Sau khi thông tin về các clip Elsa, Spiderman phản cảm được đưa lên rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều người dùng, phụ huynh lên tiếng phản đối nhóm thực hiện.
"Hôm qua tò mò click vô xem thử nó như thế nào. Người lớn như mình mà còn thấy nó phản cảm, dung tục và kinh dị huống hồ gì là con nít", người dùng Facebook L.P chia sẻ.
Nhiều người khác cho rằng cẩn thận hơn khi cho trẻ em dùng công nghệ: "Mình không khuyến khích cho con trẻ dùng smartphone, iPad sớm quá. Có dùng thì phải quản lý tốt hoặc ngồi xem chung. Nuôi đứa trẻ như tạo dáng cây bonsai, một chút sai thôi là hối hận không kịp", người dùng N.N.Y viết.
Các ý kiến cho rằng các bậc cha mẹ cần bảo vệ con cái trước khi chờ các cơ quan hữu trách vào cuộc.
"Trong khi chờ YouTube bổ sung tính năng chặn, mình đã ẩn app đi và tải kênh "Youtube for Kids". Đây là nơi được YouTube phát triển riêng cho trẻ em, các video được chọn lọc từ đội ngũ biên tập nên đảm bảo về mặt nội dung", người dùng N.D đưa ra kinh nghiệm.
Người dùng khá loay hoay trước sự đổ bộ của các clip trên. |
Về phía người dùng, ban đầu, họ cho rằng lỗi một phần nằm ở các bậc cha mẹ, khi không kiểm soát trẻ em kỹ lưỡng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là điều rất khó bởi với kỹ thuật gợi ý, từ khóa gắn với các nhân vật hoạt hình, không dễ để biết trẻ sẽ xem trúng clip gì tiếp theo.
Điều khiến cộng đồng bức xúc không chỉ nằm ở những hình ảnh hở hang, nội dung nhảm nhí, dung tục. Điểm bị lên án nhiều nhất là các clip này được tùy chỉnh đặc biệt để hướng đến người dùng trẻ em.
Hiện tại, trẻ em ngày càng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với YouTube, smartphone... Do đó, nếu không kiểm soát kịp thời, trẻ dễ bị cuốn vào những nội dung trên.
Tính đến hôm nay (17/1), chưa có đơn vị sản xuất, nhà quản lý network hay các cơ quan hữu trách ra thông báo chính thức về trường hợp này. Do đó, trên các diễn đàn, hội nhóm online, mọi người đang thực hiện chiến dịch gắn cờ xấu, báo cáo xấu nhằm xóa các clip này khỏi YouTube.
Bài kêu gọi report các post xấu trên một diễn đàn lâu đời tại Việt Nam. |
Sau các chiến dịch báo xấu, một số clip phản cảm đã biến mất khỏi các kênh. Tuy vậy, số lượng clip tồn tại vẫn còn rất nhiều, và đa số các kênh phản cảm vẫn chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng.
Người dùng cho rằng bên cạnh nỗ lực của cộng đồng, các cơ quan hữu trách cũng cần nhanh chóng vào cuộc. Hơn hết, người dùng lên án mạnh mẽ các network (mạng lưới liên kết nội dung) đứng sau hỗ trợ từ khóa, gợi ý cũng như góp phần lớn trong việc lan truyền nhanh chóng các video này.
Ý kiến chuyên gia cho rằng, các kênh này đang sử dụng chiêu trò để thu hút sự tò mò, từ đó mang về lợi nhuận trong kinh doanh. Chiêu trò này được đánh giá là "vô đạo đức" bởi lợi dụng tâm lý trẻ nhỏ, hình ảnh quen thuộc với tuổi thơ để kinh doanh sinh lợi.
Theo anh Nguyễn Xuân Vinh (Vlogger Vinh Vật Vờ), "Các video này có tiêu đề, mô tả, từ khóa là tiếng Anh. Do đó, nó thu hút nhiều người dùng nước ngoài".
Theo đó, lượt xem trên các clip này và thu nhập cũng cao hơn. "Tôi tin chắc họ kiếm nhiều tiền hơn các kênh nội dung ở Việt Nam. Xét ra thì họ không sai theo cách làm nội dung, mà sai ở chỗ dùng hình ảnh 18+, gợi cảm cho kênh hướng đến trẻ em".
Theo anh Vinh, "tôi không lên án nếu đây là kênh bình thường cho người lớn, nhưng dành cho thiếu nhi thì cần phải xử lý".
Ở nước ngoài, những video hướng đến trẻ nhỏ nhưng vi phạm về chính sách cộng đồng, dung tục thường bị phạt nặng và bắt buộc đóng cửa.
Người dùng kêu gọi lên án các network tiếp tay cho nội dung phản cảm. |
Network liên kết với các kênh trên tại Việt Nam đang là Yeah1.
Theo tìm hiểu, network này liên kết với nhiều kênh tương tự. Một số kênh có bối cảnh, diễn viên rất giống tại Việt Nam, không loại trừ khả năng được sản xuất bởi nhóm nội dung người Việt Nam.
Hiện tại, họ vẫn chưa phản hồi khi được Zing.vn liên hệ đặt vấn đề.
Mới đây, Bộ Thông Tin và Truyền Thông vừa ban hành Thông tư số 38, quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới. Theo đó, Thông tư khẳng định các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi các biện pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện chính sách phát triển, quản lý thông tin trên mạng.
Với những đơn vị như Google, YouTube, Facebook, văn bản có đề nghị rõ nếu họ không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, họ phải cung cấp thông tin về đầu mối liên hệ cụ thể để khi có vấn đề nảy sinh để liên hệ, phối hợp giải quyết. Nếu họ không hợp tác, Nhà nước Việt Nam hoàn toàn có quyền tiến hành các biện pháp kỹ thuật.
Hiện tại, đại diện truyền thông Google tại Việt Nam chưa đưa ra câu trả lời cụ thể về vụ việc trên, nhưng cho biết YouTube là nền tảng mở và quản lý nội dung dựa trên cộng đồng.