Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công nghệ 4G trước giờ G và hai quan điểm trái chiều

Đại diện một số nhà mạng cho rằng giá thành smartphone 4G rẻ thì công nghệ 4G mới có điều kiện bùng nổ tại Việt Nam, thì nhiều nhà sản xuất thiết bị lại nhìn nhận ngược lại.

Vì sao lại có hai quan điểm trái chiều khá thú vị như vậy?

“4G đợi smartphone giá rẻ”

Khảo sát trên thị trường cũng như thông tin từ một số công ty nghiên cứu thị trường và các nhà mạng, tỷ lệ smartphone 4G tại Việt Nam còn rất thấp, chỉ khoảng 6-7%, trong đó, smartphone có tính năng 4G có giá trung bình từ 7-8 triệu đồng trở lên chiếm đa số. Smartphone 4G có giá 3-4 triệu và đặc biệt là 2 triệu đồng thì khá khan hiếm. 

Tìm trên nhiều kệ hàng bán điện thoại tại Hà Nội, mỏi mắt cũng không thấy một chiếc smartphone 4G giá rẻ.

Theo quan điểm của đại diện một số nhà mạng di động, để công nghệ 4G thực sự bùng nổ tại Việt Nam thì giá thiết bị smartphone 4G phải thật rẻ.

Tại nhiều hệ thống bán lẻ điện thoại lớn, tỷ lệ smartphone có hỗ trợ 4G giá 7-8 triệu đồng trở lên chiếm tới 80%; smartphone hỗ trợ 4G giá từ 4 đến dưới 7 triệu chiếm tới 15%; còn lại là sản phẩm có giá 3-4 triệu, những smartphone có hỗ trợ 4G giá 2 triệu hoặc thấp hơn gần như không có, hiếm lắm có một hai mẫu máy nhưng không phải của thương hiệu nổi tiếng.

Vì tỷ lệ điện thoại 4G, nhất là smartphone 4G giá rẻ tại Việt Nam vẫn còn quá ít, nên, theo đại diện nhiều mạng di động, đây sẽ là trở ngại chính trong việc phát triển 4G, nhất là khi thời điểm triển khai công nghệ này ngày càng đến gần, (dự kiến Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép triển khai 4G trong quý 1 hoặc quý 2/2016, và theo đó, sớm nhất khoảng quý 3 hoặc quý 4, dịch vụ công nghệ này mới có thể chính thức được thương mại hóa).

Nguyên nhân chưa nhiều smartphone 4G giá rẻ về thị trường được đại diện một số hãng sản xuất điện thoại tại Việt Nam giải thích là do Việt Nam chưa chính thức triển khai 4G, các nhà mạng vẫn đang chạy thử nghiệm và không biết sẽ áp dụng chuẩn băng tần như thế nào.

Vì thế, nếu có đưa ồ ạt thiết bị 4G vào Việt Nam cũng chưa chắc sử dụng được 4G, chưa kể các máy 4G này còn có thể “xung đột” với 3G và cũng không chạy được mạng 3G.

“Smartphone 4G chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, nhiều dòng trong phân khúc thấp và tầm trung ở Việt Nam chưa có phiên bản 4G, nhưng ở thị trường nước ngoài đều đã có, với đa dạng mẫu mã và dòng sản phẩm. Chỉ cần các nhà mạng trong nước chính thức cung cấp 4G là hãng sẽ tích hợp 4G (theo chuẩn băng tần) vào thiết bị và đưa vào thị trường”, đại diện một nhà sản xuất điện thoại nước ngoài tại Việt Nam nói.

Cũng tương tự như điện thoại 3G trước đây, sự phổ biến của smartphone 4G được nhìn nhận sẽ là bệ phóng cho công nghệ 4G cất cánh.

Tuy nhiên, đại diện nhiều nhà mạng phân tích, bên cạnh một trong hai yếu tố quyết định là mạng (cấp phép), để 4G thực sự phổ biến tại Việt Nam thì giá thiết bị smartphone 4G phải thật rẻ. Theo ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), giá smartphone 4G chỉ khi nào xuống tới ngưỡng 50 USD (khoảng hơn 1 triệu đồng) thì 4G mới bùng nổ.

Không chỉ Viettel, nhiều nhà mạng khác và thậm chí cả giới quản lý cũng nhìn nhận về sự phổ cập của thiết bị điện thoại 4G, tức giá thiết bị điện thoại phải rẻ và thật rẻ (càng tốt) mới là yếu tố quyết định tới sự bùng nổ 4G tại Việt Nam.

“Thành công không nằm ở giá”

Nhưng, trái ngược với quan điểm của các nhà mạng rằng giá thiết bị 4G phải xuống mức 1-2 triệu thì công nghệ 4G mới có thể bùng nổ, một số nhà sản xuất thiết bị lại cho rằng, smartphone 4G ở mức giá này sẽ khó thu hút người dùng dùng 4G.

Ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc marketing của Oppo - một trong những thương hiệu điện thoại mới nổi có doanh số bán tốt tại thị trường Việt năm qua nói, nếu hãng này có đưa ra các thiết bị có giá 100 USD thì khả năng cũng rất ít người dùng mua thiết bị này để sử dụng các ứng dụng, dịch vụ 4G.

Bởi, theo ông Cường, bản chất của 4G là trải nghiệm. Người dùng dùng 4G là để trải nghiệm các dịch vụ như xem phim HD, phim 3D, chơi game online… dung lượng lớn, nên cần tốc độ nhanh, mượt, chất lượng hình ảnh cao.

Trong khi đó, với những smartphone 4G quá rẻ thì chắc chắn cấu hình sẽ không được cao, chất lượng hình ảnh hiện thị kém, tốc độ xử lý hạn chế… vì thế, dù có băng thông (4G) thì cũng không chạy nhanh, mượt, chất lượng được.

“Dùng 4G mà vẫn chậm rì rì, hình ảnh vẫn giật, vẫn gián đoạn thì 4G cũng không có giá trị gì”, ông Cường nói.

Đại diện một số nhà sản xuất điện thoại di động lớn khác cho rằng, smartphone 4G tối thiểu phải có giá khoảng 200 USD (từ 4 triệu đồng trở lên) mới có được cấu hình, tốc độ xử lý, chất lượng hiển thị… tạm ổn để đảm bảo cho việc trải nghiệm 4G.

Ở góc độ khác, một số chuyên gia viễn thông cho rằng, thành công của 4G không nằm ở thiết bị smartphone giá rẻ, vì tính chất của 4G là cung cấp băng thông rộng hơn, truyền tải dữ liệu nhanh hơn, dung lượng lớn hơn, đem lại các ứng dụng đa dạng như truy nhập Internet không dây băng rộng tốc độ cao, truyền hình trực tiếp từ điện thoại di động Live Mobile Video, thoại chất lượng cao HD Voice, xem tivi trên di động HD MoblieTV, lựa chọn phim theo yêu cầu trên di động HD VOD, hội nghị truyền hình HD Video Conferencing, phim 3D trên di động, chơi game mobile/portal gaming, mobile office...

Do đó, quan trọng nhất là nội dung, chất lượng dịch vụ và sự khác biệt của mỗi nhà mạng để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Viettel kiến nghị tắt 2G để triển khai 4G

Tại buổi tổng kết năm 2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bộ có lộ trình tắt 2G để giải phóng tần số 4G.

http://vneconomy.vn/cuoc-song-so/cong-nghe-4g-truoc-gio-g-va-hai-quan-diem-trai-chieu-2016011510205858.htm

Theo Thủy Diệu/VnEconomy

Bạn có thể quan tâm