PGS.TS Trần Thuận (Giảng viên cao cấp Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) phát biểu tại tọa đàm "Cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X trong lịch sử dân tộc Việt Nam". Ảnh: Đức Huy. |
Trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, thế kỷ X có vị trí, vai trò quan trọng, được xem là "thế kỷ bản lề", ghi dấu công lao của họ Khúc mà đại diện tiêu biểu là Tam Khúc chúa trong sự nghiệp đấu tranh với thế lực ngoại bang. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, điểm nhấn dòng họ Khúc để lại trong nghệ thuật quốc phòng và giải pháp chính trị ngoại giao mềm mỏng với các vương triều phong kiến phương Bắc. Điều này góp phần vào chiến thắng của Ngô Quyền trước quân Nam Hán vào năm 938.
"Từ năm 905 đến năm 930, ba đời Khúc chúa (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ) đã giành và giữ nền độc lập, tạo nền tảng vững chắc cho các triều đại sau này như Ngô, Đinh, Tiền Lê... Các vị Khúc chúa đã viết nên những trang sử vẻ vang, đồng thời khởi động cho "thế kỷ bản lề "đánh dấu sự kết thúc của 1000 năm Bắc Thuộc", thiếu tướng, TS Bùi Văn Bình, nguyên Viện trưởng Viện B35, Tổng cục V, Bộ Công an phát biểu tại tọa đàm "Cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X trong lịch sử dân tộc Việt Nam" vào sáng 11/3.
Cũng tại buổi tọa đàm, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng nước Việt đã có nền độc lập từ trước đó do dòng họ Khúc dựng nên. Vì vậy các cuộc đấu tranh sau đó, tiêu biểu là Ngô Quyền, đều là những cuộc đấu tranh giữ nước. Không chỉ là những người tiên phong cho cuộc khởi nghĩa, các chính sách an dân dưới triều đại Tam Khúc cũng được nhiều nhà nghiên cứu nhắc đến. Chúng giúp đời sống nhân dân Việt đi lên, đảm bảo các giá trị dân tộc hài hòa và không bị mất đi sau 1000 năm Bắc thuộc.
Cuốn sách Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc. Ảnh: Đức Huy. |
Dựa trên tiền đề đó, các nhà khoa học từ nhiều đơn vị nghiên cứu như trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn TP.HCM, Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật... đã cùng nhau làm rõ thành tựu của nhà họ Khúc trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Theo đánh giá của bà Nguyễn Hoài Anh (Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật), các nghiên không chỉ là sự tìm tòi khám phá các văn kiện trong nước mà còn là những văn thư cổ của Trung Quốc và một số nước khu vực Đông Á.
Các kết quả nghiên cứu đã được tập hợp trong cuốn sách Công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc. Các nhà nghiên cứu không chỉ ca ngợi công lao tạo ra cuộc cải cách mang tinh thần độc lập dân tộc mà còn làm rõ nguyên nhân thất bại, mưu lược của Khúc Thừa Mỹ trong cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán. Đặc biệt là nghệ thuật quân sự "dụng gián của Khúc Thừa Mỹ. Cuốn sách được chia làm ba phần: Sự nghiệp Trung hưng đất nước của họ Khúc đầu thế kỷ X, Đánh giá hành trạng, công lao của Tam Khúc chúa, Tư liệu về họ Khúc và công cuộc trung hưng đất nước của họ Khúc. Dù hệ thống tài liệu tham khảo hiện nay rất còn ít ỏi, tuy nhiên, nhóm tác giả đã cố gắng để tìm tòi, nghiên cứu.