Độc giả có thể bấm vào bất kỳ đoạn văn nào trong bài viết này để đọc theo cách viết mới. Bấm lại lần nữa để trở lại nội dung gốc. Mã chuyển được tham khảo từ mã nguồn tieqviet của Phan An cho bài viết này.
Trên GitHub, dự án mang tên "tieqviet-demo" vừa xuất hiện dưới dạng mã nguồn mở, do một tác giả người Việt tên Phan An chia sẻ. Anh cũng giới thiệu website https://tieqviet.surge.sh chứa công cụ trên.
Tại website này, người dùng có thể gõ vào bất kỳ dòng chữ tiếng Việt nào và nó hỗ trợ chuyển đổi ngay sang cách viết mới.
Công cụ chuyển đổi trên trang https://tieqviet.surge.sh. |
Trao đổi với Zing.vn, Phan An cho biết anh tạo ra phần mềm này trong khoảng 30 phút.
Phan An là cái tên không xa lạ với những người yêu đọc sách tại Việt Nam. Tác giả sinh năm 1984 được biết đến với các tác phẩm "Quẩn quanh trong tổ", "Trời hôm ấy không có gì đặc biệt" và "Con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất". Anh cũng nổi tiếng với trang web lacai.org và cadao.me. Phan An đang sống và làm việc tại Đức.
Chia sẻ quan điểm về cách viết mới, Phan An cho biết anh không nghĩ đó là hay, nhưng đồng ý về mặt ý tưởng. "Thật ra ý tưởng cải cách cách viết tiếng Việt như thế này không mới. Ví dụ nhà văn - nhà thơ Trần Dần cũng chỉ viết i ngắn (í định). Về mặt âm thì hoàn toàn như nhau mà lại có đến hai cách viết theo mình là thừa thãi. Nó dẫn đến chuyện cãi nhau giữa 'Địa lý' hay 'Địa lí'. Rồi tại sao không là 'f' mà là 'ph'? Tại sao không nhận 'z' mà lại chế ra cái phụ âm 'gi'?"
"Cách viết hiện tại có nhiều cái không ổn. Cách làm của ông giáo sư có thể không hay hoặc không đúng (đánh đồng ch/tr chẳng hạn), nhưng vấn đề ông nêu ra là có thật", nhà văn sinh năm 1984 nhận định.
Góp ý thêm về cải cách tiếng Việt, Phan An cho rằng nên có gạch giữa ở những từ có hai âm tiết giúp giải quyết tốt thuật toán cho Google Translate. Khi bỏ đi gạch nối này, toàn bộ từ ngữ bị hiểu là đơn âm tiết, rất khó cho Google phân tích, khiến chất lượng bản dịch rất kém so với các ngôn ngữ khác.
Đề xuất gây trang cãi của PGS.TS Bùi Hiền được nêu trong bài Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế thuộc cuốn sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển, tập 1, dày 2.200 trang, do NXB Dân trí phát hành, nhân Hội thảo ngữ học toàn quốc được tổ chức tại ĐH Quy Nhơn hồi tháng 9.
Theo PGS.TS Bùi Hiền, bảng chữ cái cần giảm từ 38 xuống 31, vì cho rằng chữ quốc ngữ gây khó khăn cho người học. Theo đó, "giáo dục" sẽ được ghi thành "záo zụk", "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt".