nghiên cứu dự án, việc dùng sơn đổi màu có nhiều lợi ích. Các nhà thiết kế có thể kiểm tra các sản phẩm nhanh chóng và đổi màu hoặc họa tiết chỉ trong vài phút.
Đặt máy chiếu UV sát máy chiếu ánh sáng nhìn thấy được và bệ xoay để đỡ vật thể. Ảnh: MIT. |
Ở góc nhìn rộng hơn, ông Wessely tưởng tượng việc chiếu nhanh các dữ liệu lên đồ vật hàng ngày khiến hệ thống smarthome trở nên "thông minh" hơn mà không cần thêm màn hình trong nhà. Nhóm của ông đã chứng minh họ có thể in văn bản và hình ảnh lên ngay một chiếc cốc.
Chẳng hạn, bạn có thể in lịch trình lên cốc nước hoặc lời nhắc nhở lên ly cà phê để biết khi nào cuộc họp tiếp theo diễn ra. Bên cạnh đó, mọi người có thể tân trang lại ốp lưng của điện thoại iPhone bất cứ lúc nào. Thay vì mua một chiếc ốp lưng mới, người dùng có thể làm mới ốp cũ bằng những hình ảnh yêu thích lấy trên internet.
Theo Fastcompany, dù những chiếc ốp lưng đổi màu khá hấp dẫn, công việc này còn một chặng đường dài trước khi đạt được thành công trong các sản phẩm tiêu dùng. Tia UV có thể gây nguy hiểm khi tiếp xúc với da, đó là lý do các nhà nghiên cứu của MIT sử dụng một hộp tia UV đặc biệt để đựng máy chiếu.
Ở các khu chuyên sản xuất ốp lưng đổi màu, họ đã trang bị đầy đủ máy móc an toàn, tiện lợi, do đó đây không còn là thử thách quá khó. Tuy nhiên, đối với những người khác, phương án này khá đắt đỏ và cồng kềnh nên sẽ không có nhiều người đầu tư vào loại sơn này và hy vọng có thể áp dụng cho các sản phẩm như ốp lưng, vỏ xe ôtô…
Vấn đề thứ 2 là những thiết kế này sẽ phai dần theo thời gian, vì tia UV ở khắp mọi nơi. Ông Wessely cho biết chất sơn có thể duy trì màu sắc và độ tương phản khoảng 2 ngày trong môi trường văn phòng, một nơi vốn đã tránh xa khỏi ánh mặt trời (chứa tia UV). Nếu đưa những sản phẩm được phủ sơn đổi màu ra ngoài sẽ rút ngắn đáng kể thời gian bền màu.
Những chiếc ốp lưng điện thoại đổi màu. Ảnh: MIT. |
Dù ý tưởng vẽ lại một thiết kế mới lên ốp lưng iPhone hay cốc cà phê sẽ giúp giải quyết vấn đề phai màu, thói quen này có lẽ khó được nhiều người duy trì.
Thêm một khía cạnh đáng mong chờ hơn mà nhóm của ông Wessely đang nghiên cứu là đưa công nghệ sơn đổi màu vào lĩnh vực thời trang. Họ đang phát triển loại sợi có thể dệt lại tạo thành bất cứ thứ gì như quần áo hay giày dép... với đặc tính như những loại thuốc nhuộm nhạy sáng.
Điều này khiến ông Wessely tin rằng họ có thể tích hợp các bóng đèn nhỏ xíu vào quần áo khiến người mặc nó trở nên nổi bật hơn. Trong trường hợp này, khi ánh sáng tiếp xúc gần với màu nhuộm, quá trình đổi màu sẽ diễn ra hiệu quả hơn.
“Chúng ta có thể làm màu sắc thay đổi ngay lập, thậm chí dưới một giây”, ông Wessely nói. Bên cạnh đó, ông cho biết có thể sử dụng một lớp phủ hấp thụ tia cực tím.
Thử tưởng tượng một chiếc áo phông cứ sau một giờ lại đổi một câu slogan mới, hoặc một chiếc ví có thể đổi màu để phù hợp với bộ đồ ngày hôm đó. Để tạo ra một sản phẩm như vậy, cả nhóm sẽ phải tạo ra loại sợi chuyên dụng và một phần mềm có thể đưa các họa tiết in lên vải dệt; loại vải này có thể giãn ra và tạo đường nét trên cơ thể con người.
Theo Fastcompany, ý tưởng này không dễ thực hiện, một phần vì lĩnh vực này còn khá non trẻ.
“Thông thường bạn có 10 năm nghiên cứu một thứ gì đó. Nhưng chúng tôi mới chỉ bắt đầu khám phá lĩnh vực quá mới này”, ông Wessely chia sẻ.