Raya and the Last Dragon là bộ phim hoạt hình thứ 59 do Walt Disney Animation Studios sản xuất. Tác phẩm xoay quanh hành trình tìm kiếm rồng thần của Raya (Kelly Marie Tran), công chúa Long Tâm, để cứu vùng đất Kumandra khỏi bóng ma do loài Druun gieo rắc. Kẻ thù, cũng từng là người bạn gái thân thiết đầu tiên, ngăn cản Raya trên hành trình ấy là Namaari (Gemma Chan), công chúa Long Nha.
Namaari đóng vai trò như "hoàng tử" trong câu chuyện đời Raya. |
Theo thống kê của Box Office Mojo, cuộc đối đầu giữa hai nàng công chúa đã mang về cho Disney hơn 52,6 triệu USD từ phòng vé toàn cầu. Độc đáo và mới lạ trong cách lựa chọn văn hóa Đông Nam Á làm chất liệu chính, nhưng Raya and the Last Dragon vẫn lặp lại công thức cũ, đã được Disney sử dụng trong một thập kỷ qua, khi nói về bình đẳng giới.
Sự biến mất của hoàng tử Disney
Năm 2020, ScreenRant từng đề cập đến những tiêu chuẩn phức tạp định nghĩa công chúa Disney. Một trong số đó nhắc đến việc câu chuyện về các nàng công chúa thường xoay quanh hành trình tìm kiếm tình yêu đích thực - mang dáng dấp chàng hoàng tử trong mơ.
Một trong những lý do khiến hai chị em Elsa và Anna từ loạt Frozen bị loại khỏi danh sách công chúa Disney “chính thức” là ngay từ đầu, câu chuyện của họ đã xoay quanh tình chị em cũng như hành trình tìm lại bản ngã. Tình yêu lứa đôi đóng vai trò vô cùng mờ nhạt.
Frozen (2013) là bộ phim hoạt hình gần đây nhất của Disney có sự xuất hiện của hoàng tử (dù chàng đóng vai phản diện). Sau Frozen, Moana (2016) và Raya and the Last Dragon đều xoay quanh những nữ chính đơn độc ra đi tìm đường cứu quê hương. Trên hành trình, họ có thể gặp nhiều bạn đồng hành là nam giới, nhưng không có ai là hoàng tử, hoặc cùng nữ chính thành đôi ở cuối tác phẩm.
Cốt truyện Raya không mới mẻ so với mặt bằng chung của phim hoạt hình Disney. |
Trong thập kỷ mới, hình tượng các nàng công chúa Disney gắn liền với sự tự khám phá sức mạnh cũng như giá trị bản thân. Từ chỗ bé gái tuổi mới lớn mang mặc cảm bản thân kém cỏi hay lạc lõng, họ trở thành người nữ anh hùng, có được sự ghi nhận của cộng đồng. Con người mới ấy là quả ngọt, đền đáp cho vô vàn khó khăn các nàng công chúa đã trải qua thay vì cảnh kết “họ sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi về sau”.
Trong tư duy mới của Disney, sự trưởng thành về nhận thức là điều quan trọng hơn cả. Điều này làm nảy sinh câu hỏi: Sao phải trông mong được hoàng tử giải cứu bằng một nụ hôn, khi bản thân nàng công chúa đã trở thành người anh hùng trong câu chuyện của chính mình?
Những nàng công chúa gồng mình
Những nàng công chúa tự lực tự cường là thay đổi mang tính bước ngoặt, song hành cùng sự phát triển phong trào nữ quyền thể hiện trong hoạt hình Disney. Mặt tích cực, nó truyền cho các bé gái cảm hứng về một tương lai mà trong đó, chúng là những phụ nữ độc lập, mạnh mẽ, chủ động lựa chọn thay vì trông chờ sự che chở, cứu giúp.
Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng kéo theo một số áp đặt trong tư tưởng. Trước đây, công chúa Disney đều khốn khổ vì mẹ kế, phù thủy đày ải. Sau đó, họ được một chàng hoàng tử giải cứu và lấy về làm vợ mà không có lấy phút giây nào sống cho riêng mình. Ngày nay, công chúa Disney dù được tự do lựa chọn, lại phải gồng gánh trên vai quá nhiều kỳ vọng.
Vẻ khỏe khoắn của Namaari được khán giả ca ngợi. |
Kỳ vọng với các nàng công chúa hiện đại xuất phát từ nhà sản xuất, trong cuộc chạy đua với sự nở rộ của phong trào nữ quyền. Anna, Elsa, Moana và Raya phải xinh đẹp, thông thái, mạnh mẽ, lấn át những người bạn đồng hành nam giới. Họ được trao sứ mệnh, nhưng không được phép san sẻ trách nhiệm ấy cùng ai.
Raya nhìn mọi thứ xung quanh bằng ánh mắt nghi ngờ, không thể tha thứ cho sai lầm của bản thân và Namaari. Moana một thân một mình dong buồm ra khơi để chứng minh với cha rằng mình đúng… Để phá bỏ hình ảnh người phụ nữ phụ thuộc vào đàn ông trong quá khứ, Disney đã tạo ra một hình mẫu thiếu lành mạnh mới - những cô gái trẻ đầy hoài nghi, chới với trong chính kỳ vọng của họ về bản thân mình.
Mối quan hệ “nam xấu, nữ tốt”
Trong Frozen, chàng hoàng tử nước láng giềng tìm cách tiếp cận Anna để âm mưu chiếm vương quốc. Ở Moana, bạn đồng hành của cô công chúa nhỏ - á thần Maui - là một gã ngạo mạn. Tới Raya and the Last Dragon, cha của Raya hóa đá vì tin người, bạn đồng hành của cô là một cậu bé đầu bếp láu cá và ông chú hữu dũng vô mưu…
Thay vì thổi làn gió mới vào các nhân vật nữ, để họ xuất hiện ngang tài ngang sức bên những bạn đồng hành nam giới, nhà làm phim quyết định đặt cả hai lên một cái cân. Bên này được nâng lên bằng đức tính, thì bên kia buộc phải chìm xuống vì thói tật. Dần dà, mâu thuẫn trong các phim hoạt hình Disney không còn đơn thuần chỉ là thiện chống ác, cái tốt triệt tiêu cái xấu… mà đã biến tướng thành tư tưởng nữ giới tốt nam giới xấu.
Dàn nhân vật nam giới trong Raya and the Last Dragon không có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cốt truyện. |
Trong những năm trở lại đây, Disney đã tích cực tìm kiếm các chất liệu văn hóa mới, đưa nàng công chúa thiểu số lên màn ảnh. Nhưng bên cạnh việc đa dạng cách thể hiện, “nhà chuột” đang lặp đi lặp lại một cốt truyện, một kiểu mẫu nhân vật.
Moana và Raya xuất thân từ những vùng văn hóa khác nhau, nhưng về bản chất, họ đều là những cô gái ngờ vực những người xung quanh và hoài nghi chính mình. Trên phim, hai nàng công chúa tự tin mình thông thái, cư xử như một người lãnh đạo thiên tài, trong khi thực tế chứng minh điều ngược lại. Đây cũng là câu chuyện mà Elsa gặp phải trong cả hai phần Frozen.
Lật lại vấn đề, nếu những nàng công chúa với hoài bão dời non lấp bể như Elsa, Moana, Raya hay Namaari là chân giá trị của Disney, thì những bé gái với ước mơ về một chàng hoàng tử cưỡi ngựa trắng sẽ thấy mình ở đâu trong thế giới vừa được nghịch đảo ấy?
Elsa lựa chọn trách nhiệm gắn liền với sức mạnh được trao. Moana không có lấy một người bạn đồng trang lứa. Còn Raya, nàng công chúa có xu hướng đối đầu với tất cả bạn bè. Chỉ có Anna, em gái của Elsa, là gần gũi với hình ảnh các nàng công chúa Disney cổ điển hơn cả. Nhưng trên màn ảnh, cô hoàn toàn bị lấn át bởi Elsa cùng bi kịch "không ai hiểu".