Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công lệnh đi Hoàng Sa

“Công lệnh đi Hoàng Sa” là đề xuất mới được đưa ra để dành cho những ngư dân mỗi lần xuất bến giong tàu đi làm ăn, bám biển Hoàng Sa.

Nói về đề xuất mới này, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng kiêm chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, nói: “Hành trình ra vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa của ngư dân luôn vất vả, rình rập hiểm nguy, nhưng giờ đây với họ đó cũng là niềm tự hào vì cuộc mưu sinh ấy gắn liền với trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc”.
Ông Bùi Văn Tiếng.

Khẳng định chủ quyền liên tục, xuyên suốt

- Công lệnh là một trong những bằng chứng cho cuộc đấu tranh sau này khi ta tiếp tục khẳng định chủ quyền một cách liên tục, xuyên suốt. Với tư cách là một nhà sử học, theo ông, việc cấp công lệnh có giá trị gì?

- Những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền về Hoàng Sa tựu trung có hai loại: một loại chỉ có giá trị lịch sử và một loại vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý. Các công lệnh của các vua nhà Nguyễn ngày xưa hay các sự vụ lệnh của chính quyền Việt Nam cộng hòa giai đoạn 1954 - 1975 thuộc loại thứ hai.

Trước đây, một người Việt Nam thực thi công vụ trên các đảo của Hoàng Sa viết thư gửi về thăm người thân trong đất liền thì bức thư ấy nếu còn được giữ đến hôm nay cũng chỉ có giá trị lịch sử, nhưng nếu người đó giữ được công lệnh của triều đình hoặc sự vụ lệnh của cơ quan hành chính hoặc cơ quan quân sự có thẩm quyền điều động mình ra Hoàng Sa thì đấy chính là bằng chứng vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý.

Tất nhiên cơ quan hành chính công quyền nói ở đây phải xác lập và thực thi chủ quyền theo đúng nguyên tắc chiếm hữu thật sự của luật quốc tế, trong đó nội dung cốt lõi nhất là phải thực hiện các hành vi chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình.

Theo tôi, UBND huyện Hoàng Sa có thể cấp công lệnh cho từng ngư dân hành nghề ở Hoàng Sa có niên hạn 3-5 năm, trên công lệnh này vẫn có chỗ để bộ đội biên phòng đóng dấu kiểm tra mỗi khi tàu xuất bến. Những công lệnh này khi hết hạn sử dụng được lưu trữ để tạo thêm bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền về Hoàng Sa vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý trong giai đoạn chúng ta đang đấu tranh đòi lại Hoàng Sa bằng các giải pháp hòa bình.

- Từ thực tế liên quan đến đề xuất của ông về công dân danh dự Hoàng Sa, ông có nghĩ rằng ta nên kiến nghị Nhà nước điều chỉnh địa giới để Hoàng Sa thật sự có công dân?

- Mô hình một đơn vị hành chính Hoàng Sa bao gồm quần đảo Hoàng Sa và một phần lãnh thổ trên đất liền đã có từ những năm 1960, đó là mô hình xã Hòa Long thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

Những năm đầu thế kỷ 21 này, ý tưởng “kéo” Hoàng Sa vào đất liền để thành lập một đơn vị hành chính cấp huyện gồm quần đảo Hoàng Sa cộng với một bộ phận lãnh thổ trên đất liền cũng từng được đặt ra. Tôi nghĩ đây là một việc nên làm để UBND huyện Hoàng Sa không chỉ tồn tại trên danh nghĩa mà còn là một thực thể có lãnh thổ, có dân và do vậy sẽ có một hệ thống chính trị hoàn chỉnh - có cấp ủy, có chính quyền, có mặt trận và các đoàn thể nhằm thực hiện chức năng của mình trong việc đấu tranh khẳng định chủ quyền.

Người Việt xích lại gần nhau

- Thưa ông, người dân muốn đóng góp cho Hoàng Sa. Vậy chúng ta có nên lập một quỹ vì Hoàng Sa huy động sự đóng góp của người dân để phục vụ các hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền, hỗ trợ ngư dân?

- Tôi tin nếu có một quỹ như thế thì sự ủng hộ không phải là ít. Tuy nhiên theo tôi, việc thành lập quỹ chỉ là phụ. Cái xã hội hóa lớn hơn không chỉ đóng góp bằng tiền mà nâng cao nhận thức. Vì một khi đã xã hội hóa thì tất cả công việc đó đều theo nguyên tắc tự lo. Nhà khoa học tự tìm nguồn để nghiên cứu, nhà truyền thông tự tìm nguồn để truyền thông, không cần phải có một quỹ để rồi từ quỹ đó tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và truyền thông của mình.

- Tết vừa rồi khi tổ chức gặp gỡ bà con Việt kiều về quê ăn tết, TP Đà Nẵng có tổ chức giới thiệu về tư liệu “Hoàng Sa - những bằng chứng lịch sử”. Ông có hy vọng thông qua những việc làm như vậy chúng ta kéo người Việt trên khắp thế giới xích lại gần nhau, hướng về Tổ quốc trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền?

- Trong thời đại hội nhập toàn cầu hóa, không nên kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi cực đoan nhưng Tổ quốc và dân tộc vẫn phải được xem là tối thượng, do vậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước phải được đề cao hơn nữa.

Với ý nghĩa ấy, tôi cho rằng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng đã rất thành công khi tổ chức giới thiệu về tư liệu “Hoàng Sa - những bằng chứng lịch sử” đối với bà con Việt kiều về quê ăn tết. Tất nhiên không phải đợi đến khi xem triển lãm này những người Việt Nam sống xa Tổ quốc mới hướng về Hoàng Sa và Trường Sa, mà từ lâu nay họ đã có những đóng góp to lớn và hữu hiệu vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam.

- Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa vấn đề biển Đông và chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp. Theo ông, nội dung gì về Hoàng Sa - Trường Sa chúng ta cần nhấn mạnh, đưa vào sách giáo khoa?

- Tôi hi vọng ngay từ năm học 2014-2015, Đà Nẵng và Khánh Hòa có thể đưa vấn đề biển Đông và chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa vào dạy - học trong giáo trình lịch sử địa phương để đến năm học 2015-2016 có thể mở rộng trên phạm vi toàn quốc.

Từ góc độ khoa học lịch sử, tôi cho rằng cần phải dạy cho học sinh phổ thông nước ta sự thật lịch sử: dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế, nhất là nguyên tắc chiếm hữu thật sự, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/592506/cong-lenh-di-hoang-sa.html

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm